Quy hoạch ngành than: Thiếu thực tế
Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030, được Bộ Công Thương công bố vào cuối tháng 2-2012, dự báo khá lạc quan về nguồn than khai thác trong nước. Nhưng đằng sau những con số hoành tráng ấy là nhiều câu hỏi chờ được trả lời.
Có khả thi và hiệu quả đến đâu?
Trước đây, một số chuyên gia đã nghiên cứu và đi đến kết luận, khả năng khai thác tới hạn của ngành than Việt Nam chỉ quanh mức 60 triệu tấn mỗi năm. Nhưng theo bản quy hoạch vừa mới được công bố, từ nay đến năm 2030 sản lượng than khai thác sẽ tăng liên tục, từ 47 triệu tấn trong năm 2012 lên 58 triệu tấn vào năm 2015 và tiếp tục đạt 65 triệu rồi 75 triệu tấn vào các năm 2020 và 2030.
Việc gia tăng sản lượng khai thác là tín hiệu tốt cho nền kinh tế, nhất là khi nhu cầu cung ứng than cho các nhà máy nhiệt điện sẽ tăng vọt, dự báo lên đến 77 triệu tấn/năm vào năm 2020. Nhưng vấn đề đặt ra là các mục tiêu sản lượng nêu ra trong bản quy hoạch này có khả thi hay không; hiệu quả kinh tế ra sao và nó có tương xứng cái giá phải trả về môi trường cũng như đất canh tác nông nghiệp?
Hiện nay những mỏ than có thể khai thác lộ thiên hầu như không còn, nên việc tăng sản lượng khai thác trong những năm tới chủ yếu trông chờ vào hoạt động khai thác hầm lò. Đây là công nghệ khai thác đặc biệt khó khăn, phức tạp và không thể cho sản lượng cao như khai thác lộ thiên. Mặt khác, khai thác hầm lò đòi hỏi phải khảo sát, thăm dò kỹ lưỡng, rồi mới xây dựng mỏ và khai thác. Đấy cả là một quy trình tốn nhiều thời gian, công sức và tiền của.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), cho biết để thực hiện mục tiêu quy hoạch đến năm 2015, trong bốn năm tới ngành than sẽ phải thực hiện 2,23 triệu mét khoan thăm dò, tương đương khối lượng ngành này làm trong 57 năm qua! Tuy công nghệ khoan giờ đây đã phát triển hơn trước, nhưng đó vẫn là một khối lượng công việc khổng lồ. Liệu ngành than có đủ sức hoàn thành trong một thời gian rất ngắn như vậy? Nếu đây là nhiệm vụ bất khả thi, thì tất cả các con số theo sau nó về sản lượng sẽ chỉ là những mục tiêu trên giấy.
Ngay cả khi ngành than có thể huy động tổng lực để hoàn tất nhiệm vụ thăm dò, thì hiệu quả kinh tế sẽ như thế nào? Ngành than có rơi vào nguy cơ chạy theo phong trào, chạy theo mục tiêu bằng mọi giá, như từng diễn ra ở một số ngành công nghiệp khác?
Theo quy hoạch, để có thêm 18 triệu tấn than vào năm 2020, cần phải đầu tư 317.736 tỉ đồng, tức khoảng 15 tỉ đô la Mỹ theo tỷ giá hiện nay. Đây là chi phí để mở thêm 47 mỏ than mới và khai thác hết công suất 61 mỏ than hiện có, cùng với xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ phụ trợ. Như vậy, để tăng thêm một tấn công suất khai thác, phải đầu tư tới 833 đô la Mỹ. Suất đầu tư như vậy là quá cao.
Hiện nay, suất đầu tư trung bình cho mỗi tấn công suất khai thác của TKV vào khoảng 200-240 đô la Mỹ. Với suất đầu tư đó, giá thành than thương phẩm (bao gồm chi phí lãi vay) là 1,245 triệu đồng/tấn. Nhưng nếu suất đầu tư cao hơn gấp 3,5-4 lần, thì giá thành than sẽ là bao nhiêu? Tiền bán than khi đó có lẽ không đủ để trang trải lãi vay đầu tư, nói chi đến thu hồi vốn.
Ô nhiễm môi trường cũng là vấn đề lớn và không khó để có lời giải đáp. Ông Nguyễn Thành Sơn dẫn ra một ví dụ về hợp đồng nhượng quyền khai thác một mỏ than lộ thiên có trữ lượng 30 triệu tấn cho Vietmindo, một đối tác nước ngoài, cách nay 20 năm. Lợi ích phía Việt Nam nhận được là 10% sản lượng than hàng năm, nhưng khi đối tác nước ngoài rút đi, họ để lại bãi thải đất đá 210 triệu mét khối ngổn ngang trên công trường hàng trăm héc ta.
Đã đến lúc phải tiết kiệm
Cũng như các quy hoạch ngành khác, quy hoạch phát triển ngành than vẫn còn nặng về việc phát triển công suất khai thác để đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong khi đó, vấn đề tiết kiệm và giảm tổn thất, vốn là hướng tiếp cận hiệu quả và ít tốn kém hơn, lại hết sức mờ nhạt.
Ngành khai thác than nói riêng và khoáng sản nói chung hiện có tỷ lệ thất thoát rất lớn. Chỉ riêng việc bên cạnh những công ty khai thác chính quy, còn có hàng chục đơn vị khai thác “tận thu” để xuất khẩu, với sản lượng tận thu lên đến hàng trăm ngàn tấn than mỗi năm. Tình trạng này cho thấy sự lãng phí lớn đến mức nào.
Hiện nay, mức tổn thất than trong khai thác hầm lò lên tới 40-60%, nghĩa là phải đào hai tấn quặng mới lấy được một tấn than thương phẩm. Thiệt hại này do công nghệ khai thác lạc hậu đến nửa thế kỷ so với ngành khai thác than của Mỹ và cũng do trình độ quản lý sản xuất.
Nếu có thể giảm được một nửa tổn thất trong khai thác và nâng hiệu suất năng lượng tại các nhà máy điện, xi măng... Việt Nam vẫn có thể có thêm 18 triệu tấn than mà không cần phải mở thêm mỏ và cũng không gây hại thêm cho môi trường.
Tấn Đức
TBKTSG
|