Ngành thép... kêu oan
Lợi nhuận trong sản xuất và xuất khẩu thép không hoàn toàn do giá điện thấp mang lại, kể cả khi tính đủ giá điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vừa chính thức lên tiếng giải thích về “tiếng xấu” tiêu tốn nhiều năng lượng, ảnh hưởng đến nguồn cung ứng điện của cả nước.
Không hưởng lợi từ giá điện thấp
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA, cho biết giá điện trong cơ cấu giá thành sản phẩm thép chiếm tỉ lệ thấp. Cụ thể, giá điện trong cấu thành giá sản phẩm thép cán xây dựng chiếm 0,77%-1,11%; trong ống thép hàn là 0,62%-0,89%; thép mạ kim loại, thép sơn phủ màu là 0,65%-0,95%; thép cán nguội là 0,91%-1,3%.
Trong sản phẩm thép, sản xuất phôi là lĩnh vực tiêu hao năng lượng lớn nhất, khoảng 600 KWh/tấn, các sản phẩm khác tiêu hao chỉ từ 100-200 KWh/tấn. Vì vậy, lợi nhuận trong sản xuất và xuất khẩu thép không hoàn toàn do giá điện thấp mang lại, kể cả khi tính đủ giá điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề nghị.
Theo ông Cường, nhiều dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rót vào Việt Nam vì giới đầu tư đánh giá nhu cầu thép của Việt Nam rất lớn chứ không phải vì giá điện rẻ. Nhưng các dự án FDI “đổ bộ” vào ngành thép trong thời gian qua mới chỉ là số vốn đăng ký. Còn vốn thực hiện rất ít vì trong thực tế, các dự án này chưa được triển khai.
Thậm chí có nhiều dự án lớn đã bị rút giấy phép hoặc đang tìm cách rút vốn như dự án thép Vinashin - Lion Group (Malaysia) và dự án thép Quảng Liên (Dung Quất - của Tập đoàn E-United và Tập đoàn Tycoons (Đài Loan)… Đến nay, mới chỉ có một dự án thép cán nguội tại Bà Rịa - Vũng Tàu, công suất 1 triệu tấn/năm, đang hoạt động.
Giá điện riêng cho thép, xi măng
Trong khi đó, ngành thép được coi là “tội đồ” trước hiện tượng thiếu và lãng phí điện.
Theo số liệu đã được kiểm toán, năm 2010, ngành điện đã bao cấp chéo cho sản xuất thép, xi măng lên đến 2.547 tỉ đồng. Riêng các liên doanh có vốn FDI được bao cấp hơn 506 tỉ đồng. Nguyên nhân: Giá thành sản xuất điện là 1.180 đồng/KWh nhưng giá bán điện cho sản xuất (trong đó có sản xuất thép, xi măng) chỉ ở mức 914 đồng/KWh.
Trong cơ cấu giá điện trước đây, giá điện bán cho sản xuất cao hơn giá điện sinh hoạt do lấy điện sản xuất bù chéo cho điện sinh hoạt. Từ năm 2009, điều này đã thay đổi. Trong mỗi đợt tăng giá điện, mức tăng giá điện sinh hoạt thường cao hơn so với mức tăng giá điện sản xuất để giảm dần bù chéo từ điện sản xuất cho điện sinh hoạt.
Từ năm 2010, giá điện sinh hoạt đã đưa về mặt bằng cao hơn giá điện sản xuất để khuyến khích điện sử dụng trong dân cư và nâng tính cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, trong thực tế đã nảy sinh vấn đề mới là điện sinh hoạt bù chéo cho điện sản xuất, trong đó ngành tiêu thụ năng lượng lớn như thép, xi măng cũng được hưởng lợi dẫn đến sức ỳ đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp này.
Bộ Công Thương đang đề xuất Chính phủ cơ chế tính giá điện riêng cho sản xuất thép và xi măng, không để cùng mặt bằng chung trong giá điện sản xuất như hiện nay để khắc phục sự bất cập này.
“Cứ điểm” sản xuất thép rẻ để xuất khẩu
Theo số liệu của Bộ Công Thương, để luyện được một mẻ thép, trung bình doanh nghiệp mất khoảng 90-180 phút, tiêu hao điện từ 550-690 KWh/tấn trong khi mức bình quân của thế giới là 45-70 phút/mẻ. Với công suất và công nghệ hiện có, ngành thép “ngốn” khoảng 6% tổng tiêu thụ năng lượng ngành công nghiệp.
Còn theo tính toán của Bộ Tài chính, lợi nhuận ngành thép có được là do giá điện thấp, khoảng 214.000 - 321.000 đồng/tấn, tùy theo công nghệ tiên tiến hay lạc hậu. Do đó, Việt Nam hiện đang trở thành “cứ điểm” sản xuất thép rẻ để xuất khẩu. |
Phương Anh
người lao động
|