Thứ Bảy, 14/04/2012 10:09

E ngại thả nổi giá khi DNNN độc quyền

Mặc dù phần lớn người dân ủng hộ nền kinh tế thị trường nhưng khi giá cả còn bị thao túng bởi các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) độc quyền thì chẳng mấy ai muốn thả giá cho thị trường.

Đó là một phát hiện thú vị trong kết quả điều tra cảm nhận của người dân đối với quá trình chuyển đổi của kinh tế Việt Nam do Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố vào hôm 13/4.

Đừng thả giá cho DNNN độc quyền "chơi"

Giá cả có nên được quyết định bởi thị trường hay không? Hay giá cả nên để Nhà nước quyết định và can thiệp? Trả lời cho những câu hỏi này, có tới 68% số người dân tham gia cuộc điều tra cho rằng, giá cả nên để Nhà nước quyết định, chỉ có 28% cho rằng nên để thị trường quyết định.

Nhưng đồng thời, điều tra về việc mô hình kinh tế nào là ưu việt nhất thì có tới 87% người dân đều chấm điểm cho kinh tế thị trường thay vì mô hình kinh tế "cũ" của Việt Nam - kinh tế Nhà nước. Đại đa số, các ý kiến người dân đều ủng hộ hình thức doanh nghiệp tư nhân hơn là doanh nghiệp Nhà nước, đòi hỏi mức độ minh bạch cao hơn trong hệ thống chính sách ở Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan gọi đây là một mẫu thuẫn đáng ngạc nhiên trong suy nghĩ của người dân về nền kinh tế thị trường và vai trò của Nhà nước.

"Rõ ràng, một mặt chúng ta ủng hộ kinh tế thị trường nhưng mặt khác, lại vẫn muốn giá cả - yếu tố cơ bản nhất của thị trường là do Nhà nước can thiệp", bà Phạm Chi Lan đánh giá.

Tuy nhiên, sự mâu thuẫn đó thoạt đầu là ngạc nhiên nhưng khi phân tích sâu, sẽ lại trở nên dễ hiểu, bởi nó phản ánh phần nào những bất cập trong mô hình kinh tế hiện nay.

Theo phân tích của bà Phạm Chi Lan, có thể do người dân lo ngại hệ quả xấu từ việc thả giá cho thị trường quyết định trong bối cảnh chưa có cạnh tranh - một điều kiện đặc trưng của cung - cầu trong nền kinh tế thị trường. Hiện nay, phần lớn hàng hóa quan trọng thiết yếu vẫn do doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh độc quyền, thống lĩnh thị trường, như điện, xăng dầu, hàng không, đường sắt, ngoại tệ, vàng, đất đai... Đặc biệt là điện, xăng dầu đang là hai mặt hàng ảnh hưởng tới đầu vào của các doanh nghiệp khác nhau. Ngay cả, nhiều doanh nghiệp FDI tham gia cuộc điều tra cũng bày tỏ ý kiến thà để Nhà nước can thiệp giá nhằm giữ giá ổn định hơn là thả giá cho thị trường, rồi giá đầu vào sẽ tăng, ảnh hưởng tới họ.

Chuyên gia Phạm Chi Lan đúc kết: "Như vậy, còn doanh nghiệp Nhà nước độc quyền thì không ai muốn thả giá ra thị trường. Chưa có cạnh tranh, chưa có  lực lượng thị trường mà chỉ có doanh nghiệp Nhà nước "chơi" thì làm sao có thể thả giá được? Đây là lý do lớn nhất để có thể hiểu được vì sao, người dân Việt Nam lại ủng hộ kinh tế thị trường nhưng lại muốn giá do Nhà nước can thiệp.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh năm 2011 vừa qua, lạm phát lên tới gần 19% và ai cũng lo ngại một xu hướng giá cả tiếp tục leo thang thì mong muốn Nhà nước can thiệp vào để bớt tăng giá là dễ hiểu.

Cuộc điều tra đã cho thấy, trong tâm lý nhận thức chung, ai cũng hiểu mô hình kinh tế thị trường ưu việt hơn kinh tế Nhà nước tập trung "cũ", nhưng sự vận hành và tác dụng, ý nghĩa của kinh tế thị trường mà Việt Nam đang hướng tới, có lẽ chưa được nhận thức đầy đủ trong dân chúng, bà Lan kết luận.

Tranh tối - tranh sáng trong hệ thống kinh tế Việt Nam

Cuộc khảo sát về nhận thức của người dân đối với vai trò của Nhà nước và thị trường do Ngân hàng Thế giới và Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam thực hiện từ tháng 8- 10/2011. Có 1.023 người tham gia với 39% số người làm việc trong cơ quan Đảng, Nhà nước và 41% đến từ khu vực doanh nghiệp. Các thành phần tham gia đa dạng từ các công chức, cán bộ cao cấp trong cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân trong nước, doanh nghiệp FDI, các cán bộ chuyên viên các Đại sứ quán, tổ chức quốc tế...

Một vấn đề được cho là nhạy cảm hiện nay cũng đã được cuộc điều tra hướng tới: ai đang thực sự quyết định giá cả ở Việt Nam? Nền kinh tế Việt Nam hiện nay thực sự là mô hình nào, thị trường hay Nhà nước?

Các câu trả lời cho thấy một bức tranh còn nửa sáng, nửa tối trong hệ thống kinh tế Việt Nam.

Theo bà Phạm Chi Lan, một nửa người Việt Nam nghĩ rằng, giá cả hiện nay do chủ yếu Nhà nước can thiệp, nhưng một nửa lại cho rằng, đó là do thị trường quyết định. Điều này chứng tỏ, vai trò của Nhà nước và thị trường trong các hoạt động kinh doanh có sự chưa rạch ròi.

Theo cắt nghĩa của bà Lan, do hiện trạng tới thời điểm này, Nhà nước vẫn đang can thiệp sâu vào giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu nên người dân nhìn nhận không rõ vài trò của thị trường. Vì lẽ đó, người dân đã phần nào tin vào sức mạnh của Nhà nước khi can thiệp và giá hơn, nhằm bảo vệ mình khỏi những bất lợi do biến động giá cả. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin ở Việt Nam còn kém minh bạch, người dân không nắm được cốt lõi nguyên nhân những biến động thị trường gây bất lợi từ đâu, trong khi đó phần lớn các quan chức Nhà nước thường che dấu khiếm khuyết của  cơ quan quản lý và doanh nghiệp Nhà nước, rồi đổ trách nhiệm là do thị trường biến động tiêu cực.

Đáng chú ý hơn, cuộc điều tra còn phát hiện, nhóm có quyền lực chính trị, kinh tế cao đều ủng hộ sự can thiệp của Nhà nước vào giá cả. Ví dụ, 87% ý kiến ủng hộ là của các cơ quan Đảng của Trung ương, 78% là ý kiến từ Quốc hội, 70% là ý kiến thuộc khối doanh nghiệp Nhà nước.

"Nếu vậy, việc can thiệp của Nhà nước vào giá cả thị trường sẽ còn kéo dài nữa", bà Lan nói.

Vấn đề đang nói là, tình thế hiện nay buộc người dân phải trông cậy vào Nhà nước khi giá cả biến động hơn là trông cậy vào thị trường. Dù rằng, Nhà nước có làm được việc đó hay không lại là chuyện khác. Trên thực tế, cũng đã có tới 57% ý kiến người dân cho rằng, các chương trình bình ổn giá của Nhà nước đều không hiệu quả.

Kể từ khi gia nhập WTO đến nay đã 5 năm, đáng lẽ mục tiêu lớn nhất mà Việt Nam hướng tới là chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Đây cũng là giai đoạn Việt Nam phải thực hiện nhiều cam kết đa phương, song phương trong hội nhập kinh tế. Tuy nhiên, chỉ có 25% số người dân trả lời rằng, nền kinh tế Việt Nam hiện nay là nền kinh tế thị trường, trong khi, một tỷ lệ tương đương, 22% ý kiến cho rằng, chúng ta vẫn đang ở trạng thái nền kinh tế Nhà nước.

Cũng trong 5 năm này, sự can thiệp của Nhà nước vào giá cả thị trường lại tăng lên, thông qua một loạt các quy định, chính sách về giá. Đồng thời, đây cũng lại là giai đoạn giá cả biến động dữ dội nhất thể hiện qua lạm phát cao.

Điều đó chứng tỏ rằng, Nhà nước can thiệp vào sự vận hành của nền kinh tế hiện nay, nhất là ở giá cả không phải là phương thuốc hữu hiệu để ổn định thị trường lâu dài.

Phạm Huyền

diễn đàn kinh tế việt nam

Các tin tức khác

>   Chiến lược và thủ đoạn (14/04/2012)

>   Ngành than VN gặp khó khăn về tiêu thụ sản phẩm (13/04/2012)

>   Thái Lan - thị trường thủy sản chủ lực của Việt Nam (13/04/2012)

>   Doanh nghiệp cạn tài sản thế chấp? (13/04/2012)

>   Lo thiếu đơn hàng xuất khẩu (13/04/2012)

>   “Doanh nghiệp nhà nước không thể là công cụ điều tiết vĩ mô” (13/04/2012)

>   VASEP kiến nghị gỡ khó cho doanh nghiệp thủy sản (13/04/2012)

>   DN không tin vay được vốn lãi suất 14 - 16% (13/04/2012)

>   Cần giải pháp giải cứu doanh nghiệp (13/04/2012)

>   Giá cá tra xuống 22.500đ/kg, người nuôi lỗ (13/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật