“Nếu có đầu ra, lãi suất 30% vẫn vay”
Không phải vì lãi suất cao mà doanh nghiệp bất động sản “chết” mà do không có đầu ra. Nếu sản phẩm có đầu ra thì kể cả vay lãi 30%/năm, tôi vẫn vay để làm dự án. Đây là ý kiến của ông Nguyễn Thanh Hưng - Phó tổng giám đốc CenGroup.
Nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất cao là nguyên nhân dẫn đến việc hàng loạt các doanh nghiệp bất động sản rơi vào tình trạng chết lâm sàng. Doanh nghiệp "chết" kéo theo hệ lụy các ngành sản xuất khác như sắt thép, ximăng,..đình đốn thậm chí nhiều nhà máy đã phải đóng cửa. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp bất động sản lại có quan điểm khác.
Theo ông Phạm Thanh Hưng, hiện nay vấn đề mà nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt không phải do lãi suất cao. Có nhiều doanh nghiệp hiện nay đang có tiền cỡ vài trăm đến cả ngàn tỷ đồng đang muốn cho vay nhưng các đối tác không dám vay. Bởi, vay để làm gì khi nhà xây không bán được. Người tiêu dùng không mua thì xây nhà làm gì kể cả lãi suất bằng 0. Còn nếu bất động sản thanh khoản được, đầu ra sản phẩm có thì kể cả lãi suất 30% doanh nghiệp cũng vay. Để giải được bài toán này, vấn đề chính vẫn là tìm đầu ra cho sản phẩm. Đầu ra ở đây chính là những người tiêu dùng cuối cùng.
"Tỷ lệ tham gia của các nhà đầu tư trong thị trường bất động sản là quá lớn nên rất dễ bị biến động bởi các yếu tố không liên quan. Với những người mua nhà ở thực thì họ không quan tâm. Họ chỉ tính là thu nhập tôi từng này, nhu cầu nhà tối thiểu là thế này, làm thế nào để có được nhà ở trong bao nhiêu năm?... " ông Hưng nói
Giải pháp cần thiết nhất chỉ là làm sao để người dân cuối cùng mua được nhà, có tiền mua nhà, có cách thức để mua nhà theo khả năng của người ta. Thời điểm nào cũng là thời điểm mua nhà vì nó là nhu cầu hiện hữu của mỗi con người, ai cũng có nhu cầu cải thiện tình hình chỗ ở nhưng thời điểm nào nó phụ thuộc vào bản thân mỗi cá nhân có tài chính hay chưa, còn nhu cầu luôn hiện hữu.
Anh Đào
vnmedia
|