SBS đã sạch nợ
Nói về khó khăn của CTCK trong vài năm qua, CTCK Sacombank (SBS) có thể là một thí dụ điển hình: Ngập trong nợ, thua lỗ nặng, chưa kể những xáo trộn về nhân sự, lùm xùm hậu trường… khiến nhiều người nghĩ đến một kết cục buồn cho SBS. Vì vậy, khi CP SBS tăng giá mạnh trong thời gian qua đã tạo ra không ít những băn khoăn, thậm chí ngờ vực.
Đỉnh cao và vực sâu
Tổng vay nợ ngân hàng của SBS cách đây khoảng 1 năm lên đến gần 6.000 tỷ đồng, tính theo lãi suất thời điểm đó tiền lãi phải lên đến 1.200 tỷ đồng/năm. Theo tính toán của lãnh đạo SBS, vào thời điểm đó (giai đoạn 2008-2010) có thể xem như “đáy” của khủng hoảng, nên các chiến lược phát triển được đẩy mạnh trong năm 2011.
Quan điểm này được ủng hộ khi nền kinh tế Hoa Kỳ có nhiều dấu hiệu cải thiện. Tuy nhiên, tình hình vĩ mô trong nước lại có nhiều rủi ro: lãi suất cao, lạm phát, cho đến việc đóng băng của thị trường bất động sản… kèm theo khủng hoảng tại châu Âu vẫn chưa tìm được lối thoát.
Vĩ mô không tốt, TTCK phản ánh tiêu cực, giá CP đi xuống, thanh khoản sụt giảm. Cũng như một loạt CTCK khác, SBS bị sụt giảm doanh thu, áp lực trả lãi đè nặng, không thể giải chấp một số khoản nên dẫn đến thua lỗ.
Rất khó để quyết định dứt khoát, hào quang quá khứ vẫn còn đó, rồi kỳ vọng thị trường sẽ sớm bùng phát trở lại. Nhưng tôi cùng các cộng sự cũng tỉnh táo nhìn nhận rằng, làm sao biết được tâm lý NĐT, làm sao kiểm soát được thanh khoản… Quyết định nhận sai, đến hành động sửa sai đã được đưa ra mặc dù lường trước được những khó khăn rất lớn phía trước.
Ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch HĐQT SBS
|
Theo Chủ tịch HĐQT SBS Nguyễn Hồ Nam, ngoài cái khó của thị trường, dám thừa nhận thất bại và quyết đoán sửa sai cũng là rào cản cực lớn phải vượt qua. Vì mới trước đó, giai đoạn 2006-2010, là khoảng thời gian thịnh vượng của SBS cũng như cổ đông sáng lập Sacombank (STB) khi thỏa mãn được các yêu cầu về hiệu quả đầu tư, thương hiệu, mạng lưới lớn mạnh.
Thực tế vốn vay của SBS được phân bổ cho 2 hoạt động margins và đầu tư vì vậy để thu hồi vốn cũng phải bắt đầu từ hai mảng này. Hoạt động thanh lý danh mục, giải chấp được SBS đẩy mạnh. Những tài khoản bị “cháy” (tài sản đảm bảo nhỏ hơn số nợ vay) cũng được giải chấp và công ty chấp nhận lỗ, sau này nếu thu hồi được sẽ hạch toán vào doanh thu bất thường.
Danh mục đầu tư (tự doanh) cũng được SBS bán mạnh, chấp nhận cắt lỗ. Bên cạnh đó, SBS cũng chấm dứt hoạt động một loạt chi nhánh tại các tỉnh nhằm tiết giảm chi phí hoạt động.
Nhờ vậy đến thời điểm hiện nay, SBS đã giải quyết xong các khoản nợ đối với ngân hàng. Mặc dù có một số “thương tích” do thua lỗ tự doanh, nợ xấu của khách hàng, nhưng nhìn chung SBS đã khỏe mạnh.
Ông Nguyễn Hồ Nam cho biết, hiện SBS đang có khoảng 600 tỷ đồng tiền mặt, nếu đem số tiền này đi gửi ngân hàng cũng có thể thu được khoảng 7 tỷ đồng tiền lãi, trừ đi chi phí hoạt động vào tầm gần 5 tỷ đồng thì công ty vẫn có lãi kể từ đầu tháng 4 này, bất chấp thị trường lên hay xuống.
Trở lại quỹ đạo ổn định
Ông Nguyễn Hồ Nam phân tích: “Năm nay nhìn chung thị phần môi giới của các CTCK, nhất là các CTCK lớn sẽ tăng. Nguyên nhân nằm ở chỗ trong số 100 CTCK hiện nay có khoảng 40 CTCK gần như không hoạt động, miếng bánh thị phần sẽ chia cho nhóm còn lại, ai làm tốt sẽ được nhiều hơn.
Thanh khoản của thị trường tiếp tục được cải thiện bên cạnh việc một số quỹ đầu tư trong thời gian gần đây đang đổ bộ vào Việt Nam. Vì vậy năm nay CTCK chỉ cần phục vụ tốt những khách hàng sẵn có và cũng không quá lo lắng trong cuộc cạnh tranh tìm khách hàng mới.
Xu hướng này sẽ kéo dài cho đến năm 2013 sẽ tiếp tục một cuộc cạnh tranh, thanh lọc giữa các CTCK tốp trên và tốp dưới. Năm 2013 cũng sẽ mang tính chất bước ngoặt đối với nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng”.
Từ nay SBS sẽ tập trung vào các hoạt động dịch vụ và thu phí, bao gồm môi giới và tư vấn, đồng thời hạn chế tối đa hoạt động đầu tư. Đối với hoạt động cho vay chứng khoán, SBS sẽ thiết lập cơ chế kiểm tra chặt chẽ hơn nhằm tránh rủi ro cũng như các xung đột lợi ích. So với trước đây, hoạt động xét duyệt, cấp margins sẽ chậm hơn nhưng nhằm bảo vệ khách hàng tốt hơn.
|
SBS đã từng lên đến đỉnh cao rồi xuống vực sâu và nay dám thừa nhận để sửa sai, bởi chỉ có thay đổi mới tồn tại.
|
Ông Nguyễn Hồ Nam nhấn mạnh, SBS từ trước đến nay đã làm rất tốt công tác quản lý, bảo vệ tiền cho khách hàng. Cũng chính nhờ điều này nên một số khách hàng “ruột” vẫn sát cánh với công ty ngay tại thời điểm khó khăn nhất và đảm bảo thị phần năm 2011 vẫn ở trong top 3.
Năm vừa qua, mặc dù khó khăn và phải xử lý hàng loạt rủi ro nhưng SBS vẫn chú trọng đến việc hoàn thiện, nâng cao chất lượng công nghệ dịch vụ ngân hàng đầu tư vốn được SBS chú trọng phát triển với tiêu chí là cửa ngõ kết nối 3 đầu tư nhiều khả năng sẽ đem về nguồn thu đáng kể cho SBS.
2 TTCK mà SBS chú trọng đầu tư là Lào và Campuchia hứa hẹn sẽ có nhiều điểm đột phá trong năm nay với các đợt IPO mà công ty đứng ra bảo lãnh. Về vấn đề minh bạch, ông Nguyễn Hồ Nam cho biết SBS đang xây dựng phương án soát xét báo cáo tài chính hàng quý thay vì chỉ bán niên theo quy định.
Khi được hỏi về CP SBS hiện nay có tăng quá nóng hay không, ông Nguyễn Hồ Nam cho rằng điểm tích cực của SBS hiện nay là thanh khoản tốt, KLGD cao sẽ thuận tiện cho cả người mua lẫn người bán.
“Có thể nói, đến thời điểm này SBS đang trở lại với quỹ đạo ổn định sau một cơn “bạo bệnh”, nhân viên hiện nay đã rất hạnh phúc và yên tâm cống hiến cho SBS, thay vì hoang mang dao động như năm vừa rồi. Sắp tới đây, chúng tôi sẽ có những hoạt động công bố cụ thể cho cán bộ công nhân viên của SBS về việc công ty đã chính thức ra khỏi tâm bão và đang hướng đến những cái đích mới. Thành công và cả thất bại trong những năm vừa rồi sẽ là bài học vô cùng quý giá để SBS tiếp tục phát triển trong tương lai” - ông Nguyễn Hồ Nam tin tưởng.
CP SBS tăng mạnh nhưng vẫn còn đang ở dưới mệnh giá 10.000 đồng/CP, SBS đã sạch nợ như Chủ tịch HĐQT công bố, TTCK dù tốt hơn nhưng biến động cũng ngày một khó lường hơn. Vẫn còn đó những thách thức SBS phải vượt qua để chứng tỏ tầm vóc, thương hiệu vốn có của mình.
Thái Ca - Văn Trực
SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH
|