Thứ Sáu, 20/04/2012 06:11

Lại hối hả chống suy giảm kinh tế

Sau động thái nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, có ý kiến cho rằng, đã xuất hiện vòng xoáy khó thoát "đình trệ - lạm phát".

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa phải lựa chọn một quyết định khó khăn: giảm tiếp lãi suất huy động thêm 1 điểm phần trăm, về mức 12%/năm. Động thái này diễn ra chỉ chưa đầy một tháng sau khi NHNN yêu cầu giảm 1 điểm phần trăm lần đầu và ngay đầu quý, thay vì cuối quý II như đã cam kết trước đây. Lựa chọn này cho thấy, NHNN rút cục thiên về việc giải cứu doanh nghiệp đã trở nên kiệt sức và tiếp sức cho nền kinh tế đã có dấu hiệu đình đốn trong khi vẫn đang phải chịu sức ép lớn từ lạm phát cao ở mức hơn 14%/năm ở thời điểm đầu năm nay.

Kinh tế lại rơi vào đình đốn

Thống đốc Nguyễn Văn Bình thừa nhận thực tế : "Các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh". Ông kể lại, có luồng ý kiến yêu cầu NHNN giảm nhanh lãi suất xuống hẳn 2 điểm phần trăm trong lần này để gỡ khó cho doanh nghiệp, nhưng cuối cùng, ông đã lựa chọn phương án 1 điểm phần trăm vì lo ngại nguy cơ "lạm phát quay trở lại vẫn đang rình rập". Bên cạnh đó, NHNN cũng mở van tín dụng cho vay tiêu dùng, mua nhà. Có tới 50% lĩnh vực và đối tượng NHNN không khuyến khích cho vay trước đây thì giờ đã được tiếp cận vốn dễ hơn.

Quyết định của NHNN được đưa ra khi tín dụng cho nền kinh tế tăng trưởng âm 2,13% trong quí I năm nay. Trong khi đó, tính thêm yếu tố giá thì tín dụng đã tăng trưởng âm 4,79% trong hai tháng đầu năm. Theo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, tình trạng đình đốn sản xuất đã khiến khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và nhiều doanh nghiệp suy giảm mạnh. Sau một thời gian dài nền kinh tế khó khăn, tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp xấu đi nghiêm trọng, làm cho doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng. Trong khi đó, các ngân hàng lại phải thận trọng hơn trong hoạt động cho vay. Một khía cạnh đáng quan ngại sâu sắc là sự gia tăng mạnh của lượng hàng tồn kho. Tính đến cuối năm ngoái, lượng hàng tồn kho toàn thị trường tăng 31% so cùng kỳ năm 2010 và tăng 79% so cùng kỳ năm 2009 theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.

Lựa chọn của NHNN gần như đồng điệu với đòi hỏi của nền kinh tế. Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Võ Trí Thành nói thẳng về thực trạng hiện nay: "Kinh tế Việt Nam đã thực sự rơi vào đình đốn". Ông Thành có thừa bằng chứng lý thuyết để chứng minh điều này: tốc độ tăng tiêu dùng chỉ còn 4%, là mức thấp nhất trong nhiều năm nay, tồn kho tăng cao kỷ lục, đầu tư tư nhân và FDI giảm mạnh, nhập siêu giảm kỷ lục... "Với quốc gia đang phát triển như Việt Nam mà kinh tế chỉ tăng trưởng 4% thì đã rơi vào trì trệ", ông Thành nói.

Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên, tình trạng khó khăn về thanh khoản gia tăng một phần quan trọng là do nhiều doanh nghiệp không có khả năng hấp thụ vốn vay, cho dù các ngân hàng đã cải thiện khả năng cung ứng vốn và lãi suất có xu hướng hạ xuống một cách chắc chắn, tuy còn chậm. Có nghĩa là khi khó khăn thanh khoản của hệ thống ngân hàng bắt đầu được hóa giải thì dòng lưu chuyển vốn tiếp sức cấp cứu cho các doanh nghiệp vẫn bị cản trở mạnh mẽ. Ông Thiên nói, "nguyên nhân chính là ở sự đình trệ chứ không chỉ còn do lạm phát".

Ðã rơi vào vòng xoáy trì lạm?

Biện pháp giảm lãi suất của NHNN, tuy vậy, dường như không tương đồng với mục tiêu chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô được Chính phủ cam kết thực hiện xuyên suốt từ khi có Nghị quyết 11 đầu năm ngoái đến nay. Tất nhiên là có nhiều người không đồng tình. Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), ông Dominic Mellor bày tỏ lo ngại: "Chính phủ có thể hạ lãi suất quá nhanh sẽ tạo rủi ro".

Đồng điệu với nhận định này của ADB, Bộ phận phân tích của Ngân hàng ANZ cho rằng, động thái giảm 1% lãi suất là bước đi khá bất ngờ, do vào tháng trước, Thống đốc NHNN đã nhận định lãi suất sẽ chỉ được cắt giảm khoảng 1% mỗi quý. Có hai nguyên nhân được ANZ đưa ra. Thứ nhất, việc nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh tay này có thể sẽ khiến kỳ vọng lạm phát tăng cao và sẽ có thể gây khó khăn cho việc duy trì mức lạm phát trong tầm kiểm soát như hiện nay. Và thứ hai, lạm phát suy giảm gần đây, chủ yếu là do giá cả thực phẩm giảm, trong khi đó giả cả của các mặt hàng phi thực phẩm, xăng dầu vẫn tương đối cao. Điều này cho thấy sức ép lên giá cả từ nhu cầu của người dân vẫn không dịu lại, mặc dù đã được giảm nhẹ do tăng trưởng chậm lại.

Với quốc gia đang phát triển như Việt Nam mà kinh tế chỉ tăng trưởng 4% thì đã rơi vào trì trệ

Về phần mình, chuyên gia Mellor của ADB nhận xét, khoảng cách của lạm phát ở mức 14,2% trong quý 1 và lãi suất vừa cắt giảm còn 12%/năm đang doãng ra. Điều này thể hiện lãi suất tiền gửi trong 1 năm sẽ là thực âm. Cũng vì vậy, trong mục "sai lầm và bỏ sót" tích tụ trong cán cân thanh toán, được ước tính ở mức 18 tỷ đô la trong giai đoạn 2009 -2011 phản ánh một lượng lớn ngoại tệ và vàng ở bên ngoài hệ thống ngân hàng. Ông Mellor cho rằng, việc hạ lãi suất quá nhanh có thể đặt đồng Việt Nam dưới những áp lực mới. Điều này sẽ làm giảm hiệu quả những nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư, người tiêu dùng và làm suy yếu dự trữ ngoại tệ. Mặc dù dự trữ ngoại tệ đã được khôi phục một phần, song vẫn ở mức thấp (2 tháng nhập khẩu), khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương với những cú sốc từ bên ngoài. Ông đề nghị: "Chính phủ nên duy trì mức lãi suất thực dương của người gửi tiền đồng ít nhất là 1-2%".

Những kiến nghị như trên của nhà tài trợ ADB hay của ngân hàng ANZ không phải không có cơ sở thuyết phục. Song NHNN liệu có thể làm điều gì tốt hơn, ngoài hạ lãi suất? Năm 2008, Việt Nam đã vất vả chống lạm phát. Đến năm 2009, nền kinh tế này lại hối hả chống suy giảm kinh tế. Rồi kể từ đó đến gần đây, chúng ta lại phải kiên trì chống lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Đến nay, có vẻ như Việt Nam lại bước vào giai đoạn chống suy giảm kinh tế. ADB khuyến nghị rằng, lạm phát năm nay có thể một con số, song sẽ leo lên 11,5% vào năm sau. Dự báo đó gây nhiều lo ngại, khi NHNN cam kết tiếp tục giảm lãi suất.

Vũ Minh

Diễn đàn DN

Các tin tức khác

>   Tăng giá xăng và nỗi lo lạm phát tâm lý (20/04/2012)

>   Thủ tướng phê duyệt Chiến lược Tài chính đến năm 2020 (19/04/2012)

>   Khắc phục “bệnh thừa tiền” để tái cơ cấu kinh tế (19/04/2012)

>   Vẫn chưa rõ chi phí tái cơ cấu nền kinh tế (19/04/2012)

>   Chính phủ đề xuất giải pháp ưu tiên tái cơ cấu kinh tế (19/04/2012)

>   Kiến nghị hỗ trợ cả ngân hàng và doanh nghiệp (19/04/2012)

>   Làm sao ra khỏi vòng xoáy trì lạm? (18/04/2012)

>   Bộ Công Thương cảnh báo việc lừa đảo tiền qua mạng (18/04/2012)

>   Tái cơ cấu kinh tế: trăm bề khó khăn (18/04/2012)

>   Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế (18/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật