Thứ Hai, 26/03/2012 09:28

Uẩn khúc lớn ở SHN

Việc Công ty cổ phần Đầu tư tổng hợp Hà Nội (Hanic - mã chứng khoán SHN) thông báo sắp phá sản khiến cho hơn 6.000 cổ đông đứng trước nguy cơ mất trắng vốn góp. Song xung quanh câu chuyện này vẫn còn nhiều điểm đáng ngờ.

Cổ đông trước nguy cơ trắng tay

Trong công văn mới nhất gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, ông Đinh Hồng Long, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc SHN thừa nhận, Công ty đang trong tình trạng sắp phá sản. Trong năm 2011, SHN đã mất vốn chủ sở hữu, từ 363,2 tỷ đồng giảm xuống còn 276,7 tỷ đồng; lỗ gần 70 tỷ đồng và dự kiến  còn tiếp tục lỗ, vì không còn vốn, trong khi vẫn nợ thuế, nợ lương nhân viên, nợ phí bảo hiểm...

Trước đó, khi thông tin SHN sắp phá sản lan ra, không chỉ cổ đông, mà nhiều nhà đầu tư đều ngỡ ngàng, bởi nếu SHN phá sản, hơn 6.000 cổ đông sẽ mất trắng vốn đầu tư.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2011, tính đến ngày 31/12/2011, SHN còn 254,48 tỷ đồng vay và nợ ngắn hạn; 10,9 tỷ đồng nợ thuế và các khoản phải nộp Nhà nước; 56,99 tỷ đồng khoản phải trả, phải nộp khác. Chỉ riêng trong trường hợp bị siết nợ, SHN gần như không có nguồn để trả. Đến cuối năm 2011, tiền và các khoản có thể chuyển thành tiền của SHN chỉ còn là 1,1 tỷ đồng. Nếu SHN tìm cách bán hết tài sản cũng như thu hồi những khoản phải thu, tạm ứng và đầu tư ngắn hạn khác (trừ khoản tiền liên quan đến Công ty Beta và Tổng giám đốc Beta), con số ước chỉ 100 tỷ đồng, chưa đủ để trả nợ vay.

Trên thực tế, SHN vẫn còn 281,9 tỷ đồng từ những khoản đầu tư tài chính dài hạn, song tính thanh khoản và khả thi của các tài sản - cơ sở để SHN triển khai thanh lý vẫn cần phải xem xét lại.

1001 câu hỏi “vì sao”?

Tuy nhiên, nghi ngại nhất vẫn là con số 238 tỷ đồng mà SHN đã cho Beta vay trong năm 2011. SHN lấy tiền nào cho Beta vay, khi theo thông tin công bố (tháng 3/2011), 266,8 tỷ đồng vốn tăng thêm năm 2010 (249,3 tỷ đồng từ phát hành thêm cổ phiếu và 33,1 tỷ đồng lợi nhuận để lại) đã được giải ngân gần hết (xem bảng).

Chỉ có thể lý giải, SHN đã “nói một đằng, làm một nẻo”, dùng vốn sai mục đích. Thông tin trong báo cáo tài chính quý IV/2011 đã xác nhận sự thật này.

Song SHN dám “qua mặt” cổ đông, vi phạm nhiều quy định, như về công bố thông tin, dám đem hết số tiền huy động được đặt cược vào Beta là vì lý do gì?

Theo công văn cầu cứu của SHN, do muốn trở thành nhà phân phối độc quyền ở Dự án Thanh Hà - Cienco 5, nên Công ty quyết định hợp tác với Beta và sẵn sàng cho Beta vay 379,4 tỷ đồng (song mới cho vay 238 tỷ đồng thì đứng trước nguy cơ... đổ bể).

Nhìn lại hoạt động đầu tư - kinh doanh của SHN, có thể hiểu phần nào vì sao SHN lại muốn hợp tác với Beta.

Ngay dự án “đáng giá” nhất của SHN là CT1 The Pride mà SHN mua lại từ Công ty Hải Phát cũng là hàng cao cấp, khó bán. Phải chăng khi nghe có cơ hội mới “ngon ăn” hơn, lãnh đạo SHN đã “lóa mắt”, để rồi trở nên “ngây thơ đến khó tin”?

Công ty Beta vốn không phải là chủ đầu tư ở Dự án Thanh Hà - Cienco 5, song  chẳng hiểu sao SHN lại “tin lấy tin để”, bỏ qua những quy trình thẩm định cần thiết khi muốn hợp tác, đầu tư. Lúc Beta cam kết sẽ giao SHN phân phối độc quyền toàn bộ nhà liền kề, biệt thự ở Dự án Thanh Hà A-Cienco 5, thì lãnh đạo SHN đã “ngây ngất” với thắng lợi trong tầm tay.

Chỉ đến khi SHN phát hiện ra rằng, không có một hợp tác nào được ký giữa Beta với Cienco 5 thì mọi sự đã quá muộn. Beta không còn hoạt động ở trụ sở đăng ký nữa; Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Beta, người từ ngày 1/7/2011 sẽ có trách nhiệm về nợ ở SHN thì đã “cao chạy xa bay”.

Nay nếu nhìn nhận một cách lạc quan, giả sử SHN thắng kiện Beta, thì SHN vẫn khó thu được tiền, vì Beta chỉ có vốn điều lệ vẻn vẹn 20 tỷ đồng và... vô danh trên thị trường.

Xét quyền lợi của SHN trong 90% vốn ở Công ty cổ phần Bất động sản Âu Lạc (tài sản mà ông Tuấn dùng thế chấp) cũng rất mù mịt, vì người đứng tên tài sản lại không phải là ông Tuấn. Chưa kể, lai lịch Công ty Âu Lạc và hoạt động đầu tư, kinh doanh ở Dự án Khu dân cư - Thương mại - Dịch vụ Phú Mỹ (Bình Dương) cũng cần phải kiểm chứng.

Lãnh đạo SHN đã trả giá cho sự “ngờ nghệch” của mình khi đẩy Công ty lâm vào thế đường cùng. Nếu không thu được khoản tiền đổ vào Beta, SHN chắc chắn phá sản. Và cổ đông, chứ không phải lãnh đạo Công ty (đã thoái vốn gần hết) là người bị thiệt hại nặng nề nhất.

Ngọc Thủy

đầu tư

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp không dám hứa, đại gia không dám "nổ" (26/03/2012)

>   Duy trì tổ công tác nắm tình hình nợ phát sinh của Bianfishco (26/03/2012)

>   Bất ngờ tại đại hội cổ đông (25/03/2012)

>   DRC: Chia cổ tức và thưởng cổ phiếu 50% (25/03/2012)

>   DXG: “Nóng” dự án Khu đô thị Gold Hill tại tỉnh Đồng Nai (25/03/2012)

>   HHC: Khu đất 25 Trương Định đã tìm được đối tác khai thác (24/03/2012)

>   Chứng khoán Nhật Bản lãi ròng 1.2 tỷ đồng năm 2011 (24/03/2012)

>   HDG sẽ phát hành tối đa 300 tỷ đồng trái phiếu và 10 triệu cp (24/03/2012)

>   Chứng khoán Thành Công có lãi sau 3 năm lỗ liên tiếp (24/03/2012)

>   HMC: Vẫn đang tìm đối tác cho dự án tại Phú Thuận và Long Thới (24/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật