Thứ Năm, 19/04/2012 09:13

Gia tăng áp lực minh bạch cho CTCK

Sắp tới đây, thị trường sẽ tiếp cận được tỷ lệ vốn khả dụng của các CTCK, thay vì hiện nay chỉ CTCK và UBCK biết.

Cùng với việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 52/2012/TT-BTC quy định rõ trách nhiệm công bố thông tin về tỷ lệ vốn khả dụng của tổ chức kinh doanh chứng khoán, UBCK đang xây dựng dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động của CTCK trong đó tiếp tục có quy định buộc các CTCK phải minh bạch hơn. Tuy nhiên, kỳ vọng trên vẫn ẩn chứa một mối lo về khả năng CTCK “đi đêm” với đơn vị kiểm toán để làm đẹp số liệu.

Gia tăng áp lực minh bạch

Dự thảo Thông tư thay thế Quyết định 27/2007 quy định về tổ chức và hoạt động của CTCK, theo kế hoạch sắp được UBCK đưa ra lấy ý kiến các thành viên thị trường, để dự kiến ban hành vào tháng 6 tới.

Trong số các nội dung mới như yêu cầu tất cả các CTCK phải công bố báo cáo tài chính hàng quý, báo cáo soát xét bán niên như công ty niêm yết, thì có một quy định đáng chú ý là yêu cầu CTCK phải kiểm toán và công bố công khai tỷ lệ ATTC định kỳ vào ngày 30/6 và 31/12 hàng năm.

Nếu quy định này được thực thi, thì đây là lần đầu tiên thị trường tiếp cận được tỷ lệ vốn khả dụng của các CTCK, thay vì hiện nay chỉ CTCK và UBCK biết. Tình trạng giữ kín tỷ lệ ATTC của các CTCK như hiện tại đang khiến NĐT không khỏi lo lắng cho số phận của khối tài sản để tại CTCK.

Các CTCK nghĩ gì về việc phải kiểm toán và công bố cho toàn thị trường biết tỷ lệ vốn khả dụng? Trong khi các CTCK có sức khỏe tài chính mạnh mong muốn sớm có cơ chế để “khoe” ưu thế này của mình, qua đó, có cơ hội thu hút thêm khách hàng, thì khá nhiều CTCK thuộc diện ốm yếu đang cảm thấy gia tăng áp lực nếu phải công khai tỷ lệ ATTC cho tất cả cổ đông, NĐT biết.

Tổng giám đốc một CTCK đang niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội chia sẻ, một năm qua, các CTCK đã chịu khá nhiều áp lực khi phải định kỳ hàng tháng báo cáo UBCK về tỷ lệ ATTC theo quy định của Thông tư 226/2010. Nếu tới đây, tỷ lệ ATTC phải được kiểm toán và công bố định kỳ 2 lần/năm, thì áp lực đối với CTCK sẽ gia tăng.

Áp lực ở đây, theo các CTCK, không chỉ đơn thuần về chi phí kiểm toán, mà đáng nói hơn là nghĩa vụ phải minh bạch thông tin. Lãnh đạo một số CTCK cho biết, qua tìm hiểu trực tiếp tại các công ty kiểm toán, thì chi phí phát sinh cho mỗi lần kiểm toán tỷ lệ ATTC tối thiểu hàng chục triệu đồng/lần. Số tiền tuy không lớn nếu CTCK kinh doanh có lãi, nhưng sẽ là gánh nặng không nhỏ khi họ rơi vào tình cảnh làm ăn thua lỗ.

Hạn chế việc làm đẹp số liệu, cách nào?

Tạm gác mối lo tiền bạc sang một bên, còn một nỗi lo lớn hơn với các CTCK là chuyện gì sẽ xảy ra khi “bệnh tình” về tài chính hiện vẫn được giữ kín sẽ phải công khai trước bàn dân thiên hạ? Liệu có xuất hiện một cuộc tháo chạy của NĐT khỏi các CTCK không đáp ứng được chỉ tiêu ATTC theo quy định? Thật khó có lý do nào đủ thuyết phục để NĐT yên tâm trao gửi tài sản tại các CTCK không thỏa mãn quy định về tỷ lệ an toàn vốn khả dụng, vốn là chỉ tiêu đo lường khả năng thanh khoản của các CTCK.

Khi bị đặt vào tình thế như vậy, các CTCK sẽ tìm cách hóa giải áp lực bị kiểm toán và công khai tỷ lệ ATTC, để không bị rơi vào diện bị… tuýt còi, không bị NĐT quay lưng. Bên cạnh các giải pháp tích cực như tăng cường kiểm soát rủi ro, thận trọng hơn trong triển khai các nghiệp vụ kinh doanh, thì không loại trừ khả năng CTCK “đi đêm” với công ty kiểm toán để có được kết quả kiểm toán “đẹp”.

Thực tế, tuy mới chỉ phải công khai tỷ lệ ATTC với cơ quan quản lý, nhưng các CTCK đã tìm cách đối phó. Tình trạng này đã được UBCK nhận diện trong quá trình kiểm tra, giám sát, khi phát hiện một số CTCK đã thể hiện số liệu chưa chính xác khi tính chỉ tiêu ATTC. Các đơn vị này đang phải trực tiếp giải trình với UBCK về tính xác thực của thông tin đã báo cáo.

Một số CTCK tìm cách báo cáo số liệu ATTC không trung thực để né các chế tài từ cơ quan quản lý, nên một khi CTCK sợ mất khách hàng (nỗi sợ này có lẽ còn lớn hơn sợ cơ quan quản lý), thì nguy cơ “đi đêm” với công ty kiểm toán là hiển hiện.

Hành trình minh bạch sức khỏe tài chính của các đơn vị này sẽ còn phải vượt qua nhiều lực cản từ chính các CTCK. Trong bối cảnh như vậy, chỉ có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý thôi chưa đủ, mà rất cần NĐT góp sức vào quá trình sàng lọc các CTCK. Khi định hình được thế hệ CTCK mới, hoạt động chuyên nghiệp, minh bạch hơn, thì sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro cho thị trường, nhất là cho các cổ đông và NĐT. 

Tân Văn

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   19/04: Bản tin 20 giờ qua (19/04/2012)

>   Góc nhìn 19/04: Điều chỉnh có đáng lo ngại? (18/04/2012)

>   PHH, CIC, VIG vào diện cảnh báo từ 18/04 (18/04/2012)

>   NTB bị phạt 70 triệu đồng do chậm nộp BCTC  (18/04/2012)

>   Công ty chứng khoán: Tái cấu trúc đến đâu? (18/04/2012)

>   MIM, S96 bị đưa vào diện cảnh báo (18/04/2012)

>   Áp lực quỹ ngoại rút vốn (18/04/2012)

>   Đà tăng vẫn khá vững nhưng sẽ rung lắc mạnh khi test đỉnh cũ (18/04/2012)

>   Canh bạc đầu cơ nhìn từ hiện tượng SHN (18/04/2012)

>   Mô hình tam giác và hai chỉ số chứng khoán Việt Nam (18/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật