Trung Quốc đổ tiền vào vùng Caribê
Những dòng tiền Trung Quốc đang vượt Thái Bình Dương đổ vào các dự án, các công trình ở các nước khu vực Caribê, nơi chỉ cách bờ biển đông nam nước Mỹ 300km và một giờ ngồi máy bay.
Năm ngoái Trung Quốc thông báo sẽ cho chính phủ các nước vùng Caribên vay 6,3 tỉ USD, sau một thập kỷ đã đổ hàng trăm triệu USD cho các hoạt động vay vốn và viện trợ ở khu vực này. Những đồng tiền từ Trung Quốc đang được rót vào một khu vực mà Mỹ một thời là nhà viện trợ hàng đầu.
Đồng đôla của Trung Quốc
Một sân vận động 35 triệu USD đã được khánh thành ở Bahamas vài tuần trước. Đó là món quà mà chính phủ Trung Quốc xây tặng cho quốc gia có 3.000 đảo ở giữa vùng Caribê . Ngoài sân vận động, các công nhân Trung Quốc đang xây dựng ở Bahamas khu nghỉ dưỡng lớn nhất khu vực có tên Baha Mar với số vốn lên đến 3,5 tỉ USD, trong đó ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đầu tư 2,6 tỉ USD, và một công ty xây dựng quốc doanh Trung Quốc là đối tác xây dựng. 8.000 lao động Trung Quốc được đưa sang Bahamas để xây dựng công trình này bên cạnh 4.000 lao động địa phương. Một số công ty Mỹ cũng sẽ tham gia xây dựng và điều hành khu nghỉ mát này, nơi sẽ phục vụ chủ yếu cho khách du lịch người Mỹ, những người chỉ mất hơn một giờ ngồi máy bay để đến Bahamas du lịch.
Mới đây, ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng cam kết chi 41 triệu USD để xây dựng ở Bahamas một hải cảng mới, một cây cầu, và một đại sứ quán Trung Quốc mới. Quốc gia nhỏ bé khác là Dominica cũng đã nhận được những món quà của Trung Quốc: một trường học, một bệnh viện, một sân vận động. Antigua và Barbuda thì được tặng một nhà máy điện, một sân cricket, và một trường học mới sắp sửa khánh thành. Tháng 8.2011, công ty Trung Quốc Complant chi 166 triệu USD mua lại ba công ty đường quốc doanh và thuê các cánh đồng mía ở Jamaica. Chính phủ Jamaican cũng nhận hàng triệu USD từ Trung Quốc, trong đó có khoản 400 triệu USD trong vòng 5 năm để cải tạo đường sá và các hạ tầng khác.
Có điều gì đó...
Không giống như ở châu Phi, Nam Mỹ, hay những khu vực khác trên thế giới, ở Caribê, Trung Quốc không tìm kiếm hay khai thác hàng hóa nguyên liệu và năng lượng, mà hướng đến hoạt động kinh doanh dài hạn như du lịch, xây dựng, cơ sở hạ tầng.
Các nhà ngoại giao, các nhà kinh tế, và các nhà đầu tư không thể không thắc mắc về sự xuất hiện của Trung Quốc vùng này. Không có sự xuất hiện của các căn cứ quân sự, hay các động thái tăng cường quan hệ quân sự của Trung Quốc ở đây, nên nhiều nhà phân tích nhìn nhận sự xuất hiện của Trung Quốc ở vùng biển đông nam nước Mỹ không gây ra một mối đe doa nào về an ninh khu vực, nhưng họ vẫn đang theo dõi việc một siêu cường đang có được sự ủng hộ về chính trị và sự cởi mở về kinh tế từ một khối các nước phát triển có ngân sách eo hẹp một thời chỉ dựa vào Mỹ, Canada, và châu Âu.
“Tôi không lo lắng vào một vấn đề cụ thể nào, nhưng vẫn có gì đó mà Mỹ nên tiếp tục quan sát. Với Trung Quốc, anh phải thận trọng với các mục đích chính trị có thể có đằng sau các nỗ lực”, ông Dennis C. Shea, chủ tịch ủy ban Giám sát an ninh và kinh tế Mỹ - Trung, nhận xét. Các quan chức Bahamas nhận xét sân vận động mới mà Trung Quốc tặng là phần thưởng cho việc Bahamas đã cắt đứt quan hệ với Đài Loan vào năm 1997 và xây dựng các mối quan hệ với đại lục. Chấm dứt quan hệ với Đài Loan vào năm 2004 khi vẫn đang còn nợ Đài Loan một khoản vay để xây dựng sân bay, Grenada cũng đang có các cuộc thảo luận với Trung Quốc về việc xây dựng hệ thống đường sắt quốc gia mới, và một sân vận động mới. Không để bị dẹp sang một bên, Đài Loan đang tìm cách củng cố mối quan hệ hiện có với các nước như Belize, St. Kitts & Nevis, và St. Lucia – những nước đã chọn Đài Loan và ngừng quan hệ với Trung Quốc vào năm 2007.
Nhiều nhà phân tích ở Caribê tin rằng Trung Quốc cuối cùng sẽ trở thành một thế lực chính trị ở khu vực này khi mà nhiều nước trong khu vực mang nợ Trung Quốc, còn Mỹ thì đang bận rộn với các vấn đề Trung Đông và ít quan tâm đến vùng Caribê. Nhà ngoại giao của Antigua and Barbuda, ông Ronald Sanders nhận xét: “Họ đang mua lòng trung thành và lấp khoảng trống mà Mỹ, Canada, và các nước khác bỏ lại, đặc biện là trong lĩnh vực cải thiện cơ sở hạ tầng”.
Ở vài nơi, nhà thầu và công nhân Trung Quốc đã ở lại và bắt đầu xây dựng cộng đồng người Hoa. Điều này đang phát triển nhanh ở Roseau, Domicica đến nỗi thương nhân địa phương bắt đầu than phiền về việc thị trường của họ bị thu hẹp. Làn sóng nhập cư người Hoa đã xuất hiện ở Trinidad & Tobago một thập kỷ qua, và người dân nước này đang thấy ngày càng nhiều cửa hàng, và nhà hàng người Hoa ở đây, cũng như thế hệ con lai người Hoa. Nói về sự xuất hiện của Trung Quốc ở vùng Caribê, tham tán kinh tế Tan Jian của đại sứ quán Trung Quốc tại Bahamas cho biết: “Đó mới chỉ là sự khởi đầu”.
Trà Sương (New York Times)
sài gòn tiếp thị
|