Những tín hiệu vui cho thị trường bất động sản
Hàng loạt những nhận định gần đây của các chuyên gia đều cho thấy bức tranh thị trường bất động sản đang dần khởi sắc nhờ tác động của các chính sách và tín hiệu về dòng vốn nước ngoài.
Tại hội thảo "Tìm vốn cho bất động sản" ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC (HNX: FLC) đã đưa ra những "tín hiệu" tươi sáng cho thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Ông cho rằng, các yếu tố vĩ mô đang dần ổn định và nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ. Ổn định vĩ mô là nhân tố quan trọng hàng đầu tạo tiền đề cho các thị trường dần đi vào ổn định và phục hồi, đồng thời đem lại niềm tin và cảm hứng cho các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, chỉ số CPI đã giảm mạnh, trong tháng 3/2012 chỉ tăng khoảng 0.2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tình hình diễn biến thị trường tiếp tục thuận lợi thì CPI cả năm có thể trở về mức một con số.
Nếu tính từ giữa năm 2011 đến nay, giá BĐS trên cả nước đã giảm trung bình 30 – 40% so với đỉnh điểm, thậm chí có một số dự án còn giảm sâu hơn. Tuy nhiên, biên độ giảm giá các dự án có phần chậm lại trong mấy tháng gần đây. Ngoại trừ một số hiện tượng các nhà đầu tư thứ phát bán cắt lỗ, tình trạng bán tháo đã không diễn ra ồ ạt tại hầu hết dự án.
Dự báo giá BĐS đang ở thế giằng co giữa khách hàng và chủ đầu tư và tình trạng này sẽ còn tiếp diễn trong một vài tháng tới, trước khi thị trường có sự đảo chiều thực sự. Tuy nhiên, đặt trọng tổng thể các yếu tố tác động đến thị trường thì giá BĐS sẽ khó có thể giảm sâu hơn nữa. |
Lãi suất trần huy động của các ngân hàng đã giảm xuống còn 13%/năm theo chỉ đạo của NHNN, tương tự, lãi suất tái cấp vốn của NHNN cũng giảm xuống còn 14% và lãi suất cho vay qua đêm xuống còn 15%. Theo dự kiến, các mức lãi suất trên sẽ còn tiếp tục được điểm chỉnh giảm theo biên độ 1%/quý. Lãi suất trần huy động dự kiến sẽ xoay quanh 10% vào cuối năm 2012.
Một khi lãi suất huy động giảm, một cách gián tiếp, sẽ đẩy một lượng tiền mặt lớn từ tiền gửi tiết kiệm ra thị trường, cải thiện đáng kể tình trạng khan hiếm tiền mặt (thực tế mức tăng tín dụng huy động của các ngân hàng đã giảm trong tháng 3/2012).
Bên cạnh đó, việc giảm lãi suất huy động giảm cùng với động thái điều hành quyết liệt của NHNN sẽ kéo theo lãi suất cho vay cũng hạ nhiệt. Lãi suất cho vay sẽ sớm trở vể mức 17-19%/năm và còn khoảng 13-14%/năm vào cuối năm (một số ngân hàng thương mại đã rục rịch hạ lãi suất cho vay và chào các gói dịch vụ cho vay mua nhà đến khách hàng). Đây là mức lãi suất hợp lý mà các nhà đầu tư có thể chấp nhận.
Ngoài ra, áp lực kiềm chế tăng trưởng tín dụng đang giảm, việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại đang được triển khai mạnh, làm giảm chi phí trung gian, tăng hiệu quả hoạt động và giảm thiểu rủi ro của toàn hệ thống tín dụng. Các yếu tố kể trên sẽ tiếp tục hỗ trợ cho việc giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng, đồng thời là cơ sở để Chính phủ xem xét nới lỏng tín dụng dành cho BĐS.
Một vấn đề nữa là tính thanh khoản của TTCK đã được cải thiện, giúp cho các nhà đầu tư có cơ hội dịch chuyển vốn đầu tư từ TTCK sang thị trường BĐS khi thị trường này có dấu hiệu phục hồi. Thị trường vàng, ngoại tệ gần như ít biến động và không còn là kênh đầu tư hấp dẫn so với chứng khoán và BĐS.
Nguồn cung BĐS đang hạn chế dần do sự siết chặt đối với các dự án của chính phủ và do hạn chế đầu tư. Dự kiến đến cuối năm 2013 cung cầu sẽ được cân bằng và sau đó cầu sẽ lại vượt cung.
Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường BĐS đang có dấu hiệu tăng trở lại trong mấy tháng gần đây. Đặc biệt lượng kiều hối đổ về Việt Nam tăng ổn định và ở mức cao (năm 2011 là 10,4 tỷ USD, xấp xỉ lượng giải ngân vốn FDI). Trong bối cảnh lãi suất tín dụng bằng VND đang giảm và các cơ hội đầu tư khác chưa thực sự hấp dẫn thì một phần kiều hối dự kiến sẽ chảy vào thị trường BĐS.
Cuối cùng, thặng dư thương mại đã xuất hiện vào những tháng đầu năm 2012 cộng với quá trình giải ngân mạnh các nguồn vốn ODA và FDI, hấp thụ lượng kiều hối tiếp tục tăng. Chính phủ sẽ phải tiếp tục cung tiền đồng vào lưu thông để hút ngoại tệ về và tăng dự trữ ngoại hối (thực tế là dự trữ ngoại tệ từ đầu năm đến nay đã tăng đáng kể).
Minh An (Vietstock)
finfonet
|