Nhịp đập Thị trường 07/03: Lực cầu trở lại cuối phiên, thanh khoản giảm mạnh
Thêm một phiên giao dịch thị trường khép lại trong sắc đỏ. Mặc dù đã rút ngắn đà giảm tối đa nhưng các chỉ số vẫn không thể bật xanh do áp lực “đè giá” của các mã cổ phiếu ngân hàng. Thanh khoản tiếp tục đạt mức khủng với hơn 1,000 tỷ đồng mỗi sàn.
Phiên giao dịch buổi chiều, thị trường ảm đạm hơn buổi sáng, tuy nhiên bên bán đã yếu dần tạo điều kiện để bên mua nâng đỡ một số mã cổ phiếu tăng giá trở lại như VSH, SSI, IJC, OGC, HAG, REE, HPG… thậm chí tăng kịch trần như ITA, LCG, TDC…
Cuối phiên, tổng số mã tăng đạt 134 mã, vượt qua số mã giảm (100 mã). Điều này giúp VN-Index thu hẹp mức giảm còn 0.98 điểm, tức chỉ giảm 0.22% so với tham chiếu và kết thúc phiên tại 444.02 điểm.
Nếu STB, EIB không giảm sàn và các mã MSN, VIC, MBB thu hẹp mức giảm hoặc quay về mốc tham chiếu nhiều khả năng VN-Index đã bật xanh trở lại.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng có sự phân hóa vào cuối phiên với EIB và STB giảm kịch sàn, MBB giảm 2.42%, trong khi VCB và CTG quay về mốc tham chiếu. Tuy nhiên, cổ phiếu ngân hàng vẫn có giao dịch sôi động nhất với MBB đạt hơn 9.63 triệu đơn vị, EIB hơn 9.3 triệu đơn vị, STB hơn 3 triệu đơn vị. CTG và VCB đều đạt khoảng 1 triệu đơn vị/mã.
Tính chung toàn phiên, HOSE có 101 triệu đơn vị, giảm hơn 50 triệu đơn vị so với phiên trước, giá trị giao dịch cũng giảm hơn 730 tỷ đồng xuống còn 1,428 tỷ đồng.
Tại sàn HNX, giao dịch có sự giằng co mạnh vào cuối phiên, có lúc HNX-Index bật xanh nhưng áp lực bán khá mạnh vào những phút chót, đặc biệt là việc ACB giảm kịch sàn đã khiến HNX-Index tiếp tục giảm 0.17 điểm, tương ứng 0.23% chốt phiên tại 75.03 điểm.
Bên mua của HBB và SHB đã thành công khi giữ cho hai mã cổ phiếu này tăng giá kịch trần vào cuối phiên với giao dịch khủng 27.3 triệu đơn vị và 11.27 triệu đơn vị khớp lệnh với dư mua trống rỗng.
Điểm đáng chú ý là việc cổ phiếu ngành chứng khoán vẫn tăng kịch trần với khối lượng giao dịch tăng mạnh như APS, WSS, AVS, HPC, ORS, CTS, PSI, VIG, SVS, APG, PHS… Đây cũng là phiên thứ hai nhóm cổ phiếu này tăng giá bất chấp biến động của thị trường. Tuy nhiên, mức tăng của ngành chỉ đạt 0.52% do các mã chủ chốt như VND, KLS, BVS vẫn chìm trong sắc đỏ.
Một điểm đáng lưu ý nữa là việc nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục gom mạnh cổ phiếu với khoảng 10 triệu đơn vị tại HOSE, trong đó MBB được mua đến 1.18 triệu đơn vị, OGC gần 850 ngàn đơn vị. Ngoài ra còn có VCB, HPG, VSH, HAG, DPM… Bên cạnh đó họ mua vào hơn 5 triệu cổ phiếu tại HNX, trị giá 56.4 tỷ đồng với 2 mã chủ yếu là HBB và KLS với tổng cộng 3.6 triệu đơn vị mua vào.
Tính chung toàn sàn, thanh khoản vẫn giảm mạnh so với phiên trước, còn 118 triệu đơn vị, trị giá 1,054 tỷ đồng.
Phiên buổi sáng:
Hai sàn vẫn giảm, giao dịch tiếp tục đạt mức cao
Khép lại phiên giao dịch buổi sáng, VN-Index tiếp tục giảm điểm do tác động tiêu cực từ việc EIB và STB giảm kịch sàn và một số mã cổ phiếu lớn khác. Lực bán cũng mạnh dần lên khiến HNX-Index lại đảo chiều đi xuống.
VN-Index giảm 3 điểm, tương ứng 0.67% tạm dừng tại 442 điểm. Chỉ số VN30 cũng mất đến 5.79 điểm, tức khoảng 1.14% lùi về 502.62 điểm.
HNX-Index giảm nhẹ hơn, với 0.28 điểm, tương ứng 0.37% lùi về 74.92 điểm
Trong khi đó, giao dịch ở hai sàn vẫn tăng vọt. HNX có 97.64 triệu đơn vị, trị giá 860.73 tỷ đồng và HOSE có 84.73 triệu đơn vị, tương đương 1,155.87 tỷ đồng.
Số lượng cổ phiếu giảm ở hai sàn vẫn chiếm đa số với gần 350 mã, còn lại có 180 mã tăng và 175 mã đứng yên.
Đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục gom cổ phiếu mạnh ở cả hai sàn. Theo đó, họ mua vào hơn 7 triệu đơn vị tại HOSE với các mã như MBB, OGC, VCB, VSH, HPG, HSG… Đồng thời mua vào đột biến gần 5 triệu đơn vị tại HNX, trị giá 52 tỷ đồng, chủ yếu là hai mã HBB và KLS với tổng cộng hơn 3.5 triệu đơn vị, còn lại là PVS, PVX, PGS…
Sau 11h00: Lực cầu trở lại hay bulltrap?
Lực cầu bất ngờ quay trở lại vào cuối phiên giao dịch buổi sáng, lượng bán ra dần được vét sạch khiến cho nhiều cổ phiếu đảo chiều tăng trở lại, các chỉ số cũng có xu hướng phục hồi.
HNX-Index bật xanh lúc 11h10 khi HBB, SHB và nhiều mã cổ phiếu chứng khoán khác đồng loạt tăng kịch trần với lượng bán ra được vét sạch.
Đến 11h15, HNX đã có đến 91.5 triệu đơn vị chuyển nhượng, tương ứng 805 tỷ đồng. Toàn sàn có 80 mã tăng, nhưng vẫn còn 216 mã giảm, 101 mã đứng yên. Tuy nhiên nếu lực cầu tiếp tục được duy trì, đà tăng nhất định có thể quay trở lại.
Chỉ riêng HB đã có hơn 21.5 triệu đơn vị, chuyển nhượng, SHB là gần 9.5 triệu đơn vị, KLS, VND, PVX… lần lượt rút ngắn biên độ giảm.
Ở HOSE, chỉ số VN-Index cũng chỉ giảm 1.45 điểm, tức 0.33% đạt 443.55 điểm, các mã VIC, VNM tăng giá, BVH quay về mốc tham chiếu. Các mã ngân hàng khác cũng dần rút ngắn mức giảm, ngoại trừ STB vẫn giảm sàn.
Giao dịch tại sàn này đã đạt gần 80 triệu đơn vị, tương ứng gần 1,100 tỷ đồng
10h30: Áp lực xả hàng ngày càng mạnh
Lượng bán ra vẫn chiếm áp đảo, số lượng cổ phiếu giảm cũng chiếm đa số từ sau 10h00. Điều này cho thấy, đợt phục hồi nhẹ trước đó chỉ là chiêu “dụ hàng” của bên bán.
Sau 10h00, có lúc VN-Index lại giảm gần 9 điểm, đến 10h30 thu hẹp lại còn 7.55 điểm, tức giảm 1.7% so với tham chiếu còn 437.45 điểm.
Toàn sàn có đến 173 mã giảm giá, với 59 mã giảm kịch sàn. Còn lại có 60 mã tăng giá, và 76 mã đứng yên. Chỉ số VN30 cũng giảm đến 10.35 điểm xuống 498.06 điểm.
Giao dịch được nâng lên gần 55 triệu đơn vị, trị giá 752 tỷ đồng.
Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục giảm mạnh, đồng thời lượng bắt đáy các mã này cũng khá lớn. EIB giảm kịch sàn nhưng có đến 6.5 triệu cổ phiếu chuyển nhượng, MBB giảm 3.64% với 5.4 triệu cổ phiếu giao dịch. STB cũng giảm hết biên độ với gần 2 triệu đơn vị khớp lệnh.
Ngay cả những cổ phiếu tăng mạnh trước đó như VSH, OGC, PVF… cũng đều đảo chiều giảm giá trước áp lực xả hàng khá mạnh.
Trong khi đó, hai mã SHB và HBB tại HNX vẫn giằng co mạnh quanh mốc tham chiếu. Sự rung lắc này đã đưa đến việc 14 triệu cổ phiếu HBB khớp lệnh sau 1h30’ mở cửa, SHB cũng có gần 7 triệu đơn vị chuyển nhượng, đưa giao dịch toàn sàn lên 66 triệu đơn vị, tương đương 579 tỷ đồng.
Lượng xả hàng mạnh tiếp tục làm cho HNX-Index rớt 2.1% điểm số xuống còn 73.62 điểm.
Toàn sàn có đến 223 mã giảm giá, trong đó hơn ½ giảm kịch sàn. Chỉ có vỏn vẹn 67 mã tăng giá.
9h50: Rung lắc chỉ để gom hàng?
Bất ngờ giảm sâu sau khi thông tin giảm lãi suất được công bố, tuy nhiên hầu hết lượng bán ra được thu gom một cách nhẹ nhàng. Đà giảm theo đó cũng thu hẹp dần. Câu hỏi đặt ra liệu đây có phải động thái rung lắc thị trường để gom hàng của nhà đầu tư lớn?
Không ít người đã lo sợ và bán ra khi thị trường giảm mạnh. Theo đó, thanh khoản tăng lên đáng kể. Lúc 9h50, đã có hơn 36 triệu đơn vị chuyển nhượng tại HOSE, trị giá 473 tỷ đồng. HNX cũng có đến 48.5 triệu đơn vị khớp lệnh, tương đương 418 tỷ đồng.
Từ mức giảm gần 9 điểm, VN-Index thu hẹp còn 2.84 điểm, tức chỉ giảm 0.64% so với tham chiếu.
HNX-Index cũng chỉ giảm 0.84 điểm, tương đương 1.12% còn 74.36 điểm.
Cổ phiếu ngân hàng tại HOSE tuy vẫn còn giảm nhưng biên độ đã thu hẹp đáng kể, trong khi các mã có thị giá nhỏ, và yếu tố đầu cơ cao như NVT, SBS, SAM, BGM, HT1, TNT… bất chấp xu hướng của thị trường.
Hai mã HBB, SHB tại HNX sau ít phút giảm nhẹ cũng lấy lại sắc xanh du chưa mạnh như các phiên trước.
Trong khi cổ phiếu ngành chứng khoán vẫn tăng mạnh mẽ với các mã như APS, HPC, ORS, AVS, VIG…
9h30: Lo sợ giảm sâu, bên bán tiếp tục chốt lời
Lo sợ thị trường có thể điều chỉnh sâu sau khi hầu hết thông tin tốt đều đã được công bố, nhà đầu tư ồ ạt bán ra để bảo toàn lợi nhuận khiến giá cổ phiếu cũng như các chỉ số đồng loạt giảm mạnh.
Tính đến 9h30, với hàng loạt cổ phiếu giảm giá, đặc biệt là MSN và STB giảm kịch sàn đã làm cho chỉ số VN30 tiếp tục mất thêm 13.56 điểm, tương ứng 2.67% xuống 494.85 điểm.
Tính chung trên toàn sàn, với gần 160 mã giảm giá, đặc biệt là các bluechips làm cho VN-Index rớt 8.68 điểm, tương đương 1.96% lùi về 434.06 điểm. Giao dịch đạt khoảng 21 triệu đơn vị, tương đương 277.85 tỷ đồng.
Sàn HNX, lực bán áp đảo đổ vào các mã cổ phiếu hot những ngày qua như HBB, SHB, KLS, VND, WSS… với khối lượng hàng triệu đơn vị, trong khi đó một số mã thuộc ngành chứng khoán vẫn tăng kịch trần như APS, VIG với lực mua áp đảo.
Với hơn 150 mã giảm giá, HNX-Index bị đẩy tụt 1.62 điểm, tương ứng 2.15% xuống còn 73.8 điểm.
Giao dịch đạt khoảng 28 triệu đơn vị, trị giá 246.86 tỷ đồng, trong đó, riêng HBB đã chiếm hơn 7 triệu đơn vị, SHB gần 3.8 triệu đơn vị, và PVX hơn 2 triệu đơn vị…
Mở cửa: Áp lực chốt lời vẫn chiếm ưu thế
Hàng loạt thông tin tốt được tung ra dường như là lúc để nhà đầu tư chốt lời hơn là tiếp tục mua vào. Quan sát thị trường trong những phút mở cửa cho thấy lượng bán ra chiếm ưu thế so với lượng mua vào.
HNX-Index bật mạnh hơn 1% ngay khi mở cửa và vượt qua mốc 76 điểm, nhưng ngay sau đó đã điều chỉnh giảm trở lại do áp lực bán ngày càng mạnh.
Đến 9h15, HNX-Index giảm 0.2 điểm, tương ứng 0.28% lùi về 75 điểm và xu hướng giảm còn tiếp tục.
Các mã vốn hóa lớn hầu hết đều giảm như PVX, KLS, VND, ACB, VCG, PVS, NVB, BVS… tổng cộng hơn 80 mã, còn lại chỉ có 60 mã tăng, còn lại 250 mã đứng yên.
Hai mã HBB và SHB tiếp tục tăng giá nhưng biên độ khá thấp, chủ yếu do bên bán mạnh hơn bên mua vào.
Giao dịch toàn sàn đạt gần 13.5 triệu đơn vị, trị giá 121 tỷ đồng. Trong đó, HBB và SHB chiếm hơn 6 triệu đơn vị.
Cổ phiếu ngân hàng như đang vào giai đoạn thoái trào ở cả hai sàn với áp lực bán mạnh từ nhà đầu tư. Lần lượt các mã như STB, VCB, CTG, MBB, EIB tại HOSE và ACB, NVB đều giảm giá nhẹ.
BVH tăng nhẹ đầu phiên nhưng sự sụt giảm của hàng loạt bluechips làm cho VN-Index vẫn giảm 2.26 điểm trong đợt khớp lệnh thứ nhất, tương ứng 0.51% xuống 442.74 điểm. Giao dịch toàn sàn đạt 6.5 triệu đơn vị, tương đương 84 tỷ đồng. Các mã như VSH, NVT, SBS tiếp tục tăng giá đồng thời có giao dịch cao nhất.
Viết Vinh (Vietstock)
FINFONET
|