Thứ Năm, 08/03/2012 07:36

Ồ ạt xin 'hóa kiếp' dự án

UBND TP HCM đã chấp thuận chủ trương cho xem xét điều chỉnh chức năng một số công trình từ văn phòng, khách sạn sang căn hộ (bán hoặc cho thuê) và ngược lại.

Nếu như ở khu trung tâm, các dự án văn phòng cho thuê, khách sạn đang dư thừa khiến các chủ đầu tư phải xin chuyển sang căn hộ để bán hoặc cho thuê, thì ở khu vực lân cận, thị trường căn hộ ế ẩm, chủ đầu tư lại xin chuyển sang làm khách sạn, thậm chí làm bệnh viện.

Rầm rộ dự án xin chuyển công năng

Chỉ riêng tại khu vực trung tâm thành phố đã có 10 dự án xin chuyển công năng. Nhiều nhất là chuyển từ văn phòng cho thuê, khách sạn sang căn hộ để bán hoặc cho thuê. Nhiều dự án căn hộ bán không được cũng đã chuyển sang căn hộ cho thuê. Hàng loạt dự án khác đã và đang tiếp tục xin “hóa kiếp”.

Lùm xùm nhất có lẽ là việc xin chuyển đổi một phần căn hộ tại dự án Bến Thành Luxury có vị trí đắc địa ngay góc đường Ký Con - Lê Thị Hồng Gấm (Q.1). Nguyên nhân khiến chủ đầu tư dự án xin chuyển công năng là do sau hơn 2 năm tung ra thị trường, Bến Thành Luxury chỉ bán được chưa đầy một nửa trong số 88 căn của toàn bộ dự án.

Lý giải về việc chuyển đổi trên, ông Nguyễn Cao Trí, Tổng giám đốc Bến Thành Land, cho biết việc chuyển đổi một phần dự án Bến Thành Luxury sang căn hộ dịch vụ nhằm thích ứng với những khó khăn của thị trường bất động sản. “Khi thị trường tốt lên hoặc nếu khách hàng quan tâm, chúng tôi vẫn có thể bán các căn hộ này”, ông Trí cho hay.

Ngược với “nguyện vọng” của các nhà đầu tư tại khu vực trung tâm, chủ đầu tư chung cư Tân Kiên 584 ở huyện Bình Chánh, vùng ngoại ô của thành phố lại xin chuyển chung cư làm bệnh viện, vì dự án gần hoàn thành mà mới bán được khoảng 50% trên tổng số khoảng 1.000 căn hộ. Tuy nhiên, quyết định này đã phá sản bởi vấp phải sự phản đối của khách hàng.

Tại huyện Nhà Bè, chủ đầu tư dự án Kenton cũng đang có kế hoạch chuyển phần đất còn lại của dự án để xây dựng khách sạn 5 sao. Bởi theo tính toán của chủ đầu tư, ở khu Nam TP.HCM hiện nay chưa có loại hình khách sạn này.

Trong khi đó, chủ đầu tư một dự án rộng 8ha ở Q.9 trước đây dự định xây dựng chung cư với gần 2.000 căn hộ, thì bây giờ quyết định xin chuyển sang làm dự án phân lô bán nền với khoảng 300 sản phẩm đất nền biệt thự, nhà phố, mặc dù lợi nhuận giảm mạnh.

Cứu “siêu đại gia”?

Mặc dù công bố có 10 dự án được phép chuyển công năng, nhưng Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM vẫn chưa tiết lộ cụ thể tên dự án, quy mô cũng như vị trí. Lãnh đạo Sở này cho hay, việc cho điều chuyển công năng từ cao ốc văn phòng, khách sạn sang căn hộ bán, cho thuê xuất phát từ kiến nghị của các chủ đầu tư. Hiện nay do thị trường văn phòng cho thuê, khách sạn ế ẩm nên doanh nghiệp xin chuyển sang căn hộ để bán hoặc cho thuê.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Đại biểu HĐND TP.HCM, cho rằng khi duyệt cho các dự án chuyển đổi công năng cần xem xét kỹ. Bởi nếu không sẽ phá vỡ quy hoạch, làm cho dân số khu vực trung tâm tăng lên, dẫn đến quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Lãnh đạo một doanh nghiệp nêu thắc mắc, trong khi thành phố đang thực hiện chiến dịch dãn dân ra khu vực vùng ven, bằng cách xây dựng hàng loạt khu đô thị vệ tinh để giảm áp lực cho hệ thống hạ tầng ở khu trung tâm đã quá tải, thì việc cho chuyển công năng hàng loạt dự án tại trung tâm sang căn hộ để bán hoặc cho thuê sẽ đi ngược chủ trương này.

Ông Trương An Dương, Trưởng bộ phận Nghiên cứu của Savills Việt Nam, cho rằng việc chuyển công năng của một tòa nhà có khả thi hay không còn tùy thuộc vào vị trí. Ngoài ra, không phải dự án nào cũng xin chuyển được công năng, bởi còn phụ thuộc nhiều vào quy hoạch của Nhà nước, tình hình của phân khúc thị trường được nhắm tới, cũng như chi phí đầu tư để thay đổi công năng.

Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Nguyễn Văn Đực cho rằng thành phố đang cứu các “siêu đại gia”, khi cho phép chuyển những sản phẩm văn phòng, khách sạn thành những căn nhà siêu cao giá. Những căn nhà dạng này đang dư thừa, bán không ai mua nên chưa biết khi chuyển đổi có bán được không. Mặc dù chưa biết chắc thành công, nhưng theo ông Đực khi làm các dự án này, doanh nghiệp sẽ phải đi vay tiền ngân hàng. Khi vốn chảy vào các doanh nghiệp lớn, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp nhỏ hơn sẽ bị đói vốn, vô tình giết thêm doanh nghiệp nhỏ.

Hiện UBND TP.HCM đã đồng ý về chủ trương cho chuyển công năng các dự án trên, nhưng điều kiện để các dự án có thể chuyển đổi công năng phải đảm bảo cân đối dân số khu vực, giao thông và hạ tầng xã hội đô thị; đảm bảo về quy hoạch -  kiến trúc các công trình thuộc Khu trung tâm hiện hữu TP (930ha); đảm bảo về an toàn, phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn, giao thông...

Đình Sơn

Đất Việt

Các tin tức khác

>   Cần nâng mức hạn điền (08/03/2012)

>   Bất động sản chờ đợi hiệu ứng từ nhiều giải pháp (07/03/2012)

>   Bi kịch “cung thật, cầu ảo” (07/03/2012)

>   Gold Hill - Lực hút cho thị trường BĐS Đồng Nai 2012 (07/03/2012)

>   Bi đát dân BĐS đi trồng rau, rửa xe (07/03/2012)

>   Chính phủ: Sẽ không thu hồi đất đai để chia lại (06/03/2012)

>   Dự án cạn vốn, khách chấp nhận lấy nhà thô (06/03/2012)

>   Bất động sản 2012: Nam ấm, Bắc lạnh (06/03/2012)

>   Phanh phui 5 đại gia bất động sản nợ thuế (06/03/2012)

>   Chủ Dự án Xa La cơi nới và bán chui căn hộ? (06/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật