Sở hữu đất đai: “Dân không quan tâm!”
"Quan trọng là người dân khi sử dụng đất thì có được đầy đủ các quyền không". |
Các cơ quan liên quan đang gấp rút hoàn thành tổng kết việc thi hành pháp luật về đất đai và dự thảo sửa đổi Luật Đất đai 2003.
Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì trong quá trình lấy ý kiến các bộ, ngành, tổ chức, chuyên gia liên quan đến công tác sửa đổi luật. Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm nhất của lần sửa đổi sắp tới là nội dung “có hay không thừa nhận đa dạng hóa sở hữu đất đai”.
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của VnEconomy tại buổi họp báo thông báo tiến độ sửa đổi luật đất đai chiều 7/3, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Đào Trung Chính cho rằng “người dân không quan tâm tới sở hữu đất đai!”.
Ông Chính nói:
- Việc sửa đổi Luật Đất đai, trong đó có những nội dung về sở hữu, gia hạn, hạn điền... là những vấn đề hết sức lớn, đòi hỏi phải có ý kiến của Ban Chấp hành Trung ương. Trong quá trình tổng kết Nghị quyết 26, Luật Đất đai 2003, có nhiều ý kiến khác nhau về sở hữu. Có ý kiến cho rằng vẫn tiếp tục sử dụng khái niệm “sở hữu toàn dân”, nhà nước là người đại diện chủ sở hữu. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng “toàn dân” là mông lung, thay vào đó nên đa hình thức sở hữu, trong đó có tư hữu đất đai...
Hay vấn đề có chia lại đất nông nghiệp đã giao hay không, có nâng thời hạn, hạn mức giao... cũng vẫn đang có nhiều ý kiến trái chiều.
Gần như tư hữu rồi
Có ý kiến cho rằng, nhà nước đã giao cho người dân các quyền, họ đã thực hiện các quyền rồi, hoặc nhà nước đã thu hồi.... giờ chia lại như thế nào được. Vậy quan điểm của Bộ với tư cách là cơ quan tham mưu cho lần sửa đổi này như thế nào trước đề xuất chúng ta nên đa dạng hóa sở hữu đất đai?
Như tôi đã nói ở trên, sở hữu đất đai hiện rất vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau.
Tuy nhiên, dưới góc độ một nhà quản lý đất đai, tôi thấy câu chuyện về khái niệm sở hữu đất đai chỉ có các nhà nghiên cứu mới tranh luận đến vấn đề này thôi, còn người dân thực ra họ không quan tâm đất đó thuộc sở hữu toàn dân hay sở hữu nhà nước.
Cái họ quan tâm là họ có được sử dụng lâu dài hay không, và khi nhà nước thu hồi họ được bồi thường như thế nào, có thỏa đáng không mà thôi.
Bên cạnh đó, họ quan tâm là khi sử dụng đất thì họ có được chuyển nhượng, mua bán, thừa kế, thế chấp, cho tặng... hay không.
Tôi cho rằng, dù dưới hình thức nào thì giải quyết được những vấn đề đó mới là vấn đề quan trọng.
Hiện chúng ta đang chia thành mấy loại đất, trong đó quan trọng nhất là đất ở và đất nông nghiệp. Với đất ở thì nhà nước thực hiện giao lâu dài và cho phép người dân có hết các quyền đi kèm. Theo các nhà lý luận, như vậy không khác gì đã thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai.
Nhưng vấn đề ở chỗ là “danh chính ngôn thuận”, thưa ông?
Tôi lưu ý rằng, kể các các nước có sở hữu tư nhân về đất đai, nếu nhà nước cần lấy đất cho mục tiêu công ích thì người dân vẫn phải thu hồi hoặc trưng thu, trưng mua và dân vẫn phải chấp nhận. Quan trọng cái mà chúng ta đang hướng tới là khi nhà nước lấy đất của dân thì phải vận hành chính sách bồi thường cho thỏa đáng.
Nhưng trước khi quyết định có hay không sở hữu tư nhân về đất đai, cơ quan quản lý có lấy ý kiến nhân dân không thưa ông?
Riêng đối với Luật Đất đai lần nào sửa cũng phải qua hai kỳ họp Quốc hội. Kỳ họp thứ nhất là Quốc hội sẽ cho ý kiến, sau đó ban soạn thảo sẽ tiếp thu rồi trình lấy ý kiến nhân dân. Tiếp đó, trên cơ sở lấy ý kiến nhân dân, các cơ quan thực hiện tiếp tục tổng hợp, trình Quốc hội tại kỳ họp tiếp theo rồi mới thông qua.
Thời hạn giao đất không có ý nghĩa
Ngoài vấn đề sở hữu, hiện có một nội dung cũng được dư luận quan tâm đó là thời hạn giao đất nông nghiệp sắp hết (2013). Chính điều này đang gây khó dễ cho rất nhiều người dân đang sử dụng đất này khi họ không thể dùng đất đó để thế chấp vay vốn tại ngân hàng...
Điều 20 của Luật Đất đai 1993 đã quy định cụ thể đối với đất nông nghiệp “thời gian sử dụng ổn định lâu dài để trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản là 20 năm; để trồng cây lâu năm là 50 năm. Khi hết thời hạn sử dụng, nếu người sử dụng đất có nhu cầu tiếp tục sử dụng và trong quá trình sử dụng chấp hành mọi quy định về pháp luật đất đai thì nhà nước tiếp tục giao để sử dụng.
Quy định này tiếp tục được khẳng định tại khoản 1, điều 67 của Luật Đất đai 2003. Sau đó chúng ta lại có tiếp Nghị định 81, trong đó điều 34 quy định hướng xử lý tiếp theo khi hết thời hạn sử dụng đất như thế nào.
Đối với trường hợp được tiếp tục được sử dụng đất, luật hiện hành chỉ quy định đơn giản “người đó có nhu cầu, phù hợp quy hoạch, chấp hành nghiêm”. Do đó, sắp tới chúng tôi sẽ có thông tư hướng dẫn xử lý vấn đề này.
Đúng là hiện nay có tình trạng các hộ gia đình mang quyền sử dụng đất nông nghiệp đi thế chấp vay vốn ngân hàng nhưng không được vì trên giấy sử dụng đất chỉ còn 1 năm.
Cũng có một số trường hợp khi được bồi thường, giải phóng mặt bằng đã bị bên đền bù cho rằng sắp hết hạn nên giảm tiền đền bù... Đó là những thiệt thòi cho người dân.
Chính vì vậy, Bộ cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp chỉ đạo các cơ quan công chứng, chứng thực tiếp tục chứng thực cho nhân dân khi thực hiện các quyền liên quan đến diện tích đất họ đang sử dụng như thế chấp, chuyển nhượng...
Thứ hai là yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục cho người nông dân được thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng.
Tích tụ ruộng đất là tất yếu
Vậy còn hạn mức đất nông nghiệp, có ý kiến cho rằng chỉ giao vài ba ha thì khó mà có nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa được?
Đối với việc có nâng hạn mức sử dụng đất nông nghiệp lên hay không vẫn còn nhiều ý kiến, có ý kiến cho rằng nên giữ nguyên vì hiện nay chúng ta chuyển dịch lực lượng lao động ra khỏi nông nghiệp vẫn ít quá, vẫn cần phải bảo vệ người nông dân để họ có đất sản xuất.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, nếu giữ nguyên thì không thể sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp được, không có sản xuất lớn, tập trung được.
Thực tế theo tôi biết, có những hộ ở An Giang có 40 ha nhưng họ phải giấu, nếu không sẽ bị thu hồi.
Do đó, chúng tôi đang tổng hợp tất các các ý kiến trái chiều, kể cả các phân tích trong từng đề xuất để trình các cấp cao hơn.
Còn thời hạn giao đất, nhiều ý kiến đề xuất nên bỏ thời hạn hoặc phải nâng lên cao hơn?
Đối với đất nông nghiệp, hiện chúng ta quy định là chỉ giao 20 hay 50 năm nhưng vẫn có điều khoản đi kèm là tiếp tục giao nếu có nhu cầu. Như vậy về bản chất thì thời hạn ở đây cũng không có ý nghĩa gì.
Chúng ta giao 20 năm, chẳng hạn còn 1 năm nữa là hết hạn thì vẫn bồi thường như mới được giao.
Theo quan điểm của của tôi, nếu các hộ dân vẫn tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp, vẫn tiếp tục làm nông nghiệp thì thời hạn 20 năm không có giá trị gì vì khi hết hạn lại tiếp tục giao cho họ.
Còn hạn điền, hiện chúng ta có gần 70% lao động trong nông nghiệp và phấn đấu sẽ giảm xuống còn 30 -35%, tức là sẽ có một bộ phận rút khỏi nông nghiệp rất lớn.
Cùng với đó, chúng ta cũng chủ trương tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất lớn trong nông nghiệp. Nếu cứ để mỗi nhà một vài mảnh ruộng như hiện nay thì không thể có sản xuất hàng hóa nông nghiệp được.
Quan điểm của Bộ là phải nâng hạn mức lên. Nhưng có hai hạn mức, đó là hạn mức đất nông nghiệp được nhà nước giao, không thu tiền. Hạn mức này về cơ bản đã giao hết và không có gì thay đổi.
Còn hạn mức về nhận chuyển quyền sử dụng, khi người nhận có kinh nghiệm sản xuất, có vốn thì phải khuyến khích nâng hạn mức lên. Chỉ khi tích tụ nhiều quá thì đánh thuế để quản lý vấn đề này.
Từ Nguyên
tbktvn
|