Văn bản số 2056/NHNN-CSTT ngày 10/4/2012
NHNN: Hàng loạt dư nợ cho vay được loại khỏi tín dụng bất động sản
NHNN yêu cầu các TCTD thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khoản vay không trả nợ đúng hạn. Đồng thời, dư nợ cho vay đối với hàng loạt nhu cầu vốn được loại khỏi tín dụng bất động sản.
* Tải văn bản gốc
Bên cạnh việc hạ lãi suất trần huy động xuống 12% và hạ điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành thêm 1%, Thống đốc NHNN cũng ban hành văn bản số 2056/NHNN-CSTT yêu cầu các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài (NHNNg) triển khai thực hiện có hiểu quả các giải pháp về hoạt động tín dụng theo nội dung Chỉ thị 01 của NHNN ngày 13/02/2012.
Cụ thể, NHNN yêu cầu các TCTD và chi nhánh NHNNg đáp ứng kịp thời các nhu cầu vốn của dự án, phương án sản xuất - kinh doanh có hiệu quả, phù hợp với khả năng huy động và chi tiêu tăng trưởng tín dụng tối đa theo quy định của NHNN. Đồng thời ưu tiên vốn tín dụng phục vụ các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động và các dự án hiệu quả.
NHNN cũng yêu cầu các TCTD kiểm soát tỷ trọng dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực không khuyến khích không vượt quá 16% tổng dư nợ cho vay.
- Chứng khoán: Kiểm soát dư nợ cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư, kinh doanh chứng khóan, trong đó loại trừ dư nợ cho vay đối với người lao động của công ty nhà nước để mua cổ phần phát hành lần đầu khi chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần.
- Bất động sản: Kiểm soát dư nợ cho vay đối với đầu tư, kinh doanh bất động sản, trong đó loại trừ dư nợ cho vay đối với một số nhu cầu vốn để: Xây dựng, sửa chữa và mua nhà để ở, nhà để ở kết hợp với cho thuê mà các khoản vay này khách hàng trả nợ bằng các nguồn thu nhập không phải tiền lương, tiền công khách hàng vay; Xây dựng, sửa chữa và mua nhà để bán, cho thuê; Xây dựng các công trình, dự án phát triển nhà ở trong khu đô thị (bao gồm các công trình hoàn thành trong năm 2012 và sau 2012).
- Tiêu dùng: Kiểm soát dư nợ cho vay tiêu dùng, trong đó loại trừ dư nợ cho vay đối với một số nhu cầu vốn như xây dựng, sửa chữa mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương, tiền công của khách hàng vay; mua phương tiện đi lại, mua đồ dùng, trang thiết bị gia đìng; chi phí học tập và chữa bệnh trong nước.
Ngoài ra, các TCTD cũng thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khoản vay không trả nợ đúng hạn do tác động của các yếu tố kinh tế trong nước và quốc tế làm cho sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, chậm tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm, ứ đọng tồn kho hàng hóa. Chủ động phối hợp với khách hàng vay để tháo gỡ khó khăn trong việc trả nợ và tiếp cận vay vốn, nhằm tạo điều kiện cho khách hàng vay từng bước phục hồi, duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh, đảm bảo khả năng trả nợ, giảm nợ xấu; tiếp tục xem xét cho vay mới đối với các nhu cầu vốn vay có hiệu quả và đảm bảo khả năng trả nợ.
Thực hiện đúng quy định của NHNN về trần lãi suất tiền gửi, tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng với lãi suất hợp lý.
Chấp hành đúng các quy định của pháp luật về tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh doanh của TCTD; tăng cường công tác thẩm định, giám sát vốn vay để đảm bảo vốn vay được sử dụng đúng mục đích ghi trong hợp đồng tín dụng; tăng cường kiểm tra, kiểm toán nội bộ về chất lượng tín dụng, kịp thời phát hiện khách hàng có biểu hiện khó khăn trả nợ để có biện pháp xử lý phù hợp nhằm hạn chế rủi ro phát sinh và đảm bảo an toàn hoạt động tín dụng; phan tích, đánh giá chất lượng tín dụng và có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt để xử lý nợ xấu; không được sử dụng các biện pháp nghiệp vụ chưa phù hợp với quy định của pháp luật để nhằm che dấu nợ xấu.
Thủy Tiên (Vietstock)
FINFONET
|