Những doanh nghiệp nợ như Chúa chổm
Trong 664 doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính 2011 thì tổng nợ phải lên đến 479,620 tỷ đồng chưa bao gồm ngân hàng, công ty chứng khoán, bảo hiểm và các quỹ đầu tư. Đáng chú ý, có hàng trăm doanh nghiệp đang gánh chịu số nợ cao ngất ngưỡng, thậm chí vượt xa số vốn chủ sở hữu hiện có.
Thống kê cho thấy, có đến 370 doanh nghiệp có tỷ lệ nợ phải trả trên tổng tài sản từ 50%. Cá biệt có doanh nghiệp tỷ lệ nợ vượt xa tổng tài sản hiện có như CAD có tổng tài sản hơn 345.5 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả trên 510.72 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay ngắn hạn. Việc sử dụng đòn bẩy tài chính cao dẫn đến chi phí lãi vay của công ty cũng ở mức khá cao, hơn 80 tỷ đồng. Đây là một trong các nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận âm hơn 305.83 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp khác là TRI, với truyền thống lỗ nhiều năm liên tiếp TRI hiện gánh số nợ trên 240 tỷ đồng, trong khi tổng tài sản chỉ xấp xỉ 220 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm gần 20.5 tỷ đồng. Nợ dài hạn của công ty chỉ chiếm 437.67 triệu đồng, còn lại đều là nợ ngắn hạn, với hơn 100 tỷ đồng. Năm 2011, TRI tiếp tục lỗ hơn 80.6 tỷ đồng, đây là năm lỗ thứ 3 trong vòng 4 năm trở lại đây của công ty. Mới đây, Sở GDCK TPHCM (HOSE) đã có công văn cảnh báo về khả năng hủy niêm yết của TRI nếu báo cáo kiểm toán 2011 cho thấy kết quả kinh doanh vẫn là con số lỗ.
Tổng nợ phải trả của các CTCK niêm yết là 16,454 tỷ đồng (trừ SME).
Ở nhóm công ty chứng khoán, APG có nợ phải trả thấp nhất với hơn 2 tỷ đồng, trong đó vay nợ ngắn hạn chỉ chiếm trên 841 triệu đồng. Nhiều công ty khác cũng không sử dụng nợ vay ngắn và dài hạn vào hoạt động kinh doanh như BSI, SSI, VND, PSI, BVS, WSS, KLS, AVS…
Trái lại, một vài công ty sử dụng nợ vay khá lớn là AGR (có 2,000 tỷ đồng là nợ vay dài hạn, cộng thêm 135 tỷ đồng vay ngắn hạn), SBS chủ yếu là vay nợ ngắn hạn gần 845 tỷ đồng, PHS và SHS lần lượt chiếm 253 tỷ đồng và 250 tỷ đồng. |
Tương tự, VKP có nợ phải trả hơn 237 tỷ đồng, chiếm gần 95% tổng tài sản. Đây cũng là doanh nghiệp có nguy cơ hủy niêm yết do có kết quả kinh doanh lỗ 3 năm liên tiếp. Trong cơ cấu nợ của VKP có 78 tỷ đồng là vay nợ ngắn hạn và hơn 63 tỷ đồng nợ vay dài hạn. Chi phí lãi vay của công ty năm 2011 là 24 tỷ đồng.
Theo cân đối kế toán tính đến hết năm 2011, VKP còn khoảng 2.6 tỷ đồng tiền mặt và tương đương tiền, cùng với khoảng 33.35 tỷ đồng hàng tồn kho.
STL, một đại gia trong ngành xây dựng bất động sản có số nợ phải trả tính hết năm 2011 lên đến 4,711 tỷ đồng, chiếm 95.67% tổng tài sản, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ vỏn vẹn 213 tỷ đồng.
Trong cơ cấu nợ của STL, nợ vay ngắn hạn là 1,009 tỷ đồng và nợ vay dài hạn hơn 2,102 tỷ đồng. Trong nợ dài hạn có 1,600 tỷ đồng là trái phiếu doanh nghiệp được công ty phát hành năm 2010 với kỳ hạn 3 năm. Các khoản còn lại được công ty vay từ các tổ chức tín dụng như Agribank, MBB, ACB, VPBank, DaiABank, SHB… và công ty tài chính Sông Đà.
VMD, một doanh nghiệp trong ngành dược phẩm có tổng số nợ phải trả gần 3,847 tỷ đồng, chiếm 96% tổng tài sản và gấp gần 24 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, chủ yếu là nợ phải trả người bán hơn 2,723 tỷ đồng, còn lại là 613 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và khoảng 200 tỷ đồng vay dài hạn từ việc phát hành trái phiếu. Mặc dù có tỷ lệ nợ phải trả khá lớn, nhưng có thể thấy VMD đã sử dụng tốt các khoản nợ này vào hoạt động sản xuất kinh doanh khi lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 42.16 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra là 38.42 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 34.36 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh so với năm trước.
Doanh nghiệp có nợ phải trả/tổng tài sản lớn nhất
Đvt: tỷ đồng |
|
Nguồn: VietstockFinance |
Thống kê cho thấy, có đến 370 doanh nghiệp niêm yết ở cả hai sàn có tỷ lệ nợ trên tổng tài sàn chiếm từ 50% trở lên. Còn lại là khoảng 260 doanh nghiệp có tỷ lệ nợ từ 50% trở xuống, trong đó không ít doanh nghiệp có tỷ lệ nợ chưa đến 10% tổng tài sàn.
Cụ thể như TIC có phải trả chỉ hơn 620 triệu đồng, chiếm khoảng 0.24% tổng tài sản (256 tỷ đồng) và toàn bộ đều là nợ ngắn hạn. Đáng chú ý hơn, TIC không có nợ vay mà chủ yếu là các khoản phải trả, phải nộp ngắn hạn khác. Với việc không chịu áp lực về nợ vay, lại có khoảng doanh thu tài chính lớn (26.7 tỷ đồng), giúp công ty đạt lợi nhuận khá cao, với 26 tỷ đồng, tăng hơn 10 tỷ đồng so với trước đó.
Tương tự, LCM là một doanh nghiệp không sử dụng nợ vay tính đến hết năm 2011. Nợ phải trả của công ty chỉ vỏn vẹn 3.3 tỷ đồng, tức xấp xỉ 3% tổng tài sản. Trong đó, chủ yếu là thuế và các khoản phải nộp khác cho Nhà nước. Với chi phí tài chính thấp, nên công ty ghi nhận mức lợi nhuận khủng nhất từ trước tới nay, với 22.23 tỷ đồng, gấp gần 10 lần so với năm trước.
Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là DPM, dù có khoản nợ phải trả lên tới 884 tỷ đồng, nhưng chỉ chiếm 9.45% tổng tài sản (9,370 tỷ đồng). Đây là một trong những doanh nghiệp có tổng tài sản lớn nhất thị trường, đồng thời tiền và tương đương tiền của DPM cũng thuộc hàng “top” với 4,070 tỷ đồng. Cũng như các doanh nghiệp trên, tỷ lệ nợ vay của DPM rất thấp, các khoản nợ đều đã được thanh toán hết trong năm, chỉ còn hơn 9 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn. Còn lại là các khoản phải trả người bán, thuế và chi phí khác… Năm 2011, DPM tiếp tục đạt lãi khủng với 3,104 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh so với năm trước, và vượt 74% kế hoạch đề ra.
Doanh nghiệp có nợ phải trả/tổng tài sản thấp nhất
Đvt: tỷ đồng |
|
Nguồn: VietstockFinance |
Viết Vinh (Vietstock)
Finfonet
Xem thêm:
* Doanh nghiệp mía đường: Năm 2012 có còn lãi to?
* Ngân hàng lãi khủng do trích lập dự phòng thấp?
* Bức tranh LN nhóm cổ phiếu được khối ngoại giao dịch nhiều trong tháng 2
* DN vận tải biển: Lợi nhuận 2011 đồng loạt giảm và lỗ
* Năm “hạn” của doanh nghiệp nhà Đặng Thành Tâm
* DN ngành nhựa: Lợi nhuận năm 2011 đồng loạt giảm
* Thoát lỗ ngoạn mục nhờ lợi nhuận khác
* Đại gia bất động sản năm 2011: Điệp khúc giảm và lỗ
* Doanh nghiệp lỗ và lỗ nặng hơn vì lợi nhuận khác
|