Thứ Ba, 27/03/2012 22:55

Xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước không tăng

Kim ngạch xuất khẩu trong quí 1-2012 tăng trên 23%, nhưng phần lớn tăng trưởng này là nhờ xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi đó xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước chậm lại.

Trong hội nghị giao ban xuất khẩu ba tháng đầu năm 2012 diễn ra chiều 27-3 tại TPHCM, ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương, nói rằng xuất khẩu của Việt Nam trong ba tháng đầu năm vẫn giữ được đà tăng trưởng cao dù khủng hoảng nợ công ở châu Âu và một số nước phát triển gặp khó khăn kinh tế. Cụ thể, trong quí 1-2012 kim ngạch xuất khẩu ước đạt 24,52 tỉ đô la Mỹ, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2011.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Biên cho rằng, tăng trưởng trên chủ yếu rơi vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đặc biệt các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực như công nghệ thông tin, điện thoại di động. Riêng đối với Samsung, trong năm rồi doanh nghiệp này xuất khẩu trên 6 tỉ đô la Mỹ và năm nay trung bình mỗi tháng xuất khẩu trên 1 tỉ đô la Mỹ. Theo đó, với đà này, Samsung có thể xuất khẩu xấp xỉ 11-12 tỉ đô la trong năm nay.

Trong khi đó, đối với doanh nghiệp Việt Nam, tăng trưởng xuất khẩu từ đầu năm đến nay gần như bằng 0%. Trong ba tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 8,98 tỉ đô la Mỹ (chiếm 36% trong tổng kim ngạch xuất khẩu quí 1-2012), tương đương với kim ngạch xuất khẩu cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 15,54 tỉ đô la Mỹ, tăng 43% so với cùng kỳ.

Mặc dù xuất khẩu nhiều và liên tục xuất siêu trong tám tháng liên tiếp (kể từ tháng 8-2011), nhưng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp FDI cũng khá cao. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính từ ngày 1-1 cho đến 15-3, doanh nghiệp FDI xuất khẩu hàng hóa có tổng giá trị trên 11 đô la Mỹ, nhưng cũng nhập khẩu hơn 10,4 tỉ đô la Mỹ.

Đánh giá tình hình xuất nhập khẩu quí 1-2012, Thứ trưởng Bộ Công Thương chỉ ra một số quan ngại, như việc suy giảm lượng nhập khẩu một số nguyên vật liệu cần thiết cho sản xuất, đầu vào của hàng hóa xuất khẩu. Chẳng hạn như, kim ngạch nhập khẩu bông, sợi, vải, nguyên phụ liệu dệt may, da giày đều đang giảm về lượng.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp trong ngành thủy sản, ngành điều, gặp khó khăn và có báo cáo đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính yêu cầu giãn nợ cho doanh nghiệp xuất khẩu. Trong đó có một số doanh nghiệp nợ đến hạn hoặc nợ quá hạn xin giãn nợ để có điều kiện tái cơ cấu và thu mua nguyên liệu, ông Biên nói.

Theo ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas), hiện có hai khó khăn cho ngành điều là doanh nghiệp đang tồn nguyên liệu và nợ đã đến hạn. Do đó, nếu không được gia hạn nợ và tiếp cận vốn vay thì doanh nghiệp không thể nhập khẩu điều đang có giá thấp để trộn với nguyên liệu đang tồn để xuất khẩu. Hiện câu lạc bộ các doanh nghiệp xuất khẩu của ngành điều Việt Nam có 29 thành viên với tổng năng lực chế biến xuất khẩu chiếm trên 60%, và có 5- 6 doanh nghiệp có đầu ra, nhưng đến hạn trả nợ ngân hàng nên ngân hàng không cho vay tiếp để nhập nguyên liệu.

Ông Học cho biết thêm, hiện đang trong vụ điều (từ đầu tháng 3 và kết thúc vào cuối tháng 5) và doanh nghiệp đang cần 6.000 tỉ đồng để thu mua điều trong nước cùng 6.000 tỉ đồng để nhập khẩu nguyên liệu điều.

Ngoài việc khó tiếp cận vốn, các doanh nghiệp trong nước hiện đang gặp một số khó khăn, như khách hàng nước ngoài bị tồn kho và thiếu tiền, nên trả chậm; hay chi phí đầu vào trong nước tăng, như phí vận tải và phải chịu thêm thuế môi trường đánh lên bao ni lông dùng để đóng gói hàng hóa xuất khẩu.

T.Thu

tbktsg

Các tin tức khác

>   Quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản (27/03/2012)

>   Tàu Hoa Sen nghìn tỷ vẫn nằm phơi bãi (27/03/2012)

>   Ra mắt sàn giao dịch công nghệ TPHCM (27/03/2012)

>   Quy hoạch ngành than: Thiếu thực tế (27/03/2012)

>   Các bị cáo vụ Vinashin phạm tội đặc biệt nghiêm trọng (27/03/2012)

>   Chỉ còn cách cổ phần hóa Mobifone (27/03/2012)

>   Vinashin giả mạo giấy tờ để đem chất độc hại về nước (27/03/2012)

>   Sống chung với giá xăng mới (27/03/2012)

>   Giá nhiều mặt hàng đang nén như lò xo (27/03/2012)

>   Đề nghị giảm cước vận tải biển cho doanh nghiệp thủy sản (27/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật