Thấy gì từ “thỏa thuận” giữa Bộ Giao thông Vận tải và Petro Vietnam?
Chiều 22/3, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã về trụ sở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam), nơi ông từng là Chủ tịch Hội đồng Thành viên, để ký với người kế nhiệm và từng là cấp dưới của ông, ông Phùng Đình Thực, một bản thỏa thuận hợp tác phát triển.
Nhiều câu hỏi bỏ ngỏ từ thỏa thuận hợp tác phát triển vừa được ký kết giữa Bộ Giao thông Vận tải và Petro Vietnam. |
Lại chuyện ký kết
Bản tin của Bộ Giao thông Vận tải sau đó đưa tin rằng theo thỏa thuận, Bộ sẽ “cung cấp và hướng dẫn cho Tập đoàn Dầu khí các văn bản pháp luật trong nước và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; các chiến lược, quy hoạch tổng thể về giao thông vận tải cũng như quy hoạch các chuyên ngành để Tập đoàn Dầu khí tổ chức sản xuất kinh doanh được thuận lợi, an toàn, nhanh chóng và hiệu quả”.
Đồng thời, Bộ cũng “hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho Tập đoàn Dầu khí trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng, công bố mở, quản lý, khai thác các cảng biển, cảng, bến thuỷ nội địa do Tập đoàn Dầu khí và các đơn vị thành viên làm chủ đầu tư theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, quy hoạch tổng thể phát triển ngành giao thông vận tải đường thủy nội địa Việt Nam đến năm 2020”.
Bộ cũng sẽ “hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho Tập đoàn Dầu khí và các đơn vị thành viên trong công tác giải quyết các thủ tục đăng ký, đăng kiểm, mua bán các phương tiện vận tải (đường thủy, đường bộ), thiết bị thăm dò, khai thác và vận chuyển dầu khí trên biển; kịp thời phối hợp giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện, cũng như khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông Vận tải sử dụng các dịch vụ, sản phẩm của Tập đoàn Dầu khí như các sản phẩm xăng, xăng E5, dầu, LPG, CNG, các dịch vụ tài chính, bảo hiểm”.
Phía Petro Vietnam sẽ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm về nghiên cứu, ứng dụng khoa học trong vận chuyển, tàng trữ dầu và các sản phẩm từ lọc hóa dầu; các đề xuất, giải pháp tổ chức phân phối, cung ứng các sản phẩm dầu, khí, các nguyên liệu hóa phẩm dầu khí, nhiên liệu sinh học trên thị trường vận tải, sản xuất công nghiệp ngành giao thông vận tải.
Hơn hai năm sau ngày Petro Vietnam - với ông Thăng khi đó là Chủ tịch Hội đồng Thành viên - ký một thỏa thuận hợp tác với Bộ Tư pháp, giờ đây ông lại đại diện cho Bộ Giao thông Vận tải để ký kết một văn bản tương tự.
Với thỏa thuận đã ký với Petro Vietnam vào năm 2009, trong đó có nội dung Bộ Tư pháp sẽ “hỗ trợ và tư vấn cho Petro Vietnam”, bộ này khi đó đã nhận được nhiều ý kiến phản đối vì lo ngại về sự xung đột lợi ích khi một doanh nghiệp, dù là doanh nghiệp nhà nước, lại ký hợp tác với một cơ quan trực thuộc Chính phủ có chức năng được quy định rõ là “xây dựng và thi hành pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật”.
Có ý kiến nói rằng một cơ quan cấp bộ có chức năng diễn giải luật và giám sát việc thực thi pháp luật lại đồng ý “hỗ trợ và tư vấn cho Petro Vietnam” thì không loại trừ cơ quan ấy sẽ sử dụng chức năng và vai trò của mình nhằm phục vụ các nhóm lợi ích.
Nhưng, ngay cả khi tiếp nhận nhiều ý kiến phản đối, Petro Vietnam vẫn tiếp tục ký kết tiếp nhiều thỏa thuận khác, chẳng hạn với Tổng cục Thuế và chính quyền nhiều địa phương. Và với thỏa thuận được ký ngày 22/3 với Bộ Giao thông Vận tải, có thể nói Petro Vietnam là doanh nghiệp “tích cực” nhất trong việc “thỏa thuận hợp tác” với các cơ quan Chính phủ.
Những câu hỏi bỏ ngỏ?
Thỏa thuận hợp tác phát triển giữa Bộ Giao thông Vận tải và Petro Vietnam khá dài, nhưng tóm lược lại là bộ này sẽ “cung cấp và hướng dẫn cho Tập đoàn Dầu khí các văn bản pháp luật trong nước và các điều ước quốc tế”; “hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi” cho Petro Vietnam trong việc “thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng, công bố mở, quản lý, khai thác các cảng biển, cảng, bến thuỷ nội địa do Tập đoàn Dầu khí và các đơn vị thành viên làm chủ đầu tư” cũng như “giải quyết các thủ tục đăng ký, đăng kiểm, mua bán các phương tiện vận tải (đường thủy, đường bộ), thiết bị thăm dò, khai thác và vận chuyển dầu khí”.
Nhưng sau những từ ngữ này là một câu hỏi lớn về vấn đề quản lý nhà nước. Nếu như không ký thỏa thuận hợp tác phát triển, thì Petro Vietnam vẫn được “hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi” chứ? Và nếu như “hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi” cho Petro Vietnam, thì liệu có thể hiểu là các doanh nghiệp khác vẫn sẽ có được điều đó, cho dù chưa ký thỏa thuận với Bộ Giao thông Vận tải?
Về lý thuyết, Chính phủ và các cơ quan trực thuộc có nghĩa vụ phải “hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi” cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật. Lý luận về nhà nước pháp quyền cũng như phát biểu của các lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đã nhiều lần khẳng định mục tiêu xây dựng một “nhà nước kiến tạo phát triển”, trong đó nhà nước đóng vai trò kiến tạo, thúc đẩy phát triển, mang đến cơ hội chung, công bằng và minh bạch cho mọi tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.
Điều này có nghĩa là, không cần phải ký kết gì với các bộ ngành, Petro Vietnam cũng có quyền “thụ hưởng” sự “hỗ trợ và tạo điều kiện”. Đem một nội dung đã được mặc nhiên thừa nhận ra để ký kết, việc làm của Bộ Giao thông Vận tải và Petro Vietnam chắc chắn sẽ gây ra những thắc mắc trong công luận về việc đằng sau bản thỏa thuận ấy là gì? Liệu rồi đây, các doanh nghiệp khác có hoạt động liên quan đến ngành giao thông có cần thiết phải ký kết liên tục với bộ này để ít nhất được đảm bảo sự “hỗ trợ và tạo điều kiện” như Petro Vietnam hay không?
Không những thế, vẫn theo thỏa thuận hợp tác phát triển, Bộ Giao thông Vận tải sẽ “khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông Vận tải sử dụng các dịch vụ, sản phẩm của Tập đoàn Dầu khí như các sản phẩm xăng, xăng E5, dầu, LPG, CNG, các dịch vụ tài chính, bảo hiểm”. Nội dung này rồi có lẽ cũng sẽ gây nhiều thắc mắc khác vì chưa biết bộ sẽ “khuyến khích” như thế nào, trong bối cảnh câu chuyện về “văn bản chỉ đạo” của bộ này đối với việc đánh golf của cán bộ nhân viên vẫn còn nóng hổi. Phải chăng, sẽ tiếp tục là những văn bản hành chính yêu cầu phải sử dụng các sản phẩm và dịch vụ nói trên?
Chung tay với các bộ ngành khác để cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, qua đó sự thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội nói chung là nhiệm vụ không của riêng bộ ngành nào. Để làm được điều đó, lãnh đạo các bộ ngành cần bắt tay vào việc giải quyết những khó khăn vướng mắc ngay chính trong lĩnh vực của mình.
Cuối năm ngoái, trong xếp hạng về chỉ số hiệu quả về xây dựng và thực thi pháp luật về kinh doanh của các bộ (MEI), Bộ Giao thông Vận tải đã đứng gần đội sổ trong danh sách 14 bộ được khảo sát.
Xếp hạng này chắc chắn làm cho Bộ trưởng Đinh La Thăng không vui, dù ai cũng biết rằng, xếp hạng được công bố chỉ vài tháng sau khi ông nhậm chức và các dữ liệu và đánh giá hình thành nên điểm số của Bộ Giao thông Vận tải là từ nhiều năm trước để lại. Nhưng, đầy quyết tâm, ngay trong hội nghị tổng kết ngành giao thông, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nói rằng sẽ làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để tìm ra hướng cải thiện các chỉ số thành phần đã được tổng hợp và xây dựng thành MEI.
Tinh thần cầu thị đó, lẽ ra phải được hiện thực hóa bằng nỗ lực cải thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, giảm thiểu thủ tục hành chính. Người viết cho rằng, không cần nhọc công khảo sát lại, chính xếp hạng MEI và trước đó là Nghị quyết số 45 ngày 16/11//2010 của Thủ tướng Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính lĩnh vực giao thông vận tải đã là những “đầu bài” để Bộ trưởng Thăng và các đồng sự giải quyết, hơn là việc ký kết các “thỏa thuận hợp tác phát triển”!
Nghệ Nhân
tbktvn
|