Tường thuật Đại hội đồng cổ đông thường niên 2012
CK Chợ Lớn sẽ thu hẹp hoạt động, rút nghiệp vụ môi giới
Sự khó khăn của thị trường chứng khoán và hoạt động kinh doanh kém hiệu quả trong nhiều năm buộc HĐQT CTCP Chứng khoán Chợ Lớn (UPCoM: CLS) phải trình phương án tái cấu trúc và đã được ĐHĐCĐ thường niên diễn ra sáng 07/04 thông qua.
* Kinh tế Vĩ mô Tuần 02 – 06/04: Tái cấu trúc CTCK tác động như thế nào?
Cụ thể, 95.7% cổ đông tán thành việc CLS sẽ thu hẹp quy mô hoạt động và bỏ bớt nghiệp vụ môi giới, chỉ duy nhất 1 cổ đông chọn phương án giải thể (chiếm 4.3%).
Tuy nhiên, ông Trần Quang Trường, Chủ tịch HĐQT của CLS cho biết thu hẹp hoạt động cũng chỉ là phương án nhất thời, còn phương án xa hơn công ty vẫn phải giải thể hoặc sáp nhập với một đơn vị khác nhằm thu hồi phần vốn tốt nhất cho cổ đông.
Thu hẹp hoạt động hoặc giải thể
9h00: Báo cáo trước Đại hội, ông Nguyễn Việt Trung, Tổng Giám đốc công ty cho biết, sự khó khăn quá mức của nền kinh tế và thị trường chứng khoán dẫn đến kết quả kinh doanh lỗ gần 14 tỷ đồng trong năm 2011, cao hơn nhiều so với mức lỗ 5.5 tỷ đồng của năm 2010.
Tổng tài sản giảm từ 164 tỷ đồng (cuối năm 2010) xuống còn 103.5 tỷ đồng (cuối 2011). Vốn chủ sở hữu từ 73.83 tỷ đồng còn xấp xỉ 60 tỷ đồng.
Trên cơ sở nhận định kinh tế còn nhiều bất ổn, hoạt động kinh doanh khó khăn, HĐQT trình kế hoạch tái cấu trúc công ty.
|
Cũng theo báo cáo của ông Nguyễn Việt Trung - TGĐ (ảnh), cơ cấu cổ đông của CLS tính thời điểm hiện tại có 66% do cổ đông lớn sở hữu.
Trong đó, Tanimex (TIX) nắm 40%, cổ đông chiến lược (Choilimex, Vinasun - VNS… ) nắm 21%, cổ đông nội bộ nắm 5%. Phần còn lại do cổ đông bên ngoài sở hữu. |
Trong phương án thứ nhất, HĐQT dự kiến sẽ thu hẹp hoạt động và xin rút bớt nghiệp vụ môi giới chứng khoán. Công ty chỉ giữ lại nghiệp vụ tư vấn đầu tư và một số lĩnh vực khác.
Nhân sự điều hành và các phòng ban từ 38 người thu hẹp chỉ còn 12 người, trong đó Ban Tổng Giám đốc là 2 người.
Với phương án thu hẹp hoạt động này, HĐQT CLS dự kiến năm 2012 chỉ đạt doanh thu 5.1 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với năm 2011 (23.77 tỷ đồng), trong đó chủ yếu là cổ tức trong danh mục với 2 tỷ đồng, lãi tiền gửi 3 tỷ đồng và 100 triệu đồng từ hoạt động tư vấn.
Chi phí dự kiến là 3.5 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế có thể đạt được là 1.6 tỷ đồng.
Nếu phương án này được thông qua, Ban lãnh đạo CLS cam kết sẽ quản lý và sử dụng vốn còn lại một cách thận trọng hơn. Sau khi rút bớt nghiệp vụ môi giới, số tiền hỗ trợ vốn cho khách hàng sẽ được thu hồi về.
Phương án thứ hai là công ty sẽ tuyên bố giải thể nhằm chấm dứt tình trạng thua lỗ kéo dài, thu hồi lại một phần vốn cho cổ đông.
Cổ đông lớn Tanimex muốn bán lại sàn giao dịch Chợ Lớn
10h45: Trao đổi bên lề Đại hội, ông Nguyễn Việt Trung cho biết, chủ trương của Tanimex (cổ đông nắm giữ 40% vốn) là sẽ thu hẹp hoạt động của CLS chứ không tính đến phương án giải thể công ty.
Theo phương án này, CLS sẽ tìm công ty chứng khoán khác để bán lại sàn giao dịch ở Chợ Lớn, đồng thời đàm phán chuyển tài khoản của nhà đầu tư, cũng như số lượng nhân viên khi thực hiện cắt giảm hoạt động môi giới.
Ông Trung cho biết, nguyên nhân chủ yếu buộc CLS phải bỏ hoạt động môi giới là do thiếu vốn để cung cấp margin cho nhà đầu tư, phí thu được không bù đắp lại làm giảm lợi thế cạnh tranh so với các công ty chứng khoán khác.
Danh mục ủy thác đầu tư của CLS hiện còn lại một số cổ phiếu niêm yết gồm MBB, TIX, SSI, REE, GMD… và các cổ phiếu OTC khác với tổng giá trị khoảng 27 tỷ đồng. Công ty sẽ tranh thủ thị trường tăng giá để thanh lý danh mục để thu hồi vốn hoạt động.
Chủ tịch HĐQT: CLS không còn triển vọng phát triển
11h00: Một vài cổ đông bày tỏ sự tiếc nuối về triển vọng của CLS khi thực hiện tái cấu trúc công ty, bởi khi cắt bỏ môi giới, nhân sự và cơ sở vật chất… thì khi thị trường khởi sắc trở lại, CLS rất khó xoay sở để cạnh tranh chứ chưa nói đến phát triển.
Những cổ đông này cho rằng, họ chấp nhận lỗ thêm một vài tỷ để giữ lại được đội ngũ nhân viên đã qua đào tạo, cũng như hệ thống cơ sở vật chất như hiện tại để CLS có thể sớm vực dậy khi thị trường khởi sắc.
Ông Trần Quang Trường, Chủ tịch HĐQT giải thích, với tình trạng hiện tại, CLS thực sự không còn triển vọng phát triển trong thời gian tới như cổ đông đề cập. Ông cho biết, dù có đội ngũ nhân sự đã qua đào tạo và gắn bó lâu dài nhưng với cơ sở vật chất hiện tại công ty đã rất lạc hậu, như phần mềm cũ kỹ, cần một số tiền lớn để đổi mới, nhưng CLS không còn vốn để đầu tư. Khi thị trường tăng mạnh, hệ thống giao dịch này cũng khó giữ được khách hàng.
Ông Trường cho biết, thu hẹp hoạt động cũng chỉ là phương án nhất thời, còn phương án xa hơn công ty vẫn phải giải thể hoặc sáp nhập với một đơn vị khác nhằm thu hồi phần vốn tốt nhất cho cổ đông.
Từ 2010 đã tìm đối tác sáp nhập nhưng bị "chê"
11h15: Ông Nguyễn Việt Trung cho biết, từ năm 2010, CLS đã chủ động tìm đối tác trong và ngoài nước để thực hiện sáp nhập, tái cấu trúc nhưng đều bị “chê”. Trong khi đó, việc huy động vốn qua phát hành trái phiếu, cổ phiếu hoặc vay vốn từ ngân hàng thì bế tắc.
Ông Trung cũng tiết lộ, công ty hiện đang đàm phán với SSI và HSC (HCM) để chuyển nhượng sàn giao dịch và 3,990 tài khoản nhà đầu tư mà CLS đang quản lý.
Giảm số lượng thành viên HĐQT xuống 3 người
11h35: Kết thúc Đại hội, phần lớn cổ đông tham dự đồng tình với phương án tái cấu trúc công ty theo hướng thu gọn hoạt động (chiếm 95.7%), chỉ duy nhất 1 cổ đông chọn phương án giải thể (chiếm 4.3%).
Cũng tại Đại hội này, cổ đông đồng ý giảm số lượng HĐQT nhiệm kỳ 2012 – 2017 từ 5 người xuống còn 3 người. Theo đó, ông Trần Quang Trường, ông Nguyệt Việt Trung và ông Nguyễn Văn Liệt đã trúng cử.
Đại hội cũng bầu Ban kiểm soát mới gồm các thành viên Nguyễn Kim Cương, Trần Thu Minh và Nguyễn Thị Ngọc Diệu.
Được biết, HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2012 – 2017 đều là các cán bộ của Tanimex và Choilimex.
Viết Vinh (Vietstock)
Finfonet
|