Phòng ngừa rủi ro biến động giá nông sản
Tuần này, chuyên gia phân tích thị trường hàng hóa Ker Chung Yang của Phillip Futures Singapore sẽ có chuyến công tác tại Hà Nội và trao đổi về các biện pháp quản lý rủi ro đối với doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu thô thông qua hợp đồng tương lai.
Ông Yang sẽ giới thiệu các sàn giao dịch hàng hóa quốc tế với doanh nghiệp Việt Nam như một kênh phòng ngừa rủi ro biến động giá cho một năm kinh tế có nhiều biến động và khắc nghiệt. Sự biến động giá cả của các mặt hàng nguyên liệu cơ bản được nhận định có ảnh hưởng lớn tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp và sự ổn định vĩ mô của nền kinh tế.
Lấy một ví dụ cụ thể, ngành may mặc, dệt may là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam với doanh số xuất khẩu hàng năm lên tới hàng tỷ USD. Tuy nhiên, bông, nguyên liệu đầu vào cho ngành dệt may, chiếm tỷ lệ lớn trong giá thành sản phẩm, thì các doanh nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ các thị trường nước ngoài như Mỹ, Ấn Độ… Năm 2010 - 2011, giá bông nguyên liệu tăng hơn gấp đôi, từ 1.500 USD/tấn lên hơn 3.500 USD/tấn, gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp dệt may như thua lỗ do đã chốt giá bán từ trước.
Nhiều doanh nghiệp đã đi tìm giải pháp để quản trị được những tác động của giá bông nguyên liệu tới hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Và tham gia giao dịch bông tương lai tại NYBOT là một trong những cách để doanh nghiệp dệt may đối mặt trực tiếp với những nguyên nhân của việc giá bông liên tục biến động, qua đó, quản trị rủi ro phát sinh.
Giao dịch hàng hóa tương lai là một nghiệp vụ của phái sinh hàng hóa. Theo đó, khách hàng thực hiện mua, bán một khối lượng hàng hóa tại mức giá xác định; việc giao nhận hàng được thực hiện vào thời điểm xác định trước trong tương lai và được giao dịch tập trung tại các Sở giao dịch hàng hóa tương lai. Các loại hàng hóa khác như xăng dầu, kim loại, nông sản, nguyên tắc cơ bản của việc hình thành giá và cách thức doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng liên quan sử dụng giao dịch hàng hóa tương lai để quản trị rủi ro cũng tương tự như mặt hàng bông.
Dù Việt Nam đã có sàn giao dịch hàng hóa nhưng do tính thanh khoản kém, lại chỉ giới hạn ở một số mặt hàng như cà phê, cao su, thép nên doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu giao dịch trên các Sở giao dịch hàng hóa lớn trên thế giới như LIFFE, LME (London), NYBOT, NYMEX, CME (New York), TOCOM (Tokyo)
Giao dịch hợp đồng tương lai xuất hiện tại Việt Nam trong khoảng 10 năm trở lại đây, tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như cà phê, cao su và gần đây đã phát triển sang các mặt hàng nguyên liệu phụ thuộc nhập khẩu như kim loại màu, ngũ cốc và bông sợi tuy nhiên số lượng giao dịch còn khá khiêm tốn. Những doanh nghiệp đang thực hiện giao dịch hợp đồng tương lai tại Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh do tính tự quyết cao và khả năng chịu trách nhiệm về rủi ro bởi việc sử dụng các công cụ phái sinh hàng hóa thiếu kinh nghiệm và không tuân thủ triệt để kỷ luật đầu tư có thể phát sinh thua lỗ.
Ở thời điểm hiện nay, việc nhìn nhận và sử dụng các giao dịch phái sinh hàng hóa đã được cải thiện rất nhiều. Những giao dịch này được đặt trong bức tranh tổng thể hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cộng với vai trò cần thiết về công cụ phòng ngừa rủi ro, công cụ phái sinh hàng hóa đang được nhiều doanh nghiệp tìm hiểu và sử dụng. Đây cũng chính là mảnh đất màu mỡ cho các sàn ngoại khai thác, trong khi các sàn Việt Nam mới ở giai đoạn sơ khai.
Thùy Linh
đầu tư chứng khoán
|