Thứ Năm, 26/04/2012 15:47

DPM: Năm 2012 còn nhiều tăng trưởng đột phá

Tiếp tục tái cấu trúc giai đoạn 2 theo hướng tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh chính bên cạnh kế hoạch mua 51% cổ phần Đạm Cà Mau, mở rộng thị phần ra nước ngoài… đang hứa hẹn sẽ mang lại nhiều tăng trưởng đột phá hơn cho Tổng công ty Phân bón & Hóa chất Dầu Khí (HOSE: DPM) trong năm 2012.

Tổng lượng Đạm Phú Mỹ được xuất khẩu sang các nước trong khu vực trong năm 2011 vượt trên 25,000 tấn.

Vượt chỉ tiêu “ngoạn mục”

2011 là năm của không ít những khó khăn khi giá lương thực và phân bón tăng cao so với các năm trước, hàng loạt các yếu tố tăng theo như: giá điện, giá xăng, lãi suất, giá USD và đặc biệt là giá khí nguyên liệu đã làm chi phí đầu vào của nhà máy Đạm Phú Mỹ tăng 34%, chi  phí vận chuyển tăng 25%, ảnh hưởng trực tiếp tới giá thành và chi phí lưu thông sản phẩm. Tuy nhiên, DPM vẫn vượt tất cả các chỉ tiêu kế hoạch đặt ra.

Về sản xuất, nhà máy Đạm Phú Mỹ đã hoàn thành xuất sắc đợt bảo dưỡng sửa chữa tổng thể, tiếp tục sản xuất an toàn, ổn định. Nhờ đó, nhà máy đã cán mốc sản xuất tấn Đạm Phú Mỹ thứ 5 triệu vào ngày 6/8/2011, nâng sản lượng cả năm lên 802,000 tấn, vượt 4% so với kế hoạch.

Về kinh doanh, DPM đã tiêu thụ hơn 1 triệu tấn Đạm Phú Mỹ và phân bón nhập khẩu, đồng thời đẩy mạnh hoạt động gia công, kinh doanh hóa chất và dịch vụ. Đưa doanh thu công ty lên 9,763 tỷ đồng, vượt 39% kế hoạch và lợi nhuận trước thuế 3,510 tỷ đồng, vượt hơn 100% kế hoạch. Cổ tức năm 2011 là 15%, tuy nhiên, do hoạt động kinh doanh tăng trưởng mạnh nên HĐQT công ty đề xuất nâng chỉ tiêu này lên 35%.

Bên cạnh những kết quả đáng tự hào về sản xuất, kinh doanh, trong năm 2011 DPM cũng đã hoàn thành công tác tái cấu trúc giai đoạn 1, đồng thời hoàn thiện chiến lược phát triển giai đoạn 2011- 2015, định hướng đến năm 2025.

Cụ thể, DPM đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 6 kho đầu mối ở khắp các vùng miền với tổng sức chứa 215,000 tấn (mục tiêu năm 2015 đạt 350,000 tấn); triển khai công tác chuẩn bị thị trường cho các sản phẩm mới. Chi nhánh Campuchia chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7/2011, trực tiếp tiến hành việc kinh doanh tiêu thụ phân bón tại Campuchia. Ngoài thị trường Campuchia, việc xuất khẩu phân bón sang các nước khác trong khu vực đã có sự tiến bộ vượt bậc, đưa tổng lượng Đạm Phú Mỹ được xuất khẩu sang các nước trong khu vực trong năm 2011 vượt trên 25,000 tấn. DPM cũng tích cực nghiên cứu & triển khai các dự án đầu tư phát triển mảng hóa chất như NH3, H202 và khánh thành, đưa vào khai thác tòa nhà trụ sở.

Tổng công ty cũng hoàn thành  tái cấu trúc giai đoạn 1 bằng việc chuyển đổi 4 công ty thành viên thành công ty cổ phần; giải thể Công ty TNHH 1TV Thương mại - Dịch vụ Phân bón và Hóa chất Dầu khí; thành lập Chi nhánh tại TPHCM; nâng cấp Văn phòng Đại diện tại Campuchia thành Chi nhánh Campuchia.

Đối với các dự án đầu tư, trong năm 2011 DPM đã hoàn thành FS dự án đầu tư Nhà máy NH3 và thẩm định báo cáo đầu tư dự án; nâng cấp phân xưởng NH3 của Nhà máy Đạm Phú Mỹ nhằm tăng công suất thêm 90 ngàn tấn/năm; xúc tiến đầu tư dự án Nhà máy NPK tại Nam Định đồng thời tính toán lại hiệu quả kinh tế của dự án NPK tại Phú Mỹ….

Ngoài ra, DPM cũng triển khai các dự án khác như nâng công suất nhà máy Bao bì Đạm Phú Mỹ, góp vốn vào Nhà máy Bao bì Bạc Liêu.

Mục tiêu mua 51% cổ phần Đạm Cà Mau

Bước sang năm 2012, một năm đầy biến động và thách thức khi các nhà máy phân Đạm Cà Mau và Ninh Bình chính thức đi vào hoạt động, đưa thị trường phân đạm trong nước chuyển trạng thái từ thiếu cung sang dư cung. Các chi phí nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục tăng lên, đặc biệt giá khí nguyên liệu tăng thêm 40%, giá phân bón thế giới và trong nước tiếp tục xu hướng biến động khó lường, ban lãnh đạo DPM đã đề ra những giải pháp đột phá nhằm đạt được các mục tiêu quan trọng của năm 2012.

Về công tác quản trị, thực hiện công tác tái cấu trúc giai đoạn 2 theo hướng tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh chính, nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm giá thành, tăng cường công tác đào tạo, củng cố và phát triển nguồn nhân lực...

Về sản xuất, tiếp tục vận hành nhà máy Đạm Phú Mỹ an toàn, ổn định, đổi mới, hoàn thiện phương thức quản lý, nâng cao năng lực và hiệu quả của công tác vận hành và bảo dưỡng Nhà máy. Đồng thời cũng triển khai đề án nâng cao chất lượng sản phẩm hướng đến mục tiêu đạt sản lượng và chất lượng cao nhất với giá thành thấp nhất.

Về kinh doanh phân bón, cải tiến mạnh mẽ phương thức kinh doanh trong nước với những chính sách linh hoạt, bám sát thị trường để tiêu thụ kịp thời và hiệu quả Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau đồng thời tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển các thị trường khu vực (Campuchia, Philippines, Myanmar…)

Về công tác đầu tư phát triển, hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư, chuyển sang giai đoạn thực hiện đầu tư và khởi công xây dựng các nhà máy mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm hóa chất. Trong đó đặc biệt lưu ý tới các dự án nhà máy sản xuất NPK, H2O2 và Amoniac với quyết tâm đưa các nhà máy này vào hoạt động trong giai đoạn 2013-2015 mà trước mắt có sản phẩm NPK vào 2013.

Cụ thể, năm 2012, DPM đặt chỉ tiêu sản lượng sản xuất đạt 800,000 tấn đạm Phú Mỹ, sản xuất bao bì đạt mức 38 triệu bao; xuất nhập khẩu 200 ngàn tấn phân bón.

Tổng doanh thu hợp nhất dự kiến 13,921 tỷ đồng, lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt là 2,000 tỷ đồng và 1,787 tỷ đồng. Cổ tức dự kiến 25% bằng tiền mặt.

Trong năm nay, DPM sẽ  xin ý kiến cổ đông để tiến hành mua lại 51% dự án nhà máy đạm Cà Mau (hiện PVN là chủ đầu tư) theo hình thức mua dự án. Theo đó, DPM sẽ thực hiện việc quản lý, vận hành, kinh doanh sản phẩm của nhà máy Đạm Cà Mau theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, trong đó PVN ủy quyền cho DPM trực tiếp quản lý và điều hành hợp danh. Giá trị dự án không vượt quá 779 triệu USD.

Nếu thành công, DPM sẽ đạt được các lợi ích cộng hưởng như nhanh chóng tăng năng lực sản xuất và cung ứng lên gấp đôi (1.6 triệu tấn ure/năm) và trở thành nhà cung cấp và sản phẩm phân ure hàng đầu ở Việt Nam và Đông Nam Á. Đồng thời loại bỏ được đối thủ cạnh tranh trực tiếp và mở rộng thị phần. Chủ động điều tiết hàng hóa giữa các vùng miền để tối đa hóa lợi nhuận…

Thanh Nụ (Vietstock)

finfonet

Các tin tức khác

>   TMS: Lãi ròng quý 4 niên độ 2011- 2012 tăng đột biến (26/04/2012)

>   HQC: Cổ đông chất vấn, Chủ tịch phủ nhận tin đồn sắp phá sản (26/04/2012)

>   PVF sẽ chuyển đổi thành ngân hàng thương mại (26/04/2012)

>   Công ty mua bán nợ đưa 2 phương án cứu Bianfishco (26/04/2012)

>   Quốc Cường Gia Lai lên kế hoạch trả hết nợ trong 2012 (26/04/2012)

>   ITC: Nguy cơ phải gánh chịu 244.5 tỷ đồng thuế từ 2005 (26/04/2012)

>   SCR: Cổ đông lớn đăng ký thoái 7.01% vốn, Chủ tịch mua vào (26/04/2012)

>   QCG: Quý 1 công ty lãi chưa đến 2 tỷ đồng (26/04/2012)

>   VSH: Quý 1 lãi ròng giảm 42% so cùng kỳ (26/04/2012)

>   HQC: Lãi ròng công ty mẹ quý 1 đột ngột giảm mạnh (26/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật