Trên Thái, dưới Ấn, gạo Việt về đâu?
Bán gạo giá cao thì không lại với Thái Lan, đua giá thấp vấp phải Ấn Độ, gạo Việt Nam sẽ về đâu?
Đối thủ nặng ký
Hai tháng đầu năm 2012, sản lượng gạo xuất khẩu (XK) của Việt Nam ước đạt 756.000 tấn, kim ngạch 437 triệu USD, giảm 26,6% về lượng và 16,1% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài các hợp đồng tập trung đã được ký kết từ cuối năm 2011, số lượng hợp đồng thương mại ký thêm chưa được là bao. Indonesia vẫn là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của nước ta khi chiếm hơn 50% tổng giá trị gạo XK.
Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho hay, số lượng hợp đồng XK gạo giảm là do nhu cầu thị trường yếu, cộng với sự cạnh tranh quyết liệt từ Ấn Độ, Pakistan, Myanmar.
Khó khăn về thị trường XK gạo đang khiến hàng triệu nông dân trồng lúa mất ăn, mất ngủ. Thế nhưng, doanh nghiệp (DN) lương thực vẫn chưa có giải pháp nào hữu hiệu hơn biện pháp tạm trữ. Trong khi đó, việc xúc tiến tìm kiếm thị trường, hợp đồng thương mại bây giờ mới được tính đến.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, ông Diệp Kỉnh Tần lo lắng: "Chính phủ đã giao VFA điều hành, tổ chức hoạt động thu mua, XK gạo; hết năm 2011, Việt Nam cũng đã mở cửa hoàn toàn thị trường gạo. Thế nhưng, Hiệp hội mới chỉ ký được các hợp đồng tập trung của Chính phủ, các hợp đồng thương mại còn quá ít. Tới đây, khi DN tư nhân, DN nước ngoài nhảy vào thị trường và các hợp đồng Nhà nước chuyển sang hợp đồng tư nhân thì các tổng công ty lương thực sẽ gặp nhiều khó khăn".
Được biết, trong lúc các DN của Thái Lan, nước XK gạo hàng đầu thế giới, vẫn đi khắp nơi để xúc tiến thương mại thì DN nước ta vẫn chủ yếu trông chờ vào các thị trường truyền thống, theo hợp đồng tập trung của Chính phủ sang Indonesia, Philippines… Rủi ro của việc phụ thuộc vào số ít thị trường tập trung này rất lớn, bởi khi chính sách nhập khẩu gạo của các nước này thay đổi, thì DN Việt Nam sẽ rơi vào thế bị động.
Cả nước hiện có trên 230 nhà XK gạo nhưng chỉ có vài "nhà" xuất được mức vài triệu tấn/năm, còn lại chỉ đủ sức xuất vài trăm ngàn tấn. Những nhà XK lẻ tẻ này không có ruộng lúa, không có nhà máy xay xát, kho dự trữ, chỉ mua gom gạo của thương lái chỗ này một ít, chỗ kia một ít. Vì vậy, việc liên kết "4 nhà" là tất yếu. Bản thân nhà nông cũng phải biết gắn kết với nhau trên phạm vi một vài xã để có chung vùng nguyên liệu.
Hướng đi nào cho gạo Việt?
Ấn Độ quyết tâm đạt kỷ lục XK khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm nay và bán với mức giá thấp. Trong khi đó, trang tin Bloomberg (Hoa Kỳ) cho hay, Myanmar đang ưu tiên đẩy mạnh XK gạo. Nước này đã lập kế hoạch tăng gấp đôi lượng gạo XK lên 1,5 triệu tấn trong năm 2012, lên 2 triệu tấn vào năm 2013 và 3 triệu tấn vào năm 2015. Tương tự Myanmar, Campuchia cũng được đánh giá là nhà xuất khẩu gạo đầy tiềm năng.
Mục tiêu đang được Ấn Độ và Myanmar nhắm đến là thị trường châu Á và châu Phi. Đây cũng là thị trường chính của Thái Lan và Việt Nam. Vì thế, cuộc cạnh tranh đang trở nên gay gắt. Ở các thị trường này, đặc biệt là châu Phi, ai có lợi thế về giá thì người đó sẽ thắng.
Theo GS.TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, gạo của Ấn Độ khô, chất lượng kém, thua xa gạo Việt Nam. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn chiếm được ưu thế vì giá thấp. Tính đến nay, nước này đang có sản lượng XK cao nhất thế giới.
Theo GS. Bửu, gạo cấp thấp giá rẻ chỉ chiếm ưu thế trong một thời gian ngắn. Loại gạo cấp thấp này thường được các nước châu Âu mua để viện trợ cho các nước nghèo.
Trong khi đó, Việt Nam chủ yếu sản xuất gạo trắng, hạt dài, loại gạo đang chiếm 60% lượng tiêu thụ trên thế giới. Ưu điểm của loại gạo này là sản lượng ổn định, chất lượng tương đối và phục vụ nhiều đối tượng khách hàng. Gạo trắng, hạt dài hiện có nhiều loại giá, có loại khoảng 300-400 USD/tấn, có loại lên tới 500-600 USD/tấn. Với cung giá rộng như vậy, Việt Nam có thể dàn trải sản phẩm XK và thu hút được nhiều thị trường khác nhau. Theo GS. Bửu, nước ta nên tập trung cho phân khúc gạo này thay vì chạy theo những sản phẩm vốn là thế mạnh của các nước khác, chẳng hạn gạo thơm.
Các nhà XK gạo mới xuất hiện trên thị trường thế giới đang đẩy Việt Nam và Thái Lan vào thế bị động. Để vượt qua khó khăn, Thái Lan đang muốn hợp tác với Việt Nam về buôn bán gạo. Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Boonsong Teriyapirom dự định sẽ dẫn đầu một phái đoàn Thái Lan đến thăm Việt Nam, để bàn việc liên kết nhằm giữ giá lúa gạo ở mức cao. Điều này nhằm mục đích giảm bớt khó khăn cho cả 2 nước trong thời gian tới. Đề nghị này từng được Thái Lan đưa ra trước đây nhưng chưa đi đến thống nhất giữa hai nước.
Trần Trọng Triết
Kinh tế nông thôn
|