Doanh nghiệp cạn tài sản thế chấp?
Dù thông điệp hạ lãi suất cứu doanh nghiệp của ngân hàng rất sáng tỏ, nhưng trên thực tế rất nhiều DN cho rằng chưa nên mừng vội. Bởi lãi suất cho vay vẫn cao, trong khi DN đang ế hàng và tài sản thế chấp đã... cạn!
Cạn tài sản
Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), ông Nguyễn Đức Thành chia sẻ, đối với các DN vừa và nhỏ hiện nay tài sản không đáng kể gì, chủ yếu là mấy nghìn mét vuông nhà xưởng. Đã vậy, tỷ lệ giải chấp tài sản hiện nay xuống rất thấp. Nếu trước đây tỷ lệ là 70-80% thì nay chỉ có 40-50%, thành ra cũng tài sản đó nhưng năm ngoái vay được nhiều hơn, còn năm nay ít hơn nên các DN thiếu vốn càng thiếu vốn thêm.
Theo ông Thành, thủ tục vay vốn hiện không có gì thay đổi so với trước nhưng điều kiện cho vay có khó hơn trước. Cụ thể, ngoài tỷ lệ giải chấp thấp như kể trên thì các ngân hàng quản tài sản đảm bảo vốn vay chặt chẽ hơn, hoặc ngân hàng không bảo lãnh cho doanh nghiệp nhập khẩu mở thư tín dụng… “Nói tóm lại là những thứ đó như một dạng nâng hàng rào kỹ thuật lên cao hơn và việc đó sẽ là một trở ngại lớn đối với doanh nghiệp” – ông Thành nói.
Do khó khăn, làm ăn thua lỗ, nhiều DN trước đây đã phải bán hoặc thế chấp tài sản cho ngân hàng để lấy vốn nên hiện không còn tài sản thế chấp. Trong khi đó, nhiều DN khác có tài sản và muốn thế chấp nhưng không được ngân hàng đồng ý. Ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành lại cho biết, từ 2 năm nay hầu hết các DN địa ốc không bán được hàng nhưng vẫn phải trả lãi ngân hàng nên tiền mặt của họ cạn kiệt. Ông Đực cho rằng, hiện đã có những dấu hiệu cho thấy có ngân hàng nuôi ý đồ “thôn tính” DN hoặc thu gom dự án bất động sản của DN bằng cách không cho vay, để DN “chết” rồi nhảy vào mua DN đó. Thực tế có nhiều DN đứng bên bờ vực phá sản đã phải bán một số dự án hoặc bán chính bản thân mình thông qua việc bán từ 30 đến 70% lượng cổ phần cho ngân hàng hoặc các quỹ đầu tư. “Việc hạ lãi suất là điều đáng mừng nhưng đó không thể là đôi đũa có phép màu để biến DN nguy hiểm thành an toàn. Muốn được an toàn, DN phải thật sự được vay vốn để đầu tư, ngoài ra sản phẩm của DN phải được khách hàng chấp nhận. Nếu vay vốn đầu tư mà khách hàng không chấp nhận thì cũng “chết” và thiệt hại ngày càng lớn dần”- ông Đực khẳng định.
Người hứng khởi, kẻ lạnh lùng
Ông Trần Văn Nguyên, Phó Giám đốc Cty Cổ phần Xây dựng số 3 cho biết: “Dù là dự án nhà ở xã hội nhưng nhà TNT Sài Đồng (Hà Nội) do Cty triển khai đã xây xong phần thô 16 tầng, hoàn thành hồ sơ đầy đủ từ lúc khởi công mà đến nay vẫn chưa được vay vốn ưu đãi từ phía Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).
Việc NHNN mở “van” tín dụng cho BĐS chưa thể khiến DN vui mừng vì điều quan trọng nhất là làm sao tiếp cận được vốn vay và lãi suất vay thế nào. Hiện, giá nhà TNT tại Sài Đồng là 13,27 triệu đồng/m2, nếu DN vay được tiền triển khai với lãi suất trên 20% thì buộc DN phải tính vào giá thành cho khách hàng, như vậy giá sẽ bị đội lên nhiều. Lúc đấy DN càng gặp khó vì khách hàng không mua vì giá cao, DN không có tiền trả lãi ngân hàng”.
Trước những khó khăn mà DN đi đầu trong việc xây dựng nhà TNT gặp phải, ông Trần Xuân Hiền – Phó Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Phát triển nhà Vicoland tỏ ra không mấy mặn mà với những tín hiệu từ phía NH.
Ông Hiền cho biết: “DN đã triển khai xong phần thô của 365 căn nhà TNT ở Huế nhưng DN đang gặp nhiều khó khăn khi không có tiền triển khai tiếp, khách hàng thì không có tiền mua nhà. Đợt mở van tín dụng lần này, DN chỉ mong NH lưu ý cho vay khách hàng là những đối tượng mua nhà. Bản thân DN đã hoàn thành hết hồ sơ nhưng nếu lãi suất cao thì DN cũng không mặn mà đi vay”.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Bùi Quang Hùng, Phó tổng Giám đốc Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng cho biết, mức lãi suất (LS) cao như hiện nay thì mở van tín dụng không khuyến khích lắm. “DN xi măng nhà nước phần lớn phải vay 100% để đầu tư trong khi DN nhỏ chỉ cần vay một lượng tiền nhất định để lấy vốn kinh doanh. Sản xuất xi măng hiện nay lợi nhuận không cao trong khi doanh nghiệp đang phải vay ở mức khoảng 16%. Riêng tiền trả lãi cũng khiến DN “oằn lưng”- ông Hùng cho biết.
Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nguyễn Tiến Nghi, quyết định lại cho vay đối với BĐS sẽ có lợi chung cho DN khối xây dựng cơ bản, không chỉ với riêng DN thép và xi măng. Tuy nhiên, vấn đề chính vẫn là LS còn khá cao so với sức chịu đựng của DN thép khi DN hoạt động hết sức cầm chừng. “Với lãi suất vay của doanh nghiệp thép ở mức 16%-17% như thời gian vừa qua thì hầu như không có mấy doanh nghiệp có lãi”- ông cho biết.
Đại Dương - Phạm Tuyên - Ngọc Mai
tiền phong
|