Nhiều nhà băng nhỏ chưa minh bạch
Tuần qua, tại TPHCM nhiều NHTM cổ phần tổ chức đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2012. Theo đó, tất cả đều kết thúc tốt đẹp khi các tờ trình về kế hoạch, chiến lược kinh doanh của HĐQT đều được thông qua. Tuy nhiên, tại một số NHTM nhỏ, cổ đông đã bày tỏ thất vọng về kết quả kinh doanh, sự kém thiện chí của HĐQT và ban điều hành trong việc minh bạch thông tin cho cổ đông, nhà đầu tư.
Thông tin chung chung
Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2011 của NH Phương Nam (Southern Bank) tại ĐHCĐ, lợi nhuận trước thuế đạt 248,37 tỷ đồng, giảm 53,36% so với năm 2010, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân 5,9%; tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản bình quân 0,35%; nợ xấu 2,32%; chia cổ tức 7% bằng tiền mặt. Southern Bank đưa ra kế hoạch năm 2012 tăng vốn điều lệ từ 3.212 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng, tăng 787,5 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 650 tỷ đồng, nợ xấu dưới 2% và chia cổ tức tối thiểu 10%.
Tuy nhiên, báo cáo về kết quả kinh doanh cũng như kế hoạch kinh doanh của Southern Bank gửi đến ĐHCĐ rất chung chung. Thí dụ, giải trình về nguồn vốn huy động, NH không cung cấp và phân tích được số liệu huy động trên thị trường 2, thị trường 1 (bao gồm từ dân cư và tổ chức kinh tế); về sử dụng vốn cũng thiếu các chỉ tiêu cơ bản như chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư, góp vốn đầu tư trung, dài hạn.
Ngoài ra, NH cũng không lý giải cụ thể vì sao chưa đạt được những chỉ tiêu kinh doanh. Những thắc mắc của cổ đông cũng được HĐQT giải đáp một cách sơ sài, không đi vào trọng tâm.
Một cổ đông đại diện vốn của một công ty đầu tư vào Southern Bank thắc mắc các thông tin về các tỷ lệ cho vay ở các lĩnh vực như bất động sản của NH đưa ra rất ít, thu nhập từ lãi của NH năm 2011 cũng thấp và đề nghị NH cung cấp thông tin cụ thể, rõ ràng hơn.
Trả lời về vấn đề này, ông Trầm Bê, thành viên HĐQT Southern Bank, cho rằng Southern Bank kinh doanh không đạt theo ý muốn vì sự biến động của thị trường. Đến nay, NH đã lấy lại thăng bằng nhờ nỗ lực của HĐQT, ban tổng giám đốc và sự hỗ trợ của NHNN.
Đại diện cho cơ quan quản lý tham gia ĐHCĐ của Southern Bank, ông Tô Duy Lâm, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, đánh giá dù năm qua Southern Bank không đạt kế hoạch đặt ra nhưng NHNN vẫn đánh giá cao sự cố gắng của NH, nhất là trong huy động thị trường 1 (trong đó tiền gửi tiết kiệm tăng, tiền gửi tổ chức kinh tế giảm).
Tuy nhiên, ông Lâm đề nghị Southern Bank rút kinh nghiệm trong việc cung cấp thông tin cổ đông chi tiết hơn. “NH không cung cấp thông tin đầy đủ, cổ đông thắc mắc là điều xác đáng. Riêng tôi cảm thấy báo cáo hoạt động của NH giống như báo cáo kiểm toán đưa qua nhưng không có phân tích cụ thể hơn” - ông Lâm nói.
Chuyện thanh khoản cổ phiếu
Tại ĐHCĐ của VPBank, cổ đông đặc biệt quan tâm đến vấn đề tăng vốn, chia cổ tức và tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu. Theo tờ trình của VPBank, NH sẽ tăng vốn lên 5.770 tỷ đồng và ĐHCĐ đã thông qua mức cổ tức năm 2011 bằng cổ phiếu tỷ lệ 13,46%.
Đã có cổ đông đề nghị VPBank nên chia cổ tức năm 2011 bằng tiền mặt, nhưng lãnh đạo VPBank cho rằng NH là một doanh nghiệp đặc biệt, trong đó chỉ tiêu quy mô, chỉ số an toàn vốn đóng vai trò rất quan trọng. Sở dĩ năm nào VPBank cũng đưa ra chính sách trả cổ tức bằng cổ phiếu, vì ở góc độ quản lý nhà nước, yêu cầu vốn của NH phải tăng vốn.
Hơn nữa, thời gian qua hệ thống NH đang quyết liệt thực hiện tái cấu trúc, theo lộ trình giai đoạn 1 sẽ sáp nhập 9 NH yếu kém, giai đoạn 2 các NH phải tự sáp nhập. Khi VPBank có quy mô lớn sẽ nằm ở đối tượng đi sáp nhập, chứ không phải bị sáp nhập.
Điều này đồng nghĩa nhu cầu tăng vốn của VPBank là liên tục. Ngoài ra, lãnh đạo NH cho rằng trả cổ tức bằng cổ phiếu, cổ đông không bị đánh thuế, trong khi cổ đông nhận cổ tức bằng tiền mặt sẽ bị mất thuế kép. Khi cổ đông nhận cổ tức bằng cổ phiếu có thể bán và được giá cao hơn. Tuy nhiên, trong năm nay HĐQT VPBank cho biết chưa có kế hoạch niêm yết cổ phiếu.
ĐHCĐ tuần qua của Saigonbank cũng diễn ra trong không khí căng thẳng. Năm 2011 lợi nhuận trước thuế của Saigonbank đạt 350 tỷ đồng, tăng 9,03% so với năm 2010, cổ tức chia cho cổ đông 11% (bao gồm cả cổ phiếu thưởng). Nợ xấu (nhóm 3-5) dưới 5%/tổng dư nợ.
Năm 2012 Saigonbank được NHNN xếp vào nhóm 3 với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng dưới 8% so với năm 2011. Saigonbank đặt ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế 460 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2011 và cổ tức năm 2012 tối thiểu 8%.
Bà Trần Thị Việt Ánh, Tổng giám đốc Saigonbank, cho biết năm 2011 NH gặp khó khăn trong huy động vốn khi lãi suất giảm, nhưng vẫn tự xoay sở vốn và không phải vay tái cấp vốn từ NHNN như một số NHTM khác. Điều này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của NH.
Tuy nhiên, tại ĐHCĐ, nhiều cổ đông vẫn tỏ ra thất vọng với kết quả kinh doanh kém hơn nhiều NH khác, nhất là năm nay NH lại nằm trong nhóm 3, chỉ hơn nhóm yếu kém 1 bậc. Sau khi tăng vốn trong quý I từ 2.960 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng, Saigonbank có kế hoạch tăng vốn lên 3.500 tỷ đồng trong năm nay.
Tuy nhiên đại diện nhiều cổ đông cho rằng nếu kêu gọi cổ đông nhỏ lẻ mua sẽ khó thành công vì cổ phiếu Saigonbank trên thị trường OTC chỉ 6.000 đồng/cổ phiếu nhưng bán không được.
Có thể thấy, năm nay hầu hết NHTM đều chạy đua tăng vốn. Điều này là tất yếu khi NHNN gia tăng các quy định khắt khe về chỉ tiêu an toàn vốn. Vấn đề là với những NHTM lớn, đã niêm yết cổ phiếu trên sàn, việc tăng vốn đa phần được sự đồng thuận của cổ đông.
Còn với các NHTM nhỏ và vừa chưa có kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán nên việc tăng vốn không được nhiều cổ đông nhỏ lẻ đồng thuận. Bởi lẽ chỉ số lợi nhuận/vốn của các NHTM nhỏ và vừa có xu hướng giảm và tính thanh khoản của các cổ phiếu NH trên sàn OTC rất kém.
Rõ ràng trong điều kiện cơ quan quản lý vẫn chưa minh bạch danh tính, sức khỏe các NHTM yếu kém, khả năng minh bạch thông tin của các NHTM này sẽ còn hạn chế, khó tạo lòng tin cho cổ đông để bỏ thêm vốn góp theo lộ trình tăng vốn điều lệ của NH.
Thanh Như
sài gòn đầu tư tài chính
|