Thứ Tư, 28/03/2012 14:01

Nên cân nhắc phương án bỏ khung giá đất

Để đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế, trong giai đoạn 2012-2020, chỉ riêng hệ thống giao thông đường bộ cần phải đầu tư 1.066.600 tỷ đồng.

Trong điều kiện nguồn lực tài chính có hạn, làm thế nào huy động nguồn lực từ đất đai để đầu tư cho cơ sở hạ tầng là câu hỏi được phóng viên Báo Đầu tư đặt ra với ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính).

Theo Đề án Khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản nhà nước để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nếu huy động tốt, hàng năm, ngân sách có thể thu 5 tỷ USD từ đất đai. Tính toán này liệu có khả thi, thưa ông?

Nếu huy động tốt, thì khả năng huy động từ đất đai hàng năm còn hơn 5 tỷ USD. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thuế, năm 2010, tổng số thu từ đất đai đạt 67.767 tỷ đồng, tương đương 3,5 tỷ USD; năm 2011, số thu trực tiếp từ đất đai (không tính số thu gián tiếp thông qua thuế thu nhập cá nhân đối với chuyển nhượng bất động sản, phí và lệ phí liên quan đến đất đai) đạt 49.460 tỷ đồng, bằng 11,63% tổng số thu nội địa trừ dầu thô.

Số thu ngân sách từ đất đai được tính trên bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành vào ngày 1/1 hàng năm. Bảng giá này thường chỉ bằng 30-60% giá trị đất giao dịch thực tế trên thị trường, vì thế, nếu bảng giá đất được xây dựng sát giá thị trường, thì số thu từ đất đai cũng phải lên đến 5 tỷ USD.

Nhưng nguồn thu từ đất đai chủ yếu từ giao quyền sử dụng đất (chỉ phát sinh 1 lần trong khoảng thời gian dài), trong khi nguồn đất để giao không còn nhiều…

Trong giai đoạn 2005-2010, nguồn thu từ giao quyền sử dụng đất chiếm trên đến 83,7% tổng nguồn thu từ đất đai. Đúng là quỹ đất để giao không còn nhiều, nhưng toàn bộ tính toán trong Đề án Khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản nhà nước đều dựa trên cơ sở Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 đã được Quốc hội thông qua. Để tăng thu từ đất đai trong điều kiện nguồn thu từ giao quyền sử dụng đất có hạn, cần phải tăng hình thức đấu giá quyền sử dụng đất và hạn chế giao đất theo chỉ định.

Ngoài nguồn thu từ giao quyền sử dụng đất, những nguồn nào có khả năng tăng thu?

Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2012, sẽ đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách. Thực hiện Nghị định 120/2010/NĐ-CP về thu tiền sử dụng đất và Nghị định 121/2010/NĐ-CP về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước theo hướng điều chỉnh giá tính tiền thuế tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất tiệm cận giá thị trường cũng tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách. Bên cạnh đó, việc tăng cường quản lý nhà nước về giao dịch bất động sản của tổ chức, cá nhân và tăng bảng giá đất cũng tạo nguồn thu không nhỏ cho ngân sách hàng năm.

Nhưng như ông nói, các địa phương ban hành bảng giá đất để tính thu các khoản liên quan đến đất đai chỉ bằng 30-60% giá thị trường. Vậy làm thế nào để các địa phương tăng bảng giá đất?

Việc ban hành bảng giá đất thấp hơn giá thị trường khiến Nhà nước thất thu không nhỏ. Cụ thể, giá đất ở Hà Nội và TP.HCM có nơi lên đến 400-500 triệu đồng/m2, nhưng khung giá đất (ban hành kèm theo Nghị định 123/2007/NĐ-CP) tại 2 thành phố này tối đa chỉ 67,5 triệu đồng/m2, các địa phương dù biết là giá tối đa thấp xa so với giá thị trường, cũng chỉ được phép tăng 20% so với giá tối đa. Người mua bán bất động sản thường chỉ căn cứ khung giá tối đa để nộp các loại thuế, phí và nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai, nên ngân sách bị thất thu rất lớn. Ngoài ra, ngân sách còn thất thu rất lớn ở chỗ người ta mua bán nhà đất, nhưng không đăng ký.

Vì vậy, để tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, tăng thu cho ngân sách, cần phải quy định tất cả các hợp đồng mua bán phải thực hiện trên thị trường chính thức. Bên cạnh đó, cũng nên tính đến phương án bỏ khung giá đất, thay vào đó, Chính phủ chỉ quy định nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất và trao quyền cho UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá đất và quyết định giá đất theo sát giá thị trường. Trong Đề án Khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản nhà nước, chúng tôi cũng kiến nghị ban hành Luật Thuế tài sản, trong đó đối tượng chịu thuế phải bao gồm cả đất và tài sản gắn liền với đất.

Việc ban hành Luật Thuế tài sản chắc còn lâu mới thành hiện thực, vì Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp vừa mới có hiệu lực. Trong trường hợp này, nguồn thu ngân sách hàng năm sẽ được bao nhiêu, thưa ông?

Căn cứ vào hiện trạng, quy hoạch sử dụng đất, giá đất bình quân do Nhà nước đang điều hành thu và chính sách thu hiện tại, tổng số thu ngân sách từ đất (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế chuyển quyền sử dụng đất) trong giai đoạn 2012-2020 đạt 81.464 tỷ đồng/năm. Với phương án cao, căn cứ vào hiện trạng, quy hoạch sử dụng đất, chính sách thu hiện hành, giá đất tăng 20% (không tính trượt giá) và có dự kiến phát sinh thêm khoản thu đối với thuế tài sản thì tổng thu ngân sách từ đất bình quân đạt 98.624 tỷ đồng/năm.

Mạnh Bôn

Đầu tư

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp BĐS ôm đống của ngồi "chờ chết" (28/03/2012)

>   Nhóm lợi ích nào đã thâu tóm bất động sản? (28/03/2012)

>   2012: Tiền chưa thể vào BĐS, đừng vội mua bán (28/03/2012)

>   Tập trung kiểm tra doanh nghiệp kinh doanh BĐS (27/03/2012)

>   Bất động sản giá 'mềm' rục rịch khởi động (27/03/2012)

>   Sẽ có khu tổ hợp khách sạn, dịch vụ tại trung tâm Ba Đình (27/03/2012)

>   Phân khúc bất động sản bình dân đắt hàng (27/03/2012)

>   Dân nhà đất đi bán phở, bán bia... (27/03/2012)

>   Đầu tư bất động sản: Im lặng không là vàng (27/03/2012)

>   Mếu dở với các “suất ngoại giao” địa ốc (27/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật