Thứ Tư, 28/03/2012 11:05

Xử vụ án tại Vinashin: Vinacontrol lép vế

Vinacontrol đã tỏ ra lúng túng khi tòa xét hỏi về việc phá dỡ con tàu Bạch Đằng Giang để bán sắt vụn.

* Các bị cáo vụ Vinashin phạm tội đặc biệt nghiêm trọng

Sáng 28/3, HĐXX đã tiến hành xét hỏi các bị cáo về hành vi làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong việc bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang tại Cty CNTT Nam triệu. Dù chưa đến phần tranh tụng nhưng qua việc xét hỏi đã thể hiện sự lép vế của Vinacontrol trong việc đối đáp, trả lời các câu hỏi của các luật sư về việc thẩm định.

Cáo buộc của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSNDTC) cho rằng năm 2001, Tổng công ty CNTT Việt Nam (Vinashin) mua tàu MV Rayna của Campuchia với giá 1,22 triệu USD để phá dỡ bán sắt vụn, nhưng thấy chất lượng còn tốt nên đã đề nghị và được Chính phủ đồng ý cho phép hoán cải, nâng cấp thành tàu siêu trường siêu trọng để kinh doanh vận tải chở tàu hút bùn sang Iraq, được đổi tên thành tàu Bạch Đằng Giang và giao cho Công ty Viễn Dương quản lý, khai thác.

Ngày 18/1/2005, Phạm Thanh Bình - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinashin ký Quyết định số 2099A/QĐ- CNT- HĐQL ban hành Danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu quốc tế của Chính phủ, trong đó Công ty Viễn Dương được vay 106 tỷ đồng từ nguồn vốn này để hoán đổi nguồn vốn đã sử dụng thực hiện dự án hoán cải, nâng cấp tàu Bạch Đằng Giang.

Ngày 7/3/2006, Trần Quang Vũ- Tổng giám đốc Tổng công ty CNTT Nam Triệu (Công ty Nam Triệu) ký Tờ trình số 277/QLDA đề nghị Tập đoàn Vinashin cho phép chuẩn bị đầu tư Dự án hoán cải tàu Bạch Đằng Giang thành khách sạn nổi 4 sao. Ngày 31/3/2006, Phạm Thanh Bình ký Quyết định số 473/CNT-KHĐT cho phép Công ty Viễn Dương bàn giao tàu Bạch Đằng Giang cho Công ty Nam Triệu quản lý, sử dụng và lên phương án hoán cải tàu thành khách sạn nổi 4 sao. Đến ngày 23.8.2006, Phạm Thanh Bình đã ký Quyết định số 221/CNT-TCKT phê duyệt quyết toán vốn đã được đầu tư dự án nâng cấp tàu Bạch Đằng Giang với tổng giá trị được quyết toàn là 144.738.580.649 đồng.

Ngày 20/9/2006, thực hiện Quyết định số 473/CNT – KHĐT của Tập đoàn Vinashin, Công ty Viễn Dương bàn giao tàu Bạch Đằng Giang cho Công ty Nam Triệu nhưng Công ty Nam Triệu phải nhận lại số nợ 106 tỷ đồng mà Công ty Viễn Dương đã vay của VFC (Cty Tài chính tàu thủy) để thực hiện dự án này. Sau khi tiếp nhận tàu Bạch Đằng Giang, ngày 11/9/2007 Trần Quang Vũ và Nguyễn Thị Hạnh - Kế toán trưởng của Công ty Nam Triệu đã ký phụ lục hợp đồng tín dụng số 06-D/05/03-TPQT với VFC để vay bổ sung 106 tỷ đồng (thực chất là nhận nợ thay cho Công ty Viễn Dương), ký Hợp đồng thế chấp tài sản số 297 – TCTS để thế chấp tàu Bạch Đằng Giang cho VFC đảm bảo cho khoản vay 106 tỷ đồng nêu trên. Do dự án hoán cải tàu Bạch Đằng Giang thành khách sạn nổi 4 sao chi phí quá cao nên Công ty Nam Triệu không thực hiện nữa, mặt khác do khó khăn về vốn trong hoạt động của Công ty và phát sinh chi phí trong quản lý, bảo vệ tàu Bạch Đằng Giang nên ngày 14/6/2008 Trần Quang Vũ ký Tờ trình số 1245/TT-KHTT gửi Tập đoàn Vinashin xin phép bán tàu Bạch Đằng Giang để có thêm vốn phục vụ cho hoạt động của Công ty.

Ngày 26/6/2008, ông Nguyễn Quốc Ánh - Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh ký Công văn số 1352/CNT- KDĐN, với nội dung: Đồng ý về chủ trương để Tổng công ty CNTT Nam Triệu tiến hành giao dịch bán tàu Bạch Đằng Giang, tuy nhiên để đảm bảo việc mua bán tàu theo quy định, Tổng công ty Nam Triệu phải lập phương án giá bán tàu, phương thức tổ chức bán tàu thực hiện theo quy định hiện hành. Công ty Nam Triệu đã thực hiện bán đấu giá tàu Bạch Đằng Giang với giá khởi điểm là 149.468.000.000 đồng nhưng không bán được vì giá trả cao nhất 75.000.000.000. đồng.

Sau khi bán đấu giá không thành công, Trần Quang Vũ đã chỉ đạo phá dỡ tàu và bán thanh lý vỏ tàu trước để thu hồi vốn. Ngày 21/7/2008, Công ty Nam Triệu có Tờ trình số 1540/KHTT gửi Tập đoàn Vinashin xin phê duyệt phương án bán thanh lý vỏ tàu Bạch Đằng Giang. Khi Tập đoàn Vinashin chưa có ý kiến về việc bán vỏ tàu thì ngày 28/7/2008 Trần Quang Vũ đã chỉ đạo Ban định giá tài sản của Công ty Nam Triệu tiến hành định giá vỏ tàu Bạch Đằng Giang trị giá 66.190.000.000 đồng.

Ngày 29/7/2008, Trần Quang Vũ đã ký giấy ủy quyền số 1600/UQ ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Ngọc – Phó Tổng giám đốc tiến hành ký Hợp đồng bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang cho Công ty TNHH sản xuất thương mại Hoàng Thành (Công ty Hoàng Thành). Thực hiện ủy quền của Trần Quang Vũ, ngày 29/7/2008, ông Nguyễn Văn Ngọc đã ký hợp đồng kinh tế số 319/HĐKT/NT-HT bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang cho Công ty Hoàng Thành với giá là 66.190.000.000 đồng (số thiết bị của tàu còn lại được Ban định giá tài sản của Công ty Nam Triệu tự định giá 109.000.000.000 đồng). Việc tự định giá và quyết định thanh lý, nhượng bán tài sản nêu trên của Công ty Nam Triệu là không đúng thẩm quyền vì tàu Bạch Đằng Giang vẫn thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn Vinashin, Công ty Nam Triệu chỉ được giao quản lý, sử dụng.

Cơ quan công tố cho rằng hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế nêu trên của bị can Trần Quang Vũ đã gây thiệt hại, theo kết quả giám định: 1.473.422USD, tương đương 27.323.137.568 đồng (Hai bảy tỷ, ba trăm hai ba triệu, một trăm ba bảy nghìn, năm trăm sáu tám đồng), là khoản tiền lãi vay phải trả từ khi bán vỏ tàu ngày 29/7/2008 đến ngày 31/7/2010 không có nguồn trả. Toàn bộ những quy kết về thiệt hại này đều dựa trên sự tính toán của Vinacontrol.

Khi được xét hỏi, đại diện cho Cty Nam Triệu đã khẳng định quy kết đó là không chính xác bởi lẽ Cty Nam Triệu đã được giao tàu và là chủ sở hữu con tàu nên hoàn toàn có quyền được bán tàu. Hơn nữa việc bán vỏ tàu như vậy là  hoàn toàn lợi hơn việc bán cả tàu bởi lẽ bán cả tàu chỉ được 75 tỷ, trong khi đó bán vỏ tàu đã được 66 tỷ, bán thiết bị khác được 9,3 tỷ đã cao hơn rất nhiều bán vỏ tàu. Đó là chưa kể đến  còn rất nhiều thiết bị có giá trị khác trị giá hàng chục tỷ đồng của con tàu mà Cty Nam Triệu sử dụng để lắp đặt cho các con tàu khác.

Khi được hỏi: dựa trên nguyên tắc nào để tính thiệt hại của con tàu? và số tiền lãi được coi là thiệt hại ấy có phải phát sinh từ khi tháo dỡ tàu hay từ khi Nam Triệu nhận tàu? Đại diện Vinacontrol đã khá ấp úng và đưa ra những câu trả lời không thuyết phục khi cho rằng nếu trước khi phá dỡ tàu thì lỗ lãi đã được hạch toán vào chi phí doanh nghiệp./.

Hạnh Tùng Giang

 VOV online

Các tin tức khác

>   Nhà máy xi măng Áng Sơn: Làm thì lỗ, không làm cũng lỗ! (28/03/2012)

>   Đồ gỗ, mỹ nghệ... thoi thóp (28/03/2012)

>   Wellcome chuyển giao kinh doanh cho Citimart (28/03/2012)

>   Cá tra xuất khẩu sang Mỹ tăng đột biến (28/03/2012)

>   Ngành cà phê điêu đứng, doanh nghiệp nợ chồng chất (28/03/2012)

>   Xuất khẩu gặp khó vì lãi suất (28/03/2012)

>   Khi doanh nghiệp thủy sản “đứt” vốn (27/03/2012)

>   Xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước không tăng (27/03/2012)

>   Quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản (27/03/2012)

>   Tàu Hoa Sen nghìn tỷ vẫn nằm phơi bãi (27/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật