VIS - Nóng chuyện sáp nhập
Khó khăn của lĩnh vực bất động sản đã đẩy CTCP Thép Việt Ý (VIS) rơi vào tình trạng tăng trưởng âm trong 2 năm gần đây. Một vấn đề nóng khác mà cổ đông hết sức quan tâm trong mùa ĐHCĐ năm nay là câu chuyện sáp nhập CTCP Cán Thép Sông Đà (SDS) vào VIS.
Tăng trưởng âm
VIS được thành lập năm 2002 từ Nhà máy thép Việt Ý thuộc Tổng công ty Sông Đà, với dây chuyền công nghệ hiện đại được nhập khẩu đồng bộ 100% và được chuyển giao công nghệ từ Tập đoàn Danieli của Italia có công suất 250.000 tấn/năm. VIS là doanh nghiệp có quy mô, năng lực và hiệu quả kinh doanh cao trong ngành.
Sản phẩm thép của VIS có sức cạnh tranh cao trên thị trường như các sản phẩm thép D40, thép cán CIII… Đặc biệt, sản phẩm của VIS có đầu ra ổn định với sự bảo trợ của Tổng công ty Sông Đà. VIS hiện chiếm khoảng 10% thị phần thép xây dựng miền Bắc và 5,3% thị phần cả nước, đứng thứ 7 trong ngành.
Thế nhưng, trong khoảng 2 năm gần đây, ngành thép chịu nhiều ảnh hưởng từ các chính sách thắt chặt tiền tệ, thị trường bất động sản và xây dựng ảm đạm. Điều này khiến hiệu quả hoạt động của VIS liên tục đi xuống. Cụ thể, dù duy trì mức tăng trưởng doanh thu khá cao và ổn định hơn 28% trong giai đoạn 2007-2009, lợi nhuận của VIS lại tăng trưởng âm trong năm 2010 và 2011.
Theo báo cáo tài chính năm 2011 mới được VIS công bố, một số chỉ tiêu vượt kế hoạch như giá trị sản xuất công nghiệp và doanh thu vượt 36%, nhưng lợi nhuận gộp chỉ tăng 11% và lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 37% so với kế hoạch.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do giá thép trên thị trường diễn biến phức tạp, tăng giảm liên tục khiến giá vốn hàng bán chiếm tới 92-93% doanh thu năm 2010 và 2011, trong khi năm 2009 là 84,4%. Ngoài ra, chi phí tài chính và chi phí lãi vay tăng cao cũng là nguyên nhân đẩy VIS rơi vào tình trạng xuống dốc như hiện tại.
Hiện tượng này phần nào được thể hiện qua các chỉ tiêu kế hoạch của năm 2012. Theo kế hoạch đề ra, tất cả chỉ tiêu kế hoạch quan trọng của VIS trong năm 2012 đều sụt giảm đáng kể so với năm 2011 như: tổng giá trị sản xuất công nghiệp giảm 11,4%, doanh thu giảm 11,2%, lợi nhuận giảm 27,5%, tổng sản lượng sản xuất và tiêu thụ giảm 11,3%. Thậm chí, VIS còn tạm hoãn việc nâng công suất nhà máy sản xuất phôi thép lên 450.000 tấn/năm.
Lộ diện nhiều yếu kém
Khả năng sinh lời của VIS cũng giảm mạnh trong 2 năm gần đây, được thể hiện khá rõ qua các chỉ số ROE, ROA và EPS qua các năm. Ngoài yếu tố đến từ việc giá vốn tăng cao trước những ảnh hưởng từ vĩ mô, còn có nguyên nhân đến từ động thái tăng vốn trong năm 2010 để đầu tư vào các dự án nâng cao công suất nhà máy, đặc biệt việc tham gia góp vốn vào SDS (VIS nắm giữ 43% vốn điều lệ).
Theo báo cáo tài chính 2011, VIS phải trích lập dự phòng 110,38 tỷ đồng đầu tư dài hạn vào SDS do doanh nghiệp này lỗ 275,89 tỷ đồng trong năm vừa qua. Việc SDS thua lỗ nặng khiến kế hoạch sáp nhập SDS vào VIS dự báo sẽ đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ các cổ đông và NĐT trong ĐHCĐ năm 2012 được tổ chức vào ngày 29-3 sắp tới.
Theo kế hoạch, CP SDS sẽ sáp nhập vào CP VIS trong năm 2012 theo tỷ lệ 1,31:1. Sau khi sáp nhập, CTCP Cán thép Sông Đà sẽ đổi thành chi nhánh của CTCP Thép Việt Ý.
Ngoài sự thất bại trong việc đầu tư vào SDS, trong quá trình hoạt động của mình, VIS cũng lộ diện nhiều yếu kém. Theo thống kê của CTCK ABBank, các chỉ số tài chính của VIS đều kém hơn so với các doanh nghiệp trong ngành khi chỉ số P/E cao gấp 2,5 lần, trong khi khả năng sinh lời ROE, ROA lại thấp hơn trung bình ngành trên 3 lần.
Xét về khả năng sinh lời và hiệu quả sử dụng nguồn vốn, VIS cũng thua kém các doanh nghiệp cùng ngành. Doanh thu của VIS hầu hết đến từ việc cung cấp sản phẩm cho các dự án trong khi các công trình dân dụng chỉ đem lại hơn 10% doanh thu. Thị trường tiêu thụ trải dài trên cả nước nhưng doanh thu chính vẫn đến từ khu vực miền Bắc.
Hải Hồ
Sài gòn đầu tư tài chính
|