EU chuẩn bị đệ đơn khiếu kiện Argentina lên WTO
Theo một nguồn tin từ Liên minh châu Âu (EU), EU đang có kế hoạch đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc hạn chế nhập khẩu của Argentina và hy vọng các đối tác thương mại khác ủng hộ đơn kiện này.
Vấn đề trên vốn đã gây nên một cuộc khẩu chiến giữa Argentina với ít nhất là 14 đối tác thương mại của nước này tại WTO, đồng thời các mối quan hệ của Argentina với EU cũng đã xấu đi nhiều sau khi Buenos Aires quyết định nắm quyền kiểm soát YPF, một công ty dầu mỏ do tập đoàn dầu mỏ Repsol của Tây Ban Nha nắm giữ phần lớn cổ phần.
Trước đó, một loạt quốc gia, trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia cùng nhiều nước khác đã nói rằng họ rất bất bình về việc hạn chế nhập khẩu của Argentina. Đại sứ Mỹ tại WTO Michael Punke đã tiên phong trong các cuộc chỉ trích này khi tại cuộc họp của Ủy ban Hàng hóa của WTO ngày 30/3 vừa qua, ông nói rằng Argentina đã hạn chế thương mại bằng việc yêu cầu các loại giấy phép nhập khẩu khắt khe đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào nước này kể từ ngày 1/2 năm nay.
Quốc gia Nam Mỹ này còn đi xa hơn trong việc hạn chế hàng nhập khẩu bằng chính sách "cân bằng thương mại", theo đó yêu cầu các nhà nhập khẩu phải xuất khẩu các hàng hóa có cùng giá trị - một chính sách được cho là "không phù hợp" đối với một thành viên của WTO và của nhóm các nền kinh tế đang nổi và phát triển G20.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quan hệ Kinh tế quốc tế Argentina, Cecilia Nah¢n cho rằng những chỉ trích của Đại sứ Mỹ Punke là thiếu "cơ sở khách quan" và có ý "bêu riếu" Argentina. Bà nói Argentina bị đưa ra như một ví dụ để ngăn cản các nước đang phát triển sử dụng các chính sách kinh tế hợp pháp và theo bà, chính các nước phát triển mới đang làm méo mó thương mại thế giới.
Tuần trước, Ủy viên Thương mại EU Karel de Gucht đã gửi thư cho Bộ trường Ngoại giao Argentina, trong đó nói rằng các cuộc tiếp xúc song phương để giải quyết vấn đề này đã bị thất bại. Ông Gucht cũng hối thúc Argentina "xem xét lại hoặc gỡ bỏ tất cả các biện pháp chính thức và không chính thức gây trở ngại xấu đến lĩnh vực nhập khẩu," đồng thời cho biết EU vẫn để ngỏ mọi khả năng có thể cho việc giải quyết vấn đề này./.
Thùy Chi
Vietnam +
|