Sẽ thêm chế tài buộc CTCK minh bạch tài chính
Ngoài nhiều chế tài tại Thông tư 226/2010/TT-BTC lần đầu tiên sắp được áp dụng từ ngày 1/4 tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) sẽ đưa ra nhiều chế tài mới buộc các CTCK phải minh bạch tài chính hơn.
ĐTCK trao đổi với ông Phạm Hồng Sơn (ảnh), Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán, UBCK.
UBCK dựa vào báo cáo chỉ tiêu an toàn tài chính (ATTC) của các CTCK để áp dụng chế tài xử lý. Điều này có dẫn đến bị động trong phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm, thưa ông?
Bản chất của Thông tư 226 về chỉ tiêu ATTC và biện pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu ATTC là để các CTCK tự “khám bệnh” cho mình, trên cơ sở đó chủ động nâng cao sức khỏe tài chính nhằm hoạt động an toàn. Điều này đòi hỏi các CTCK phải nâng cao tính tuân thủ trong đáp ứng các chỉ tiêu ATTC. Nói như vậy không có nghĩa là cơ quan quản lý bị động trong tiếp nhận thông tin từ phía CTCK, mà thông qua công tác kiểm tra, giám sát, UBCK có thông tin đa chiều về hoạt động của các đơn vị này, trên cơ sở đó có biện pháp xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về ATTC. Đơn cử như thông qua báo cáo về ATTC của các CTCK, khi phát hiện có thông tin bất thường, UBCK buộc các tổ chức này giải trình chi tiết. Trong đó, tập trung làm rõ những số liệu có ẩn chứa thông tin có thể ảnh hưởng tiêu cực đến ATTC của CTCK. Việc này đang được UBCK triển khai khẩn trương, quyết liệt.
Biện pháp lần đầu tiên áp dụng này có phải là bước đệm để khi Thông tư 226 có hiệu lực vào ngày 1/4, UBCK sẽ ra quyết định đặt các CTCK vào tình trạng kiểm soát hoặc kiểm soát đặc biệt, thưa ông?
Việc buộc các CTCK giải trình chi tiết về sức khỏe tài chính là một biện pháp quan trọng, để thêm một lần nữa nhắc nhở trách nhiệm của các CTCK trước pháp luật về tính trung thực của các số liệu ATTC mà họ công bố. Biện pháp này cũng giúp cơ quan quản lý có thêm thông tin để củng cố cho việc phân nhóm các CTCK, trên cơ sở đó tính toán phương án áp dụng các chế tài xử lý tương ứng. Trong đó, UBCK sẽ xem xét ban hành quyết định hành chính đưa các CTCK không đảm bảo chỉ tiêu ATTC vào diện kiểm soát và kiểm soát đặc biệt kể từ sau ngày 1/4. Nếu CTCK không khắc phục được tình trạng kiểm soát hay kiểm soát đặc biệt, UBCK sẽ áp dụng các chế tài mạnh hơn như đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động…
Việc áp dụng các biện pháp mạnh này liệu có gặp vướng mắc khi văn bản hướng dẫn chi tiết về việc đình chỉ hoạt động, giải thể, sáp nhập CTCK vẫn chưa được ban hành?
Ngoài Thông tư 226, UBCK sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ khác được quy định chi tiết tại dự thảo Thông tư thay thế Quyết định 27/2007/QĐ-BTC quy định về tổ chức và hoạt động của CTCK sắp được ban hành. Theo đó, văn bản này hướng dẫn cụ thể việc hợp nhất, sáp nhập, giải thể CTCK; buộc các CTCK phải đáp ứng các chuẩn cao hơn về quản trị ATTC và quản trị rủi ro.
Cùng với yêu cầu tất cả các CTCK phải công bố báo cáo tài chính hàng quý, báo cáo kiểm toán năm, báo cáo soát xét có kiểm toán bán niên như công ty niêm yết, văn bản mới còn yêu cầu kiểm toán và công bố công khai báo cáo tỷ lệ ATTC của CTCK định kỳ vào ngày 30/6 và 31/12 hàng năm.
Một điểm sửa đổi Quyết định 27 quan trọng khác là đưa ra các quy định nhằm hạn chế hoạt động đầu tư và cho vay của các CTCK. Chẳng hạn, cấm các tổ chức này đầu tư vào bất động sản, trừ trường hợp đầu tư phục vụ cho mục đích mở văn phòng, phòng giao dịch của CTCK. Quy định mới còn làm rõ hơn trách nhiệm của CTCK, người hành nghề chứng khoán đối với 4 nghiệp vụ kinh doanh cơ bản.
Ngoài ra, UBCK cũng đang khẩn trương soạn thảo để chuẩn bị ban hành bộ chỉ tiêu đánh giá, xếp hạng CTCK; quy chế về quản lý rủi ro cho CTCK, để áp dụng ngay trong năm nay. Qua đó, đảm bảo hoàn thiện đồng bộ các giải pháp quản lý, giám sát CTCK, nhằm tạo chuyển biến rõ nét về nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của các CTCK.
Được biết, dự thảo Thông tư thay thế Quyết định 27 còn buộc CTCK tách bạch tài khoản tiền của NĐT độc lập với tài khoản của CTCK. Điều này có đảm bảo tính khả thi, khi hiện đã có quy định về vấn đề này nhưng không thể triển khai triệt để?
Phương thức quản lý tách bạch tiền của khách hàng với CTCK đề cập trong dự thảo Thông tư thay thế Quyết định 27 được UBCK đưa ra sau khi nhận được sự đồng thuận từ Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam và một số ngân hàng, nên chắc chắn sẽ có tính khả thi. Theo đó, CTCK phải xây dựng hệ thống nhằm đáp ứng cả 2 phương thức quản lý tiền để NĐT chọn là: CTCK mở tài khoản chuyên dụng tại NHTM để quản lý tiền của khách hàng; khách hàng của CTCK mở tài khoản trực tiếp tại NHTM do CTCK lựa chọn.
Hữu Hòe thực hiện
đầu tư chứng khoán
|