Bộ Tài chính xem xét mua lại nợ của Công ty Bình An
Chiều 18-4, theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, tổng giám đốc Công ty mua bán nợ (Bộ Tài chính) Phạm Thanh Quang đã làm việc với Công ty Bình An để khảo sát tình hình và thống kê nợ nần.
Sau khi khảo sát, ông Quang và ông Trần Văn Trí, người được bà Diệu Hiền ủy quyền điều hành công ty, đã gặp gỡ trên 10 hộ nông dân còn nợ khoảng 220 tỉ đồng để tìm phương án trả nợ dứt điểm cho dân.
Với khoản nợ của dân mà Công ty Bình An chưa trả được, ông Quang nói nông dân không phải quá lo lắng vì ông đi Cần Thơ lần này cũng nhằm mục đích mua lại khoản nợ đó, ông sẽ xuất tiền trả cho dân và sẽ là chủ nợ mới của Công ty Bình An.
Về nguồn tài chính để trả nợ, ông Quang nói đó không phải là mối bận tâm vì Công ty mua bán nợ đang giải cứu cho hàng trăm doanh nghiệp trong cả nước với số tiền mua nợ xấu trên 5.000 tỉ đồng.
Tại buổi làm việc, ông Quang đưa ra một số phương án để Công ty Bình An và các nông dân tham khảo quyết định. Đó là thông qua việc xử lý tài sản, Công ty mua bán nợ sẽ bơm vốn để Bình An trả nợ cho dân. Kế đến công ty sẽ đàm phán để mua lại những khoản nợ mà nông dân đang vay ngân hàng, nhằm tháo gỡ khó khăn trực tiếp cho nông dân. Cuối cùng, công ty sẽ đàm phán thẳng với dân để mua lại những khoản nợ mà Công ty Bình An đang thiếu.
Ông Thái Bá Thi, đại diện các hộ nông dân, nói ông rất vui mừng vì Công ty mua bán nợ tham gia tháo gỡ khó khăn cho Công ty Bình An và nông dân. Về việc mua lại nợ của dân, ông đề nghị công ty nên mua lại hết số nợ gốc mà Công ty Bình An còn đang thiếu. Không nên mặc cả lời lỗ với dân mà nên tính với Công ty Bình An, vì thời gian qua nông dân gặp rất nhiều khó khăn khi bị ngân hàng và các chủ nợ xiết nợ.
Còn phần lãi suất phát sinh do Công ty Bình An chậm thanh toán, các nông dân sẽ bàn bạc với Công ty Bình An để thống nhất mức lãi suất, thậm chí giảm một phần lãi suất cho Công ty Bình An.
Ông Phạm Thanh Quang nói với cách mua lại các khoản nợ của dân, người dân sẽ không bị thiệt hại gì, thậm chí còn được giải quyết nợ nần sớm vì tiền công ty đã có sẵn, chỉ còn thống nhất phương án là giải ngân. Với các khoản nợ ngân hàng, ông Quang cho biết sẽ có phương án riêng.
Sau buổi làm việc, ông Quang cho biết đã ghi nhận tất cả ý kiến của dân, sẽ về báo cáo lại cho Bộ trưởng Bộ Tài chính để thống nhất phê duyệt cách giải quyết. Về phương án sau khi mua nợ, ông Quang nói còn phải bàn lại xem phương án nào thích hợp để tái cấu trúc hiệu quả.
Ông Trần Văn Trí yêu cầu các nông dân bán cá nhanh chóng đến Công ty Bình An làm bản đối chiếu công nợ sau cùng để làm cơ sở cho việc trả tiền sắp tới, kể cả các hộ dân đã nộp đơn yêu cầu Công ty Bình An phá sản. Ông Trí cho biết thêm trong vài ngày tới sẽ cho Nhà máy giá trị gia tăng, Nhà máy nước uống collagen, Viện nghiên cứu thủy sản Bình An hoạt động trở lại.
Mặc dù chưa khẳng định thời gian cụ thể nhưng ông Trí khẳng định nhà máy thủy sản sẽ hoạt động lại sớm sau khi trả hết nợ cho nông dân vào tháng 4 này. Để có 300 tấn nguyên liệu/ngày nhằm tái sản xuất, công ty phải có 200 tỉ đồng vốn lưu động.
PHƯƠNG NGUYÊN
Tuổi trẻ
|