Những chủ đề nóng mùa đại hội ngân hàng
ĐHCĐ của các ngân hàng năm nay chậm hơn năm ngoái, nhưng lại thu hút sự quan tâm lớn bởi nhiều vấn đề nóng.
Lịch trình tổ chức ĐHCĐ của các ngân hàng năm nay chậm hơn năm ngoái, nhưng lại thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư cũng như dư luận bởi nhiều vấn đề nóng được đưa vào văn kiện trình đại hội như: hợp nhất, sáp nhập, liệu có bị thâu tóm..., khi mà chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng năm nay được NHNN phân chia theo năng lực quản trị và quy mô của từng nhà băng.
Kế hoạch phát triển của DongA Bank đang được chờ đợi thông qua tại ĐHCĐ |
Đến thời điểm này, chỉ mới có VCB, ACB, DongABank thông báo ngày tổ chức ĐHCĐ (riêng MaritimeBank là ngân hàng tổ chức ĐHCĐ sớm nhất vào cuối tháng 2/2012). ĐHCĐ ACB, DongABank diễn ra cùng ngày 30/3, VCB sẽ tổ chức đại hội vào ngày 2/4. Đối với khối NHTM cổ phần quy mô vừa và nhỏ, hiện chỉ mới có NamABank thông báo ngày tổ chức ĐHCĐ vào 31/3 tới. Các nhà băng còn lại trong khối này chỉ cho biết, dự kiến sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên 2012 trong quý II. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là ngày tổ chức ĐHCĐ đã đến gần nhưng các tài liệu liên quan đến ĐHCĐ của nhà băng nhỏ ít được công khai trên website của các ngân hàng. Các đơn vị, điển hình như NamABank cho biết, sẽ gửi tài liệu đến cổ đông theo danh sách đã chốt.
Còn với Sacombank (STB), đến thời điểm này, vẫn chưa đưa ra ngày chốt danh sách ĐHCĐ và chỉ dự kiến ĐHCĐ sẽ diễn ra vào quý II/2012. Trong khi đó, các ĐHCĐ những năm trước của ngân hàng này thường diễn ra vào tháng 3 hoặc đầu tháng 4. Chính điều này càng làm cho giới đầu tư và dư luận quan tâm hơn đến ĐHCĐ Sacombank, khi mà những thông tin liên quan đến việc thâu tóm giữa Eximbank - Sacombank chưa có hồi kết. Đặc biệt là khi Eximbank đã lên tiếng về việc sẽ giành được quyền kiểm soát tỷ lệ cổ phần chi phối và đề nghị bầu lại HĐQT Sacombank.
Làn sóng hợp nhất, sáp nhập trên thị trường tài chính dự báo sẽ diễn ra sôi động hơn trong thời gian tới. Đồng thời, hiện tượng thâu tóm giữa các ngân hàng cũng dần nhen nhóm. Ngoài vụ, nổi cộm nhất giữa Eximbank (EIB) - Sacombank thì mới đây, trên thị trường tài chính còn xuất hiện thông tin SHB mua lại toàn bộ Habubank (HBB). Thế nhưng, lãnh đạo của 2 nhà băng này đã lên tiếng phủ nhận.
Còn với DongABank, trong kế hoạch xây dựng cho năm 2012, ngoài chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 1.500 tỷ đồng (tăng 20% so với năm 2011); tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỷ đồng…, Ngân hàng còn đưa vấn đề chủ động tìm kiếm đối tác để hợp nhất, sáp nhập vào DongA Bank để xin ý kiến cổ đông.
Theo ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongABank, nếu được ĐHCĐ thông qua, Ngân hàng sẽ tính đến chuyện hợp nhất. Đồng thời, với việc tìm kiếm cổ đông chiến lược cho DongABank, ông Bình cho biết, hiện Ngân hàng đã tìm được nhà tư vấn để thực hiện việc này. Tuy nhiên, do thị trường còn có những khó khăn, nên DongABank đã hoãn phát hành 900 tỷ đồng vốn điều lệ cho cổ đông chiến lược trong năm qua và đang xem xét lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. “Hiện đã có một số nhà đầu tư nước ngoài muốn tìm hiểu để trở thành đối tác chiến lược với DongABank, nhưng với chúng tôi cần có sự chọn lựa kỹ càng trước khi quyết định”, ông Bình nói. Trên thực tế, kế hoạch chọn cổ đông chiến lược nước ngoài cũng như niêm yết cổ phiếu của DongABank đã trì hoãn tương đối lâu.
Ngoài những vấn đề về sáp nhập, hợp nhất, thâu tóm… thì việc phân chia chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo năng lực quản trị và quy mô từng ngân hàng trong năm nay cũng là vấn đề khiến các nhà đầu tư quan tâm. Bởi đây là yếu tố chính đánh giá kết quả lợi nhuận thu về cũng như tỷ lệ cổ tức mà các cổ đông sẽ nhận được trong năm. Trong khi đó, với các ngân hàng nhỏ yếu kém thuộc nhóm 3 - 4, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay khá thấp, chỉ 8% với ngân hàng thuộc nhóm 3 và 0% với nhà băng nhóm 4. Tín dụng không được tăng trưởng trong năm 2012 cũng có nghĩa là lợi nhuận thu về trong hoạt động của các nhà băng này sẽ thu hẹp và cổ tức chia cho cổ đông chắc chắn thấp hơn lãi tiết kiệm.
Chủ tịch HĐQT của một ngân hàng nhỏ tại TPHCM chia sẻ, năm trước với chỉ tiêu tín dụng nhận được ở mức 20%, lợi nhuận trước thuế thu về vẫn không đạt chỉ tiêu HĐQT đề ra ở mức 500 tỷ đồng và tỷ lệ cổ tức chia cho cổ đông vẫn dưới 10%. Trong khi đó, chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ nhận được năm nay chỉ ở mức 8% thì chắc chắn sẽ khó đạt mục tiêu lợi nhuận, dù kế hoạch xây dựng không cao hơn năm trước, nên tỷ lệ cổ tức dự kiến trả cho cổ đông khó có thể đạt mức kỳ vọng.
Với diễn biến kinh tế vĩ mô còn nhiều thách thức, hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp dự báo sẽ khó khăn hơn năm 2011 và khả năng trả nợ của khách hàng có thể tiếp tục suy giảm. Do đó, hoạt động tín dụng của các ngân hàng sẽ khó có điều kiện để tăng trưởng. Bên cạnh đó, mức tăng trưởng tín dụng đã được ấn định trần cho từng ngân hàng. Vì thế, không chỉ ngân hàng nhỏ mà ngay cả nhà băng lớn cũng khá thận trọng trong kế hoạch chi trả cổ tức. Đơn cử như Vietcombank (VCB), năm 2012, ngân hàng này trình ĐHCĐ chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 6.590 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước, nhưng tỷ lệ cổ tức cũng chỉ bằng năm 2011 ở mức 12%.
Thùy Vinh
đầu tư chứng khoán
|