Thứ Năm, 22/03/2012 13:52

Quản lý TT vàng: Chậm trễ, chưa triệt tiêu đầu cơ

Sau một thời gian ngắn bình ổn, thị trường vàng thời điểm này lại tái diễn căn bệnh cũ: giá vàng thế giới giảm mạnh, giá vàng trong nước giảm theo nhưng vẫn cao hơn giá thế giới quy đổi khoảng 2-3 triệu đồng/lượng. Thị trường vàng đang tái diễn dấu hiệu bị trục lợi khi những “liều thuốc” bán vàng bình ổn ngắn hạn của NHNN đã hầu như hết tác dụng.

Vùng trũng để trục lợi

Theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, quý II-2011 NHNN phải ban hành Nghị định quản lý thị trường vàng, nhưng đến nay đã gần 1 năm trôi qua, nghị định này vẫn chưa ra đời. Sự chậm trễ này đã tạo ra vùng trũng, lỗ hổng về quản lý, gây ra những bất ổn cho thị trường vàng trong thời gian gần đây.

Phân tích thị trường vàng cho thấy giá vàng không xuất phát từ cơ sở khoa học nào ngoại trừ đầu cơ, trong đó giới đầu cơ quốc tế quyết định giá vàng. Xét về kỹ thuật, giá thành sản xuất vàng mỗi năm sẽ phải tăng lên, nhưng giá lên đến mức 1.700-1.750 USD/ounce là quá phi thực tế. Vì vậy, giá vàng hoàn toàn có thể giảm mạnh với biên độ lớn và khi đó nhà đầu tư, người dân mua vàng không chỉ chịu rủi ro về sự biến động bất thường của giá vàng thế giới, mà còn rủi ro về sự neo giá không liên thông của giá vàng trong nước.

Ông TRẦN PHƯƠNG BÌNH, Tổng giám đốc DongA Bank

Thí dụ, mục tiêu của NHNN là chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới quy đổi tối đa 400.000 đồng/lượng là hợp lý. Nhưng đến nay mục tiêu và “ước mơ” đó dường như vẫn xa vời.

Hầu hết các tiệm vàng ở TPHCM đều thừa nhận vàng đang trở nên kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Cảnh tượng xếp hàng dài mua vàng mỗi khi giá biến động mạnh như trước đây cũng không xảy ra.

Điều này xuất phát từ chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới quá lớn khiến nhà đầu tư thờ ơ với vàng. Hiện cách biệt giá vàng “nội - ngoại” có lúc lên tới 3 triệu đồng/lượng.

Dù giá thế giới biến động mạnh nhưng giá trong nước không “chạy”, không có “sóng” để nhà đầu tư kiếm lời nên tất yếu các nhà đầu tư sẽ chuyển sang các kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn.

Các công ty vàng cho biết có nhiều lý do khác nhau dẫn đến phải neo giá cao, trong đó lý do chính là giá vàng trong nước và thế giới không liên thông do NHNN không cấp quota nhập vàng. Dù giá vàng quốc tế đang giảm nhưng các doanh nghiệp trước đó đã nhập vàng giá cao nên vẫn giữ giá. Cung vàng trong nước ít, người nắm giữ vàng không bán ra nên các doanh nghiệp vàng vẫn neo giá cao dù cầu vàng không có.

Trước đây để trị sự chênh lệch bất thường của giá vàng, NHNN dùng giải pháp tăng cung cho thị trường vàng thông qua việc cho phép nhóm G5+1 (5 NHTM và Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn - SJC) lấy vàng huy động bán vàng bình ổn, can thiệp thị trường.

Nhưng theo các chuyên gia, đến nay giải pháp này vẫn chưa được thực hiện quyết liệt. Bởi để làm được điều này phải thông qua đề án huy động vàng trong dân để có nguồn vàng đẩy ra can thiệp ổn định giá. Hiện nay các NHTM có huy động vàng lại đang thấp thỏm lo khi đến ngày 1-5 tới phải dừng huy động vàng.

Như vậy nhóm G5+1 bán can thiệp cũng chỉ mang tính chất tình thế, chưa đủ lực để can thiệp toàn diện thị trường vàng. Đó cũng là một trong những yếu tố tất yếu dẫn đến câu chuyện giá vàng trong nước vẫn bị “neo” giá cao.

Theo một lãnh đạo ngân hàng, sau Tết Nguyên đán đến nay hầu như thị trường vàng đang bị bỏ ngỏ. Và sự bỏ ngỏ của cơ quan quản lý đã làm người dân bị thiệt hại vì phải mua vàng giá cao hơn giá vàng thực tế.

Biến tướng kinh doanh vàng

Năm ngoái NHNN công bố sẽ lấy vàng miếng SJC làm thương hiệu vàng quốc gia. Điều này đã được các chuyên gia đầu ngành ủng hộ. Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, SJC có lợi thế đã được thị trường thừa nhận. SJC cũng đã quản lý thương hiệu chặt chẽ với chi phí thấp, từ khâu nhập khẩu nguyên liệu thô đến gia công thành vàng miếng.

Nếu NHNN thành lập một công ty đúc dập vàng miếng, trước mắt sẽ khó được thị trường thừa nhận và chi phí không thể thấp hơn SJC.

Tuy nhiên, do dự án quy hoạch lại hoạt động vàng miếng đến nay vẫn còn dở dang nên thị trường vàng đã xuất hiện những biến tướng, thể hiện qua việc dù NHNN yêu cầu các NHTM có thương hiệu vàng miếng ngưng sản xuất vàng miếng, nhưng thực tế chỉ vài đơn vị nghiêm túc thực hiện, nhiều đơn vị khác vẫn âm thầm sản xuất vàng miếng khi giá vàng trong nước chênh lệch quá cao so với giá thế giới.

Một lãnh đạo ngân hàng cho biết việc nhập lậu vàng từ Italia có giá rẻ hơn vàng trong nước 1-2 triệu đồng/lượng. Họ thông qua một cơ sở gần biên giới “khè mặt” làm biến dạng vàng, sau đó đưa vào trong nước dưới dạng vàng trôi nổi, dập thành miếng bán với giá thấp hơn giá thị trường vẫn thu lợi nhuận rất lớn.

Trước việc Nhà nước sẽ thu hẹp thương hiệu vàng miếng, Sacombank đã tranh thủ lợi thế có chi nhánh hoạt động ở Campuchia để kinh doanh vàng miếng tại thị trường này. Bởi việc sản xuất gia công vàng miếng SBJ ở thị trường Campuchia không thuộc sự quản lý của NHNN Việt Nam. Chính điều này cũng đang tạo kẽ hở cho giới đầu tư vàng. Cụ thể, các nhà đầu tư vàng mua vàng  miếng SBJ giá rẻ ở thị trường Campuchia tuồn về Việt Nam bán lại để hưởng chênh lệch giá.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến nghi ngờ sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới đang tạo cơ hội kiếm lợi lớn cho SBJ của Sacombank. Bởi không loại trừ SBJ ở Campuchia thu mua vàng với giá rẻ sau đó đem về Việt Nam bán giá thấp hơn giá vàng SJC đến 1 triệu đồng/lượng vẫn có lời vì giá vàng SJC quy đổi theo giá thế giới vẫn cao hơn 2-3 triệu đồng/lượng.

Trong bối cảnh giá vàng trong nước đang bị “neo” cao lại có một vài thương hiệu bán vàng giá thấp dẫn đến sự bất thường, cho thấy thị trường vàng Việt Nam thiếu sự quản lý đồng bộ. Đó là những hệ lụy đang diễn ra khi Nhà nước đến nay vẫn chưa có đề án huy động vàng cũng như quản lý thị trường vàng thống nhất.

Giải pháp kiểm soát thị trường

Nếu để giá vàng trong nước biến động theo chiều hướng cao bất hợp lý như hiện nay, hệ lụy cho thị trường vàng không chỉ dừng ở việc một số đơn vị đang lợi dụng sự lỏng lẻo của NHNN để trục lợi cho mình, mà còn nguy hiểm cho nền kinh tế trong việc ổn định vĩ mô, có thể gây áp lực xấu lên tỷ giá, chảy máu ngoại tệ do tình trạng nhập lậu…

Nguyên nhân của sự bất ổn giá vàng thời gian qua do chính sách quản lý nhập khẩu vàng bằng quota. Việc cấp quota luôn chậm trễ so với biến động thị trường đã tạo ra sự chênh lệch lớn cả về thời gian và giá cả trong nước và thế giới. Bên cạnh đó, nước ta không cho phép các NHTM kinh doanh vàng tài khoản với thị trường quốc tế nên không tạo được sự liên thông một cách nhanh chóng, tức không có một sự cập nhật nhanh nhất giữa thị trường vàng quốc tế với thị trường vàng trong nước.

TS. LÊ XUÂN NGHĨA, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

Điều này được minh chứng khi gần đây giá USD trên thị trường có xu hướng tăng trở lại sau một thời gian ổn định. Vì vậy nếu không quản lý  chặt chẽ việc xuất nhập khẩu vàng, giá vàng tăng giảm bất thường sẽ tác động, ảnh hưởng lớn đến thị trường ngoại hối.

Giải pháp  trước mắt để triệt tiêu sự biến tướng của thị trường vàng là NHNN nên có cơ chế giám sát chặt nguồn gốc cũng như hoạt động mua bán vàng trôi trổi. NHNN cũng nên phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm soát hoạt động của các cơ sở sản xuất vàng miếng.

Về dài hạn, nhiều chuyên gia cho rằng cần sớm gấp rút hoàn thiện và ban hành Nghị định quản lý thị trường vàng cũng như đề án huy động vàng trong dân. Bên cạnh việc quản lý chặt chẽ thị trường vàng, Nhà nước nên mở ra các kênh đầu tư vàng trên tài khoản phù hợp với thông lệ quốc tế, có hành lang pháp lý rõ ràng.

Khi đó, giao dịch trên tài khoản sẽ tiết kiệm được lượng vàng nhập khẩu và không phải chi thêm một lượng ngoại tệ lớn để nhập khẩu vàng như hiện nay.

Ngoài ra, giao dịch trên tài khoản sẽ thu hẹp lượng giao dịch vàng vật chất, qua đó huy động được nguồn vàng trong dân để đầu tư, phát triển nền kinh tế. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nên tiến tới bỏ chính sách quota, cho phép các NHTM và người gửi vàng tại NHTM được mở vàng tài khoản và được phép kinh doanh vàng tài khoản.

Đồng thời, cần công bố rộng rãi quyền sở hữu vàng như một tài khoản theo luật dân sự, từ quyền mua, bán đến quyền cất trữ, bảo lãnh… Nếu có cơ sở pháp lý rõ ràng, không chỉ người dân an tâm hơn khi nắm giữ vàng mà Nhà nước và cơ quan quản lý có thể can thiệp thị trường vàng kịp thời, triệt tiêu sự trục lợi của giới kinh doanh vàng.

THANH NHƯ - DỊU NGÂN

sài gòn đầu tư tài chính

Các tin tức khác

>   Giá vàng trong nước ngược chiều thế giới (22/03/2012)

>   Vàng nhích nhẹ lên trên 1,650 USD/oz (22/03/2012)

>   Vàng đang mất “sóng” ? (22/03/2012)

>   Nhà đầu tư 'chết' trên sàn vàng chui (22/03/2012)

>   Giá vàng tại châu Á đã nhích lên nhờ đồng USD yếu (21/03/2012)

>   Vàng tiếp tục sụt giá mạnh (21/03/2012)

>   Vàng sụt hơn 20 USD/oz do nỗi lo nhu cầu (21/03/2012)

>   Ngân hàng mua vàng dưới giá niêm yết (21/03/2012)

>   Nền kinh tế Mỹ khả quan làm giá vàng phải lùi bước (20/03/2012)

>   Giá vàng rớt thảm, nhà đầu tư lúng túng (20/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật