Cách nào để đại hội thành công?
Nếu DN quan tâm đến công tác quan hệ NĐT thì việc đảm bảo tỷ lệ cổ đông có mặt khi triệu tập đại hội có thể dễ dàng thực hiện.
Kinh nghiệm tổ chức thành công ĐHCĐ lần đầu của các công ty không có cổ đông sở hữu cổ phần chi phối từ 51% trở lên cho thấy, nếu DN quan tâm đến công tác quan hệ NĐT thì những khó khăn trong việc đảm bảo tỷ lệ cổ đông có mặt khi triệu tập đại hội lần đầu có thể vượt qua mà không cần sửa luật.
|
Khác với mợi năm, ĐHCĐ năm 2012 đã được tổ chức trong lần triệu tập |
Khác với mọi năm, năm nay, CTCP Đầu tư Sacom (SAM) nhanh chóng đạt tỷ lệ 66,8% cổ phần có quyền biểu quyết tham gia để tổ chức đại hội vào chiều ngày 5/4. Năm nay, số lượng cổ đông của SAM giảm từ 14.000 cổ đông xuống 11.000 cổ đông, lượng cổ phiếu tập trung hơn. Tuy nhiên, không vì thế mà ĐHCĐ có thể thành công dễ dàng, bởi SAM chốt danh sách trước thời điểm đại hội diễn ra khá lâu.
Dựa trên danh sách cổ đông, SAM đã chia công việc, theo đó ông Đỗ Văn Trắc - Tổng giám đốc đích thân liên hệ với các cổ đông lớn sở hữu từ 1 triệu cổ phiếu trở lên. Các nhân viên liên hệ với cổ đông có lượng cổ phiếu thấp hơn để xác nhận tham gia đại hội hoặc xin ủy quyền. Cuối cùng, có gần 700 cổ đông đại diện sở hữu 66,8% cổ phần, trong đó gần 20% lượng cổ phiếu dự đại hội dưới hình thức ủy quyền, góp phần quyết định để SAM tổ chức đại hội thành công.
Việc SAM hoãn ngày tổ chức đại hội đến 5/4 cũng là để làm tốt công tác chuẩn bị này. Sự chủ động liên hệ với cổ đông hợp lý hơn các năm trước là SAM vẫn triệu tập đại hội, nhưng chuẩn bị sẵn máy in và máy photocopy, con dấu để soạn thảo giấy mời đại hội lần 2 gửi ngay cho cổ đông đến tham dự.
ĐHCĐ của CTCP Hữu Liên Á Châu (HLA) cũng diễn ra êm đẹp, dù kế hoạch kinh doanh của HLA năm nay chỉ là cố gắng duy trì sản xuất ổn định, chứ chưa thể đặt mục tiêu lợi nhuận. Ở HLA, nhóm cổ đông sáng lập và điều hành chỉ đại diện cho hơn 30% cổ phần, nên việc tổ chức thành công đại hội lần đầu phụ thuộc khá lớn vào sự tham gia của cổ đông bên ngoài. Không chỉ gửi thư mời, công bố tài liệu rõ ràng, mà đại diện HLA trực tiếp gọi điện cho cổ đông để nhắc họ tham dự đại hội hay ủy quyền và cử người ra Hà Nội gặp các cổ đông lớn để xin ủy quyền.
Theo ghi nhận của ĐTCK, năm nay, ngay cả DN niêm yết có cổ đông chiếm cổ phần chi phối cũng tích cực chuẩn bị để cổ đông đến tham dự đại hội đông đủ. Nếu không có sự tham dự của các cổ đông bên ngoài thì một mình cổ đông nhà nước, hay cổ đông sáng lập không thể làm nên đại hội đúng nghĩa, trong đó quan trọng nhất là sự thảo luận, chất vấn sôi nổi của cổ đông với ban điều hành.
Nhìn vào ĐHCĐ của CTCP Thép Pomina (POM), tuy cổ đông sáng lập chiếm 60% vốn cổ phần, nhưng số lượng cổ đông tham gia đại hội khá đông. Những vấn đề được cổ đông quan tâm như giá thành sản phẩm, công tác thông tin ra thị trường được Chủ tịch HĐQT POM trả lời thẳng thắn và cởi mở, không né tránh vấn đề nhạy cảm như so sánh giá thành của POM với đối thủ là Hòa Phát ở phía Bắc.
Có thể nói, chất lượng và thái độ trả lời chất vấn của cổ đông với lãnh đạo công ty niêm yết là yếu tố quan trọng thu hút cổ đông đến dự đại hội. Sự lảng tránh, trả lời chung chung sẽ khiến cổ đông dị ứng và không đến đại hội vào năm sau. Đây là những kinh nghiệm cần thiết cho các DN đang chuẩn bị ĐHCĐ tham khảo và áp dụng để ĐHCĐ thường niên thành công cả về hình thức pháp lý là số phiếu bầu và cả về chất lượng là xây dựng mối quan hệ thiện chí, gắn bó tin tưởng hơn giữa cổ đông với ban lãnh đạo công ty.
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|