Đề án tái cấu trúc nền kinh tế: Không có đột phá
Chính phủ thực hiện tái cấu trúc (TCT) nền kinh tế và hôm qua đã trình UBTVQH Đề án tổng thể. Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với Giám đốc nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright Vũ Thành Tự Anh xung quanh đề án này. Ông thẳng thắn:
|
Giám đốc nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright Vũ Thành Tự Anh |
“Đề án này hầu như không có gì mới so với những gì đã được thảo luận từ trước tới nay, kể cả so với Chiến lược 2011-2020. Vẫn cách tiếp cận vấn đề truyền thống, đi từ cơ cấu theo ngành nghề đến cơ cấu theo sở hữu và vùng lãnh thổ; vẫn những biện pháp cũ, tiếp tục chọn những ngành mũi nhọn như trước… Trong khi đó, hai khía cạnh rất cốt lõi của TCT, bao gồm chính sách mới (và hệ thống khuyến khích đi kèm) cùng với đổi mới bộ máy quản lý và thực thi chính sách không được đề cập một cách thỏa đáng. Với cách tiếp cận, phạm vi và những biện pháp đề xuất, về cơ bản đề án không có gì mới đáng kể so với những gì chúng ta đã và đang nói từ trước tới nay”.
Xác định rõ vai trò của DNNN
Trọng tâm của TCT nền kinh tế là TCT DNNN, đầu tư công và hệ thống ngân hàng thương mại. Theo ông, đề án đã “triệt để” TCT các lĩnh vực này chưa?
Tôi cho rằng đề án chưa đánh giá đúng mức độ kém hiệu quả của DNNN và của đầu tư công; chưa thừa nhận một thực tế đã được chứng minh hết sức rõ ràng, rằng DNNN và đầu tư công hiện rất kém hiệu quả.
Cụ thể, theo số liệu thống kê, khu vực DNNN giai đoạn 2006-2010 chiếm tới 45% tổng đầu tư toàn xã hội nhưng lại chỉ đóng góp khoảng 28% GDP, 25% giá trị sản xuất công nghiệp và không đóng góp gì cho việc tạo ra việc làm mới. Điều này tương phản với vai trò ngày càng quan trọng của khu vực tư nhân. Xuất phát từ sự đánh giá thiếu khách quan về vai trò thực sự của khu vực nhà nước nên tinh thần chung của đề án vẫn là coi khu vực công là giải pháp chứ không phải nguyên nhân của vấn đề hiện tại. Nếu coi khu vực công (đầu tư công, DNNN, NHTM nhà nước) là vấn đề thì nhiệm vụ của tái cơ cấu sẽ là giải quyết triệt để vấn đề đó, còn nếu coi là giải pháp thì chúng sẽ tiếp tục được hà hơi, tiếp sức. Trong khi đó, thực tế của nền kinh tế từ năm 2007 đến nay cho thấy khu vực công là một nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến bất ổn kinh tế vĩ mô và suy giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế. Vì vậy, nếu vẫn tiếp tục xem nó là giải pháp thì đề án sẽ không thể đưa nền kinh tế đi xa so với hiện tại.
|
Đóng tàu là một trong những ngành ưu tiên phát triển của đề án tái cơ cấu kinh tế |
Nhiều ý kiến cho rằng, các ngành nghề ưu tiên của đề án như đóng tàu, luyện kim, hóa dầu... là chưa chính xác, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Tiếc là nhiều cái đáng lẽ phải được thừa nhận hết sức công khai là nguyên nhân dẫn nền kinh tế đến tình trạng hiện nay lại vẫn được coi là “cứu cánh” trong giai đoạn “TCT”. Không chỉ thế, cách chúng ta chọn ngành mũi nhọn, ngành đi đầu vẫn với quan điểm lạc hậu của một chiến lược phát triển công nghiệp theo kiểu cũ. Đó là thay thế hàng nhập khẩu đi đôi với bảo hộ, trợ cấp, và ưu đãi. Chính sách đúng đắn hơn là kiến tạo môi trường với những chính sách thân thiện hơn với DN, đào tạo lao động có kỹ năng cao hơn, xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng hơn… để tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp phát triển chứ không phải chọn trước các "quán quân" và chỉ định luôn "người thắng cuộc" một cách duy ý chí. Cách tiếp cận như đề án, chọn luôn một số ngành nghề là quán quân sẽ tiếp tục làm giảm động cơ trở nên hiệu quả của các ngành này, đồng thời tạo ra bất công với các ngành khác. Tái cơ cấu, suy cho cùng, là thay đổi cơ cấu và cách thức phân bổ nguồn lực để làm nền kinh tế hiệu quả hơn. Nếu vẫn rót thêm nguồn lực vào các ngành kém hiệu quả thì như vậy không phải tái cơ cấu theo hướng tích cực, mà thực ra là “tái cơ cấu ngược”, tức là làm cho nền kinh tế kém hiệu quả hơn chứ không phải làm cho nó có sức cạnh tranh và hiện đại hơn.
Đề án đề cập khá nhiều đến việc giảm đầu tư công, giảm phụ thuộc vốn vào ngân hàng nhưng lại "quên" mất các giải pháp về nguồn lực để thực hiện, thưa ông?
Tôi cũng thấy ngạc nhiên khi đề án không đề cập gì đến nguồn lực cần thiết về thể chế, tổ chức và tài chính để thực hiện các biện pháp do đề án nêu ra. Đơn cử như việc giải quyết nợ xấu của hệ thống NHTM, nếu như tỷ lệ nợ xấu chỉ khoảng 3,5% tổng dư nợ tín dụng như công bố thì có thể vấn đề nguồn lực tài chính là không quá quan trọng. Tuy nhiên, nếu con số ấy tăng lên thì số tiền cần thiết để giải quyết nợ xấu sẽ rất lớn so với nguồn lực của quốc gia. Khi ấy, tính khả thi của các biện pháp tái cơ cấu trở nên không chắc chắn.
DN tư nhân ở đâu ?
Theo cá nhân ông, tại sao một đề án như vậy lại bỏ quên khá nhiều vấn đề quan trọng như nói trên?
Chắc chắn là có nhiều nguyên nhân, nhưng theo quan sát từ bên ngoài tôi thấy có hai nguyên nhân lớn.
Đầu tiên là do đề án này được tổng hợp từ các đề án bộ phận, mà các đề án bộ phận đều được thực hiện khá vội vàng, trước sức ép cấp bách phải hành động của Chính phủ. Nếu tôi nhớ không nhầm thì từ cuối năm 2008 Chính phủ đã giao cho Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nghiên cứu xây dựng đề án tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế; và đến tháng 3.2009 thì CIEM đã chuẩn bị xong bản thảo đầu tiên. Thế nhưng từ tháng 3.2009 đến tháng 9.2011 việc tái cơ cấu không được thảo luận thêm, cho đến khi Chính phủ yêu cầu bốn đơn vị (bao gồm Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, NHNN và Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DNNN) chuẩn bị ba đề án chỉ trong vòng hai tháng.
Tôi cũng thấy ngạc nhiên khi đề án không đề cập gì đến nguồn lực cần thiết về thể chế, tổ chức và tài chính để thực hiện các biện pháp do đề án nêu ra
Vũ Thành Tự Anh |
Thứ hai, không loại trừ nguyên nhân là bản đề án này cũng như các bản đề án bộ phận bị trì kéo bởi tác động của các nhóm đang được hưởng lợi từ nguyên trạng. Cũng cần lưu ý thêm rằng các bản đề án này hầu như không có bóng dáng của khu vực tư nhân (cả trong và ngoài nước), khu vực hiện nay đóng góp tới hơn 2/3 GDP, 3/4 giá trị sản xuất công nghiệp, và 100% việc làm mới cho nền kinh tế trong khu vực chính thức.
Đề án hiệu quả hay không cũng sẽ mất nhiều thời gian để áp dụng nhưng khó khăn của nền kinh tế thì không thể đợi. Theo ông, những giải pháp nào có thể thực hiện ngay để hỗ trợ DN lúc này?
Đó là tiếp tục bình ổn kinh tế vĩ mô một cách vững chắc và giảm chi phí vì đây là hai tiền đề quan trọng để duy trì năng lực cạnh tranh của VN. Trong ngắn hạn, giảm chi phí rất quan trọng đối với nền kinh tế của chúng ta. Gần đây chúng ta nói rất nhiều đến việc giảm lãi suất. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mặc dù việc giảm lãi suất là cần thiết nhưng không đủ để tạo ra một nền kinh tế hiệu quả về chi phí. Hiện có hai chi phí lớn hơn mà DN đang phải gánh chịu, đó là chi phí cơ hội và chi phí gây ra do sự bất định. Với hệ thống hành chính như hiện nay thì rất nhiều cơ hội đang và tiếp tục sẽ tuột khỏi tay DN. Bên cạnh đó còn có chi phí do tính bất trắc của môi trường kinh tế gây ra. Sự bất trắc này vừa làm tăng chi phí, vừa làm thoái chí DN. Tôi tin rằng việc giảm 1-2 điểm phần trăm lãi suất không quan trọng bằng việc giảm hai loại chi phí kể trên.
13 nhóm giải pháp của đề án
1. Nâng cao chất lượng các quy hoạch, gắn chiến lược với quy hoạch và kế hoạch, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về quy hoạch phát triển.
2. Tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường chứng khoán, ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, thúc đẩy và hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế, góp phần tăng trưởng bền vững.
3. Đổi mới cơ chế phân bố, quản lý và sử dụng, nâng cao hiệu quả đầu tư nhà nước, thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế.
4. Đổi mới sâu sắc, toàn diện cơ cấu và cơ chế quản lý DNNN, nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN, trước hết là các tập đoàn và tổng công ty nhà nước.
5. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh để huy động tối đa và không ngừng nâng cao hiệu quả đầu tư tư nhân trong và ngoài nước.
6. Đổi mới chế độ ưu đãi, khuyến khích đầu tư, cơ chế phân cấp và phối hợp quản lý đầu tư nhằm thu hút và định hướng đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển các ngành, sản phẩm ưu tiên phát triển.
7. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và chất lượng các dự án đầu tư nước ngoài.
8. Xây dựng và thực hiện các chương trình đồng bộ phát triển các ngành, sản phẩm ưu tiên phát triển đặt dưới sự chỉ đạo tập trung, thống nhất từ trung ương (về mục tiêu, nguồn lực, cơ chế và cách thức thực hiện, theo dõi, đánh giá và bổ sung, điều chỉnh…) nhằm tăng hàm lượng khoa học, tăng tỷ lệ giá trị nội địa và nâng cao năng lực cạnh tranh.
9. Thực hiện các chương trình quốc gia về phát triển, nâng cao chất lượng các DN dân doanh.
10. Đổi mới phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng quy mô sản xuất, tập trung chuyên canh, áp dụng quy trình và kỹ thuật sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sống ở nông thôn.
11. Phát huy lợi thế của từng vùng, chuyển đổi và hình thành cơ cấu vùng kinh tế hợp lý, đa dạng về ngành, nghề và trình độ phát triển.
12. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tạo điều kiện thuận lợi cho tái cơ cấu kinh tế.
13. Phát triển khoa học và công nghệ.
N.Khanh |
Nguyên Hằng
thanh niên
|