Thứ Bảy, 31/03/2012 08:00

Vì sao các diễn đàn chứng khoán “khô khan”?

Một quy luật đã được khởi tác: khi đồng tiền đi vào bằng cửa chính thì văn nghệ phải ra ngoài bằng cửa sổ. Người ta sẵn lòng thay thế nỗi đau quá khứ bằng nỗi bĩ cực hiện sinh và vô số mất mát có thể xảy đến trong tương lai không xa.

Làm thế nào để biết chứng khoán “lên” hay “xuống”? Các nhà đầu tư chắc chắn sẽ cười khẩy bởi câu hỏi này của tác giả, vì câu trả lời là vô cùng đơn giản: chỉ cần nhìn vào hai chỉ số VNI và HNX chứ còn vào đâu nữa.

Nhưng lại có một đặc thù khác, có lẽ chỉ tồn tại ở thị trường Việt Nam mà mới chỉ xuất hiện từ khoảng cuối năm 2010 đến nay. Đó chính là đặc thù… văn nghệ.

Các nhà đầu tư lại có dịp cười nhạo: tác giả thật hồ đồ, văn nghệ thì có liên quan gì đến chứng khoán chứ! Cái đặc thù văn nghệ mà tác giả nêu ra trong bài viết này cũng đã chưa hiện ra trong bất kỳ một giáo trình hay thuyết trình nào về phân tích kỹ thuật chứng khoán.

Chỉ có điều, một sự thật hiển nhiên đã tồn tại và được nhân cách hóa mạnh mẽ: đặc thù văn nghệ đó lại xuất phát từ chính các nhà đầu tư chứng khoán. Thật dễ dàng để nhận ra hiện tượng này từ nhiều diễn đàn, nơi các nhà đầu tư đã thi nhau bày tỏ mọi cung bậc cảm xúc hỉ nộ ái ố không biết bao nhiêu lần, trong không biết bao nhiêu cố gắng để cắt “cơn nghiện” nhưng chẳng mấy kết quả.

Việt Nam là một cái nôi văn hóa. Người Việt Nam cũng thừa hưởng tính cách lãng mạn từ cha ông, để bất chấp con sóng xô dạt phũ phàng của kinh tế thị trường, thơ văn nhạc họa vẫn tuôn chảy vào bất cứ thị trường đầu cơ nào.

Cho đến giờ, chỉ đáng trách là những diễn đàn chứng khoán đã không thể biểu hiện được hình thức tranh ảnh. Nhưng các loại hình văn nghệ khác như thơ, văn, ca khúc thì tràn đầy. Cuối năm 2010, trong bối cảnh bức tranh thị trường được khắc họa bởi nét đặc tả “xanh vỏ đỏ lòng”, trên các diễn đàn chứng khoán cũng bắt đầu hiện lên nhiều hơn hẳn chất liệu văn nghệ. Thay cho mảng bình luận và phân tích khô khan về thị trường, nhà đầu tư chứng khoán chuyển sang nghề sáng tác.

Tất nhiên là một kiểu sáng tác bất đắc dĩ. Bỗng dưng nhà đầu tư chứng khoán lại biến thành nhà thơ, nhạc sĩ, kể cả triết gia. Những bài thơ có vần hay chẳng cần vần tự nào hết, những ca từ được trích dẫn nguyên văn hoặc phóng tác, biến thái nội dung, vô số triết lý theo kiểu Warren Buffett hay Sir John Templeton được cảm hứng theo thời cuộc thị trường mà tung lên diễn đàn. Và cũng cần ghi nhận một điểm xuyết thực chất là trong số nhiều trích dẫn, đã có một ít sáng tác thực thụ có giá trị mà đến cả những nhà văn xuất sắc nhất của Hội Nhà văn Việt Nam cũng phải ganh tị.

Cảm hứng ấy từ đâu đến? Phải chăng được khơi nguồn từ cảm xúc thăng hoa của thị trường? Thật đáng tiếc, chứng khoán và văn nghệ dường như là hai yếu tố tỷ lệ nghịch với nhau. Bởi hầu hết những “sáng tác” có giá trị nghệ thuật đầy đặn nhất trên các diễn đàn chứng khoán lại thuộc về “thời kỳ đồ đá” của thị trường.

Chính xác là như vậy. 2011 là năm đặc trưng cho nghệ thuật lao dốc thị trường, một năm mà kỹ thuật “xanh vỏ đỏ lòng” được thể hiện đến mức tối đa trên bức tranh viền đen. Nhưng nếu nghệ thuật đánh xuống tỏ ra hào hứng như thế nào thì từ cái nghệ thuật đối ngẫu của nó lại rơi vào trạng thái thê lương đến mức khó tả. Những người làm văn nghệ miễn cưỡng đã chỉ ngửi thấy thứ mùi của chuột chết.

Mối quan hệ nghịch lý giữa hai nền nghệ thuật như thế còn kéo dài cho đến những ngày sát tết âm lịch 2012. Cho đến thời điểm đó, thị trường đã nhúc nhắc đi lên được 7-8%, nếu tính theo HNX - chỉ số phản ánh độ thực chất của thị trường hơn hẳn so với VNI. Nhưng diễn biến phục hồi nhẹ nhàng như vậy vẫn hầu như không mang lại cảm xúc nào khác ngoài tình cảm hoài nghi - một đặc tính của nhà đầu tư. Đặc tính ấy lại tiếp tục được diễn tả bằng một nền văn nghệ bi quan.

Nhưng bất chợt, như một thời khắc bản lề của cách mạng, sau tiếng cồng khai trương năm mới của Bộ trưởng tài chính Vương Đình Huệ cùng đà tăng tiến bất thần của thị trường sau tết âm lịch, tố chất lãng mạn của người dân Việt cũng… biến mất.

Đã biến mất hoặc hầu như biến mất. Mọi con mắt, mọi tấm lòng đều chăm chắm bon chen với dòng sóng lên xuống của giá cả cổ phiếu, thay cho sắc thái văn nghệ cộng sinh trước đây.

Chính là lúc thị trường “lên”. Một quy luật đã được khởi tác: khi đồng tiền đi vào bằng cửa chính thì văn nghệ phải ra ngoài bằng cửa sổ. Nhưng bất chấp nghệ thuật có bị hắt hủi dù đã có thời được xem là nơi nương tựa tâm hồn trơ khung, các nhà đầu tư vẫn không vì thế mà hối tiếc. Người ta sẵn lòng thay thế nỗi đau quá khứ bằng nỗi bĩ cực hiện sinh và vô số mất mát có thể xảy đến trong tương lai không xa.

Thật đáng buồn. Giờ đây, người đời không còn được hưởng thụ những giá trị tinh túy của một nền văn nghệ đã từng tồn tại mầm xanh tươi tắn đến thế nào trong thời thị trường đỏ lửa. Giờ đây, khi thị trường đã bước vào con sóng phục hồi thật sự, nghệ thuật cũng vì thế mà bị lãng quên hoàn toàn. Tiếng kêu than và giọt nước mắt - những nhân tố một thời đã làm nên nghệ thuật - cũng đang bị nhà đầu tư lánh xa như tránh hủi.

Cũng bởi thế, vẻ “khô khan” của các diễn đàn chứng khoán đang được dần thay thế bằng cái chất ngọt lịm đầy quyến rũ của lợi nhuận.

Việt Thắng (Vietstock)

Finfonet

Các tin tức khác

>   BVS vào diện kiểm soát kể từ ngày 03/04 (30/03/2012)

>   Thêm  BSI và DTT vào diện cảnh báo (30/03/2012)

>   SVC giải tỏa hạn chế chuyển nhượng 1 triệu cổ phiếu VOF sở hữu (30/03/2012)

>   Cổ phiếu vật liệu xây dựng trước tiềm năng tăng giá (30/03/2012)

>   Engulfing Bear có đáng ngại? (30/03/2012)

>   Quỹ ngoại: Chờ tín hiệu chắc chắn để đổ vốn (30/03/2012)

>   SHN: Vì sao cổ phiếu giảm sàn liên tục? (30/03/2012)

>   Giá tham chiếu trên HNX: Vì sao lại là 15 phút cuối? (30/03/2012)

>   'Thuốc bổ' không cứu nổi đại gia chứng khoán (30/03/2012)

>   30/03: Bản tin đầu tuần (30/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật