Công ty chứng khoán: Tái cấu trúc đến đâu?
Giữa tháng 3 vừa qua, Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) đã quyết định đóng cửa và chuyển trụ sở của 4 chi nhánh và 2 phòng giao dịch. Không chỉ ở PSI, hoạt động tái cấu trúc cũng diễn ra tại nhiều công ty chứng khoán khác.
Nhà nhà tái cấu trúc
Tại những doanh nghiệp dẫn đầu thị trường như Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Chứng khoán TP.HCM - HSC (HCM), Chứng khoán Thăng Long (TLS), việc sắp xếp lại hoạt động đã diễn ra từ sớm. Cuối năm 2010, SSI đã chuyển phần lớn danh mục tự doanh cho Công ty Quản lý Quỹ SSI và tiếp tục thực hiện trong năm 2011. Công ty này cũng đóng cửa 2 chi nhánh ở Quảng Ninh và Hà Nội và 1 phòng giao dịch ở TP.HCM.
Đáng chú ý là từ quý IV/2011, việc gia tăng tỉ lệ sở hữu tại Công ty Thủy sản Hùng Vương (HVG) đã giúp SSI hoàn nhập dự phòng giảm giá hơn 87 tỉ đồng. Khoản đầu tư chứng khoán ngắn hạn vào HVG đã chuyển thành khoản đầu tư dài hạn vào công ty liên kết (trên 20% cổ phần sở hữu). SSI cũng thực hiện điều tương tự với Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre, giúp SSI hoàn nhập hơn 13 tỉ đồng trong quý III/2011. Rõ ràng, đây là một hình thức cơ cấu lại mảng tự doanh của SSI.
Tại TLS, toàn bộ tài khoản đầu tư cổ phiếu OTC đã được chuyển cho Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư MB (MB Capital) từ đầu năm 2011. Đồng thời, Công ty cũng đóng cửa 2 phòng giao dịch tại Hà Nội. Với mảng tự doanh, TLS chủ trương không cho nhân viên môi giới mượn tài khoản khách hàng. Song sự thay đổi đáng chú ý nhất tại công ty này là thay Tổng Giám đốc.
Sắp xếp lại nhân sự là hoạt động tái cấu trúc dễ thấy nhất tại HSC. Trong năm 2011, Công ty không tuyển thêm nhân viên môi giới và mới đây bổ nhiệm thêm một Phó Tổng Giám đốc.
Sau những nỗ lực tái cấu trúc, SSI và HSC vẫn tiếp tục giữ 2 vị trí dẫn đầu trong top 10 thị phần môi giới tại sàn TP.HCM (quý I/2012). Riêng TLS đã tiến thêm một bậc lên vị trí thứ bảy so với cuối năm 2011.
Trong khi đó, hoạt động của các công ty thuộc “chiếu dưới” lại khá khó khăn. Sau những năm chạy đua gia tăng thị phần môi giới, nhiều công ty nay phải thu hẹp quy mô, ngừng nghiệp vụ môi giới như Chứng khoán SME, Chứng khoán Hà Nội, Chứng khoán Đông Dương. Thậm chí, có công ty muốn hủy niêm yết như Chứng khoán Phương Đông.
Trong nhóm này, chỉ những doanh nghiệp có chiến lược tái cấu trúc kịp thời vẫn còn hy vọng hồi phục. Đây là các đơn vị lỗ nhiều vì tự doanh nhưng giữ được thị phần môi giới nhất định. Điển hình là Chứng khoán Rồng Việt (VDS), PSI, Chứng khoán Bảo Việt (BVS)…
VDS đã bắt đầu tái cấu trúc ở mảng bết bát nhất là tự doanh. “Nhiều công ty chứng khoán đã thấm thía nỗi đau tự doanh chứng khoán. VDS cũng vậy”, ông Nguyễn Chí Hiếu, Phó Tổng Giám đốc VDS, nói. Mảng tự doanh là lý do chính khiến Công ty lỗ 126 tỉ đồng tính đến cuối năm 2011. Hiện tại, VDS chủ trương cung cấp các dịch vụ ít rủi ro hơn. Chẳng hạn, đảm bảo tỉ lệ cho vay ký quỹ không quá 40%, các cổ phiếu có dấu hiệu đầu cơ cao sẽ không nằm trong danh sách xem xét cho vay.
Bên cạnh giảm tự doanh, VDS cũng chú trọng nâng cao sức mạnh tài chính. Cụ thể, Công ty đã đề ra phương án tăng vốn lên 700 tỉ đồng từ mức hơn 263 tỉ đồng hiện nay. VDS cho biết sẽ phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá (mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phiếu), nhưng không tiết lộ đối tượng chào bán.
Vẫn còn loay hoay
Để tồn tại, các công ty chứng khoán, ngoài việc tái cấu trúc, cần phải tìm lối đi riêng. Song điều này còn tùy thuộc vào thế mạnh của từng đơn vị.
Từ đầu năm 2011, các công ty chứng khoán như Chứng khoán FPT (FPTS), Chứng khoán Quốc tế (VIS), TLS cũng bắt đầu áp dụng hệ thống giao dịch trực tuyến cho bộ phận môi giới. Tuy nhiên, nỗ lực này cũng chưa mang lại hiệu quả rõ ràng. FPTS, doanh nghiệp đi tiên phong trong việc áp dụng hệ thống giao dịch trực tuyến, đã không có mặt trong bảng xếp hạng top 10 thị phần môi giới sàn TP.HCM trong quý I/2012.
Rõ ràng, phần lớn các công ty chứng khoán phải tái cấu trúc sẽ khó vượt cạn thành công nếu không tạo được sự đột phá ở mảng môi giới, đặc biệt là trong bối cảnh mảng tư vấn doanh nghiệp vẫn còn chập chững.
Bộ phận tư vấn doanh nghiệp của VDS từ năm 2008 đến nay mới chỉ ký được 70 hợp đồng, chủ yếu là tư vấn niêm yết. Ông Hiếu, VDS, cho biết do thị trường khó khăn nên mảng huy động vốn và mua bán - sáp nhập, vốn mang lại phí dịch vụ cao, vẫn chưa có sự tiến triển đáng kể. Hiện nay, thị phần lớn trong lĩnh vực này vẫn thuộc về các đơn vị như Chứng khoán Bản Việt, BVS, SSI.
Giản Phúc
nhịp cầu đầu tư
|