Thứ Ba, 03/04/2012 10:56

Đổi mới công nghệ: “Đốt đèn”... tìm vốn

Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp trong nước hiện đang ở mức thấp, thậm chí lạc hậu so với khu vực, dẫn đến năng suất thấp, giá thành cao, chất lượng sản phẩm không ổn định, sức cạnh tranh yếu... Dù biết đổi mới công nghệ là điều kiện sống còn nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn “loay hoay”, do không tiếp cận được vốn.

Vốn: tuy gần mà xa

Ấp ủ một dự án đầu tư thực phẩm mang lại nhiều giá trị gia tăng cho người tiêu dùng, ông Huỳnh Văn Hải, Giám đốc Công ty Công nghệ Thực phẩm Bảo Long (cũng là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Hóc Môn), đã nhiều lần sang Đài Loan nghiên cứu nhằm sớm đưa công nghệ về cho công ty. Tổng chi phí dự án này của Bảo Long vào khoảng 10 tỉ đồng, vốn của công ty bỏ ra 8 tỉ đồng, vị giám đốc công ty kỳ vọng sẽ vay được 2 tỉ đồng từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ TPHCM, với mức lãi suất ưu đãi 7%/năm như quy định của thành phố trong đề án “Đổi mới công nghệ công nghiệp sản xuất phục vụ chuyển dịch cơ cấu công nghiệp trên địa bàn TPHCM”.

Nhưng từ kỳ vọng đã sớm... thất vọng. Hơn một năm qua, ông Hải không nhớ nổi đã bao nhiêu lần đi lại trầy trật với hồ sơ và thủ tục xin vay vốn ưu đãi đổi mới công nghệ ở Quỹ Phát triển khoa học và Công nghệ TPHCM nhưng vẫn không có phản hồi gì từ các cơ quan liên quan. Ông Hải “ngộ” ra: “Quy định của trên thì có đó, nhưng cấp thừa hành lại thích đặt ra rào cản, sau đó dẹp những rào cản này và xem đó là thành tựu của mình”.

“Dù khó khăn đến mấy, dù phải chờ đến 5 hay 10 năm, tôi nhất quyết phải tiếp cận được nguồn vốn này”, ông Hải khẳng định. Cơ sở để Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Hóc Môn thể hiện quyết tâm chính là sau lưng ông - những doanh nghiệp hội viên - cũng đang thiếu vốn, dù có nhiều dự án khả thi và có khả năng sinh lời cao, nhưng vẫn bị các ngân hàng quay lưng.

Còn tập đoàn Đại Phát, do không vay được vốn ưu đãi, vì thủ tục quá nhiêu khê, đành bấm bụng vay lãi suất cao để mở rộng nhà xưởng, đổi mới công nghệ với tổng kinh phí lên đến 30 tỉ đồng. Ông Nguyễn Văn Nam, Phó tổng giám đốc tập đoàn Đại Phát, nói: “Với lãi suất như hiện nay, mỗi năm công ty phải trả đến 6 tỉ đồng. Nếu kéo dài, chắc không kham nổi”.

Do cơ chế hay con người ?

Kết quả nghiên cứu mới nhất do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương vừa công bố về tình hình sử dụng thiết bị - công nghệ và tư vấn công nghệ của các doanh nghiệp trong nước cho thấy, nhiều doanh nghiệp đang “khát” vốn cho đầu tư đổi mới công nghệ nhưng không tìm đâu ra. Theo kết quả nghiên cứu trên, khảo sát tại 100 doanh nghiệp ở Hà Nội và TPHCM, mức đầu tư cho đổi mới thiết bị - công nghệ chỉ chiếm 3% doanh thu cả năm.

Nhận thức rõ việc đổi mới công nghệ là điều “sinh tử” của doanh nghiệp, nhiều ông chủ cũng mang hồ sơ đi vay nhưng hầu hết đều bị các quỹ tín dụng và ngân hàng từ chối với nhiều lý do rất cũ là... “doanh nghiệp không biết cách làm dự án”, “hồ sơ vay không đủ thông tin cần thiết”, “khả năng sinh lời không cao”, “phương án trả nợ không thuyết phục”... Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cũng tỏ rõ bức bối bởi theo họ, “chuyên viên thẩm định dự án của ngân hàng không phải là chuyên gia trong ngành, nên không thể thẩm định chính xác dự án như thế nào”. Và đây chính là điều bất cập, khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, dù có dự án tốt, vẫn khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Ông Hải cho biết, ông còn cẩn thận hơn, dù đã nghiên cứu rất kỹ mọi yếu tố liên quan trước khi lập hồ sơ đi vay nhưng ông vẫn nhờ người bạn là giám đốc một quỹ tín dụng xem xét lại hồ sơ, thủ tục vậy mà rốt cuộc “không vẫn hoàn không”.

Dù khá nhiều doanh nghiệp than phiền gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn ưu đãi nhưng đơn vị được giao thực hiện là Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM lại cho rằng, các doanh nghiệp còn thiếu thông tin và bị động trong việc tiếp cận nguồn vốn. Cụ thể, sau hai năm thực hiện đề án nói trên, trong số hơn 600 doanh nghiệp được khảo sát, chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp đăng ký tham gia đổi mới công nghệ. Đa số là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa thực sự tập trung nhiều vào xây dựng chiến lược đầu tư đổi mới công nghệ, sản phẩm và phát triển năng lực công nghệ. Báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cũng cho rằng, doanh nghiệp chưa nhận thức đủ lợi ích của các nội dung hỗ trợ do thiếu những dự án trình diễn về hiệu quả thực tế mang lại. Và kết quả là hơn hai năm qua, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ TPHCM chỉ hướng dẫn và tư vấn thủ tục vay vốn cho trên 50 lượt doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong tình hình khó khăn như vậy, niềm hy vọng vẫn được thắp sáng. Trong cuộc gặp đầu năm với doanh nghiệp được tổ chức mới đây, Phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà cho rằng những khó khăn của doanh nghiệp sẽ được chính quyền ưu tiên giải quyết cách nhanh nhất. Ông khẳng định: “Vướng mắc của doanh nghiệp sẽ được giải quyết cụ thể thông qua các sở ban ngành” và đích thân ông sẽ là người chủ trì. Theo đó, các doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh, gặp những khó khăn vướng mắc với cơ quan nhà nước, có thể đăng ký làm việc trực tiếp mỗi tuần với các sở ngành có liên quan.

Sơn Nghĩa

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Lo xuất khẩu khó khăn (03/04/2012)

>   Nông dân: “Không bán chịu nữa” (03/04/2012)

>   Đề nghị chi 3.200 tỷ đồng mua tạm trữ đường (03/04/2012)

>   Elliott Advisers từ bỏ vụ kiện Vinashin (03/04/2012)

>   Toyota Việt Nam có tổng giám đốc mới (03/04/2012)

>   Vị đắng nền nông nghiệp phụ thuộc: Cây, con đều “ăn” đồ ngoại (03/04/2012)

>   Doanh nghiệp 'chết" la liệt do kẹt chính sách? (03/04/2012)

>   Cá tra rớt giá, tái diễn nguy cơ “treo ao” (02/04/2012)

>   Tắc trong thông quan ô tô chở tiền (02/04/2012)

>   Xuất khẩu tăng chủ yếu nhờ FDI (02/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật