Đề nghị bãi miễn ĐBQH Đặng Thị Hoàng Yến
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Long An: “Nếu biết bà Yến từng rời bỏ Đảng thì Ủy ban Bầu cử Long An đã gạch tên ngay rồi”.
Ngày 17-4, Ủy ban MTTQ tỉnh Long An đã tổ chức cuộc họp bất thường với sự tham dự của 76/87 ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh để xem xét và lấy ý kiến tín nhiệm đối với tư cách ĐBQH của bà Đặng Thị Hoàng Yến.
Nếu biết sẽ gạch tên ngay
Ông Võ Lê Tuấn, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Long An, cho biết dựa trên những quy định về tiêu chuẩn của ĐBQH, các đại biểu tham dự cuộc họp đã tập trung góp ý kiến và xem xét tư cách đại biểu của bà Yến xoay quanh lý lịch cá nhân của bà mà báo chí phản ánh trong thời gian qua. Kết quả bỏ phiếu lấy ý kiến tín nhiệm đối với trường hợp bà Yến được niêm phong và gửi ngay trong ngày về Ban Công tác đại biểu, Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH), đồng thời gửi về Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ông Tuấn nói: “Theo quy định, chúng tôi không được phép cung cấp kết quả cụ thể cho báo chí vì phải bảo đảm nguyên tắc bảo mật trước khi TVQH quyết định về vấn đề này”. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của PV từ phía các ủy viên Ủy ban MTTQ tham dự cuộc họp, có hai luồng ý kiến đề xuất: Đề nghị bãi miễn và đề nghị không bãi miễn ĐBQH đối với trường hợp bà Yến. Kết quả đa số đại biểu đã bỏ phiếu đề nghị bãi miễn.
|
Đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến tại một kỳ họp Quốc Hội. Ảnh: TTXVN |
Theo hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử Trung ương, các ứng cử viên ĐBQH phải khai đúng, khai trung thực về lý lịch của mình nhưng ở đây bà Yến đã không làm đúng trách nhiệm của người ứng cử ĐBQH. Cụ thể bà Yến chỉ khai có một người chồng và người này đã chết mà không khai về việc kết hôn với người chồng thứ hai là ông Jimmy Trần (quốc tịch Mỹ, người đang bị Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an truy nã về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới). Hiện bản án ly hôn của bà Yến với ông Jimmy Trần đã bị Tòa Dân sự TAND Tối cao hủy án để xét xử lại vì có nhiều sai sót, đồng thời bà Yến cũng xin rút đơn ly hôn. Vì thế về mặt luật pháp, bà Yến vẫn còn tồn tại mối quan hệ hôn nhân với người chồng đang bị truy nã.
Đáng lưu ý là trải qua các bước hiệp thương, cơ quan MTTQ tỉnh Long An không hề biết bà Yến từng là đảng viên và đã tự ý rời bỏ Đảng để đi làm ăn ở nước ngoài. Điều này cũng không được bà Yến khai trong lý lịch ứng cử viên. Ông Tuấn nói: “Nếu biết một ứng cử viên ĐBQH từng rời bỏ Đảng thì Ủy ban Bầu cử của tỉnh sẽ gạt tên ứng cử viên đó ra khỏi danh sách ngay”.
Thẩm quyền bãi miễn thuộc QH
Hôm nay (18-4), Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ họp kín về vụ bà Yến. Theo một quan chức của ủy ban, sau cuộc họp sẽ có thông báo về kết luận của cuộc họp gửi đến báo chí. Đồng thời, kết luận cuộc họp sẽ được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gửi đến UBTVQH. Quyết định cuối cùng về vụ việc này thế nào là thẩm quyền của UBTVQH và QH.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Ngọc Đường cho biết theo quy trình, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ xem xét một cách kỹ lưỡng kiến nghị của Ủy ban MTTQ tỉnh Long An. Nếu đồng tình với kiến nghị của MTTQ tỉnh Long An thì sẽ có báo cáo và văn bản đề nghị UBTVQH bãi miễn tư cách ĐBQH của bà Yến.
“Khi nhận được kiến nghị trên, UBTVQH sẽ tổ chức một phiên họp để xem xét vấn đề này. Nếu thấy rằng kiến nghị bãi miễn tư cách đại biểu với bà Yến là phù hợp thì UBTVQH sẽ báo cáo và đưa vấn đề trên ra kỳ họp QH tới. Tiếp đó, các ĐBQH sẽ bỏ phiếu bãi miễn và bỏ phiếu thông qua nghị quyết về việc miễn tư cách ĐBQH của bà Yến” - ông Đường nói. Theo luật, việc bãi miễn này phải được ít nhất 2/3 tổng số ĐBQH biểu quyết tán thành.
Về trách nhiệm của các đơn vị ký xác nhận cũng như thẩm tra lý lịch của bà Yến, ông Đường tỏ ra băn khoăn vì sao qua nhiều vòng hiệp thương, xem xét, thẩm tra mà vẫn không phát hiện ra. Tuy nhiên, theo ông Đường, khó xem xét trách nhiệm của các đơn vị thẩm tra vì luật chưa quy định cụ thể và rõ ràng.
TÂM PHÚC - THÀNH VĂN
PHÁP LUẬT TPHCM
|