Thứ Hai, 23/04/2012 10:56

10 thị trường bất động sản tăng trưởng nóng nhất thế giới

2011 là một năm đáng quên đối với thị trường bất động sản toàn cầu khi giá địa ốc chỉ tăng nhẹ 0.5% và điều này đã dẫn đến các dự báo khá ảm đạm cho năm 2012.

Tuy nhiên trong vòng 5 năm qua, giá bất động sản tăng rất mạnh và làm dấy lên nỗi lo sợ về bong bóng tài sản cũng như mối lo ngại về tác động từ tỷ lệ nợ hộ gia đình cao.

CNCB đã liệt kê danh sách 10 thị trường bất động sản tăng trưởng nóng nhất thế giới trong giai đoạn từ quý 4/2006-quý 4/2011 dựa trên nghiên cứu của Knight Frank. Tổ chức tư vấn bất động sản toàn cầu này đã xếp hạng các quốc gia dựa trên  tỷ lệ tăng trưởng giá nhà đất bình quân cao nhất.

Mức giá bình quân 5 năm của một nước phản ánh giá nhà đất của hầu hết các thành phố lớn tại quốc gia đó, trừ Trung Quốc vì nước này chỉ tính giá nhà đất tại Bắc Kinh và Thượng Hải.

10. Thụy Sỹ  

Mức tăng trưởng bình quân 5 năm: 27.5%

Sở hữu 3 thành phố đắt đỏ nhất thế giới với các công trình bất động sản hàng đầu thế giới, Thụy Sỹ đã chứng kiến sự bùng nổ của thị trường địa ốc trong vòng 5 năm qua. Mức lãi suất siêu thấp đã ngăn chặn đà tăng vọt của đồng franc và tăng trưởng chậm là nguyên nhân dẫn đến sự bùng nổ này. Chỉ số bong bóng bất động sản do UBS công bố chạm mức cao nhất trong gần 20 năm vào quý 4/2011. Chỉ số này tăng lên 0.8%, tức gần bằng 1% - mức được thị trường xem là khá rủi ro.

Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) cũng liên tục cam kết siết chặt hoạt động cho vay thế chấp quá mức. Trong khi đó vào tháng 1 vừa qua, Cơ quan Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cảnh báo Thụy Sỹ cần phải tiến hành các biện pháp nhằm ngăn chặn tín dụng để tránh xảy ra bong bóng nhà đất.

Kết quả khảo sát 63 thành phố trên toàn thế giới của Knight Frank trong năm 2011 cho thấy có đến 3 thành phố của Thụy Sỹ là St. Moritz, Gstaad, và Geneva lọt vào doanh sách 10 thành phố đắt đỏ nhất tính theo giá đất trên mỗi m2. Trong quý 4/2011, giá bất động sản tại thành phố Genteva của nước này là 31,900 USD/m2.

9. Malaysia

Mức tăng trưởng bình quân 5 năm: 28.5%

Nhằm ngăn chặn đà leo thang của giá nhà đất, Chính phủ Malaysia đang xem xét tăng gấp đôi giá mua nhà đối với người nước ngoài mua bất động sản tại nước này. Theo Knight Frank, vào quý 3/2011, giá nhà tại Malaysia tăng 6.6% so cùng kỳ 2010 (hiện chưa có số liệu quý 4/2011). Cuối năm 2011, giá bất động sản tại thủ đô Kuala Lumpur là 5,000 USD/m2.

8. Na Uy

Mức tăng trưởng bình quân 5 năm: 28.7%

Thụy Sỹ và Na Uy là hai quốc gia duy nhất của châu Âu lọt vào danh sách các thị trường bất động sản tăng trưởng nóng nhất thế giới. Không giống như triển vọng tăng trưởng kinh tế ảm đạm tại hầu hết các quốc gia châu Âu, nền kinh tế giàu dầu mỏ Na Uy có thể tăng trưởng 2.7% trong năm 2012. Lãi suất thấp đã khiến người dân vay tiền để mua bất động sản, qua đó kéo giá nhà tháng 3 nhảy vọt 6.8% so cùng kỳ năm ngoái.

Một ưu đãi khác mà người dân Na Uy được hưởng khi mua bất động sản là các khoản thanh toán lãi suất được giảm thuế 28%. Động thái hạ lãi suất đầy bất ngờ xuống mức 1.5% trong tháng 3 càng gia tăng rủi ro đối với tình trạng bong bóng địa ốc đã hình thành tại nước này.

Tháng 2/2012, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo giá địa ốc tại Na Uy cao hơn 20% so với bình thường. Theo số liệu của Chính phủ nước này, giá nhà đất tăng gần gấp đôi mức tăng lương trong năm nay. Từ 2005–2011, giá nhà tại thành phố biển Stavanger của Na Uy tăng ngoạn mục 92%.

7. Canada

Mức tăng trưởng bình quân 5 năm: 28.7%

Thị trường địa ốc Canada chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây, trái với sự ảm đạm của thị trường nhà đất Mỹ do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Doanh số bán nhà đã qua sử dụng tại Canada tăng 8.6% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 2, trong khi số nhà khởi công xây mới tăng vượt dự báo từ 205,300 đơn vị trong tháng 2 lên 215,600 đơn vị trong tháng 3 do hoạt động xây dựng tăng vọt.

Tháng 12/2011, IMF cảnh báo giá nhà đất tại Canada cao hơn 10% so với mức bình thường. Quý 3/2011, giá nhà đất tại Vancouver nhảy vọt 10.4% so với cùng kỳ 2010 (hiện chưa có số liệu quý 4/2011).

6. Đài Loan

Mức tăng trưởng bình quân 5 năm: 30.1%

Đài Loan là một trong những quốc gia có mật độ dân số cao nhất thế giới. Tốc độ đô thị hóa nhanh đã dẫn đến điều kiện sống khá chật chội tại Tây Tạng, thủ phủ của lãnh thổ này.

Số liệu của Knight Frank cho thấy, dù tăng hơn 30% trong giai đoạn 2006-2011, nhưng giá nhà đất bình quân tại Đài Loan giảm 4.1% trong năm 2011. Nguyên nhân là do các biện pháp hạn chế mà Chính phủ đã áp dụng trong năm ngoái, chẳng hạn như mức thuế đánh vào các mặt hàng xa xỉ.

5. Colombia

Mức tăng trưởng bình quân 5 năm: 39.4%

Colombia là quốc gia duy nhất của Nam Mỹ lọt vào danh sách này. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng với mức tăng trưởng năm 2011 gần 6% trong, cao nhất trong 4 năm, đã khiến hoạt động mua nhà tăng mạnh, đặc biệt là trong giới trung lưu. Bên cạnh đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quý 1/2012 nhảy vọt hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái lên 4.2 tỷ USD. Theo số liệu của Chính phủ Colombia, giá bất động sản tăng 3.2% trong năm 2011 trong khi doanh số bán nhà mới nửa đầu năm tăng 19% so cùng kỳ 2010.

4. Singapore

Mức tăng trưởng bình quân 5 năm: 50.5%

Theo số liệu của Knight Frank, Singapore là thị trường bất động sản đắt đỏ nhất tại Đông Nam Á. Giá bất động sản bình quân tại quốc đảo này là 25,600 USD/m2 trong quý 4/2011. Lãi suất thấp và làn sóng nhập cư trong các năm gần đây đã thúc đẩy nhu cầu mua nhà.

Sự bất bình của dân chúng trước đà leo thang của giá bất động sản đã khiến Chính phủ thực hiện các biện pháp hạ nhiệt thị trường. Tháng 12/2011, Chính phủ Singapore tăng thuế trước bạ đối với người nước ngoài mua nhà lên 10% giá trị của bất động sản. Động thái này đã khiến giá bất động sản quý 1 năm nay giảm 0.1%, đánh dấu quý suy giảm đầu tiên trong 3 năm.

3. Israel

Mức tăng trưởng bình quân 5 năm: 54.5%

Từ năm 2009 đến nay, Israel luôn là thị trường bất động sản tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Knight Frank cho biết giá nhà đất của nước này nhảy vọt 21% trong năm 2009 và tăng 16% trong năm 2010. Giá nhà đất cao đã dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình yêu cầu Chính phủ can thiệp để hạ nhiệt thị trường trong năm 2011. Dường như các cuộc biểu tình này đã có tác dụng khi giá bất động sản giảm 1.2% trong năm ngoái.

Tuy nhiên, việc hạ lãi suất từ 3.25% xuống 2.5% trong tháng 2 vừa qua có thể khiến nhu cầu bất động sản tăng cao trở lại. Các khoản vay thế chấp của các ngân hàng trong tháng 3 nhảy vọt hơn 14% so với hai tháng trước.

2. Hồng Kông

Mức tăng trưởng bình quân 5 năm: 93.7%

Bất động sản Hồng Kông thuộc hàng đắt nhất thế giới. Là một trung tâm tài chính toàn cầu, Hồng Kông đã vượt London trong năm ngoái để trở thành thị trường cho thuê văn phòng đắt nhất thế giới. Quý 4/2011, giá nhà đất trung bình tại các khu cao cấp ở vào khoảng 47,500 USD/m2, đắt thứ tư thế giới.

Sự giàu lên của người Trung Quốc cùng với các biện pháp hạn chế của nước này đã khiến người mua đổ xô vào thị trường nhà ở dân cư Hồng Kông trong các năm gần đây. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình phản đối giá nhà đất quá cao và lực mua của nhà đầu tư nước này đã khiến Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông áp dụng một số biện pháp yêu cầu người nước ngoài phải trả thêm 10% tiền thanh toán trước.

Tất cả các yếu tố này đã khiến giá bất động sản Hồng Kông tăng chậm lại trong các tháng gần đây. Giá nhà đất năm 2011 chỉ tăng 11.3%, thấp hơn so với mức 20.1% trong năm 2010. Theo ước tính, từ đầu năm 2012 đến nay, giá nhà tại Hồng Kông tăng 6.7%.

1. Trung Quốc

Mức tăng trưởng bình quân 5 năm: 110.9%

Trung Quốc là thị trường bất động sản nóng nhất thế giới. Giá địa ốc tại hai thành phố lớn là Bắc Kinh và Thượng Hải tăng vọt hơn 110% trong vòng 5 năm qua nhờ đà tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong quý 4/2011, giá một căn nhà tại các khu cao cấp của Thượng Hải là 19,400 USD/m2, còn tại Bắc Kinh là 17,400 USD/m2.

Mối lo sợ về bong bóng tài sản đã khiến Chính phủ nước này tập trung kiểm soát giá nhà đất trong suốt hai năm qua bằng cách hạn chế việc mua nhà, nâng lãi suất và dự trữ bắt buộc ngân hàng.  Các biện pháp này cũng đã phát huy tác dụng vào cuối năm ngoái khi giá nhà giảm tháng thứ 5 liên tiếp xuống còn 0.1% trong tháng 2.

Dù vậy, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho rằng giá nhà tại Trung Quốc vẫn còn cao hơn so với mức bình thường nên trong năm nay Chính phủ sẽ chưa nới lỏng quy định. Kết quả một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy giá nhà đất bình quân tại Trung Quốc có thể giảm từ 10-20% trong năm 2012.

Phước Phạm (Vietstock)

Finfonet

Các tin tức khác

>   Chỉ số lòng tin kinh doanh tại Đức tăng 6 tháng liền (22/04/2012)

>   WTO đề cao vai trò thương mại cải thiện cuộc sống (19/04/2012)

>   Chính phủ Mỹ tăng kiểm soát thị trường xăng dầu (18/04/2012)

>   Mỹ: Doanh số bán lẻ tăng, giúp giảm nỗi lo kinh tế (17/04/2012)

>   Indonesia tiếp tục tăng thâm hụt thương mại với TQ (17/04/2012)

>   Thái dự kiến hợp tác xuất khẩu gạo trong ASEAN (17/04/2012)

>   Thương mại thế giới đối mặt bất ổn trong năm nay (17/04/2012)

>   ASEAN và EU thảo luận FTA và thương mại quốc tế (16/04/2012)

>   Nhật muốn Trung, Hàn nới lỏng hạn chế nhập khẩu (15/04/2012)

>   Gián điệp thương mại: Cuộc chiến Mỹ - Trung (15/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật