Thứ Ba, 06/03/2012 09:31

Nhịp đập Thị trường 06/03: Thanh khoản kỷ lục, ai là người được lợi?

Thị trường đã có một phiên điều chỉnh và phân phối cực mạnh với thanh khoản kỷ lục, nhưng thực chất phiên điều chỉnh này chủ yếu rơi vào những mã chủ chốt, có sức ảnh hưởng lớn đến các chỉ số. Trong khi nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn tiếp tục đà tăng mạnh, hoặc chỉ giảm nhẹ.

Thống kê các nhóm cổ phiếu theo vốn hóa cho thấy, chỉ số Large Cap giảm đến 3.47%, trong khi Mid Cap và Small Cap chỉ giảm 0.7% và 0.91%, thậm chí Micro Cap còn tăng nhẹ 0.28%.

Với tác động tiêu cực từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, trong đột một loạt mã giảm sản như MSN, BVH, EIB, VCB, DPM, PVD, hoặc giảm khá mạnh như VIC, VNM, STB, FPT đã làm cho VN-Index mất 12.21 điểm, tương đương 2.67% xuống 445 điểm.

VN30 thậm chí còn giảm mạnh hơn, với 16.53 điểm, tức khoảng 3.15% xuống còn 508.41 điểm. 

Với HNX-Index, đà giảm của ACB, PVS, PVI, PVX, PVC… và hơn 140 mã khác làm cho chỉ số mất 0.58 điểm, tương ứng 0.77% xuống 75.2 điểm.

Hầu hết cổ phiếu lớn đều dồn về phía giảm

Toàn phiên cả hai sàn có tổng cộng 337.61 triệu đơn vị chuyển nhượng, tương ứng với giá trị 3,816.58 tỷ đồng. Trong đó, riêng HNX đã chiếm 182.12 triệu đơn vị, trị giá 1,652.59 tỷ đồng và HOSE chiếm 154.49 triệu đơn vị, tương đương 2,164 tỷ đồng.

Nếu như phiên trước, bên mua dồn dập tung các lệnh đua trần để “năn nỉ” bên bán vẫn không buồn để ý. Khiên cho thị trường có một phiên cháy hàng với cổ phiếu tăng trần hàng loạt, còn thanh khoản thì lẹt đẹt.

Nhưng ở phiên này, chỉ một vài động tác xả hàng với các mã cổ phiếu chủ chốt tại HOSE như BVH, MSN, VNM, EIB, STB, VCB… và một loạt các mã khác trong rổ VN30 cũng đủ làm cho bên bán hoảng sợ. Kết quả lực cung gia tăng đột biến, ngay cả những cổ phiếu “cháy hàng” thời gian qua như NVT, SBS, HBB, SHB, MBB… đều có lượng khớp lệnh hàng triệu đến hàng chục triệu đơn vị mỗi mã.

Nhà đầu tư nước ngoài cũng tận dụng cơ hội thị trường điều chỉnh để mua vào 10.2 triệu đơn vị tại HOSE, với các mã được mua nhiều như VSH, HPG, OGC, STB, PVF, KBC, REE, VCB, HAG, HSG…

Họ cũng giao dịch khá mạnh tại HNX với 30.2 tỷ đồng mua vào và 28.7 tỷ đồng bán ra.

Nhìn chung, với diễn biến thị trường phiên này cho thấy, cả bên bán lẫn bên mua đều hài lòng. Khi bên bán chốt được mức lợi nhuận mong muốn, trong khi bên mua có được hàng với mức giá vừa phải mà không phải vất vả tranh mua như ở các phiên trước.

13h45: Giao dịch giằng co, hai sàn tiếp tục giảm

Phiên giao dịch buổi chiều, thị trường có xu hướng lình xình và giằng co mạnh giữa bên mua và bên bán. Những mã chủ chốt giảm giá khiến cho VN-Index vẫn ghi nhận mức giảm khá mạnh. HNX-Index có một vài phút tăng điểm nhưng không đủ sức để giữ vững đà tăng này.

Khép lại đợt khớp lệnh liên tục (13h45), VN-Index tiếp tục giảm 8.8 điểm, tương ứng 1.92% xuống 448.41 điểm. Giao dịch tăng thêm khoảng 21 triệu đơn vị lên 146.53 triệu đơn vị; giá trị cũng tăng thêm khoảng 308 tỷ đồng lên 2,045 tỷ đồng.

Số lượng mã giảm vẫn chiếm áp đảo với 154 mã, còn lại là 84 mã tăng và 52 mã đứng yên. Trong đó, khoảng 60 mã tăng kịch trần, hầu hết là các mã vốn hóa vừa và nhỏ.

HNX-Index giảm nhẹ hơn, với 0.19 điểm, tương ứng 0.25% xuống 75.59 điểm. Thanh khoản tăng lên 170.8 triệu đơn vị, tương đương 1,538 tỷ đồng.

Hai mã HBBSHB tiếp tục có giao dịch khủng, và lực cầu giá trần chiếm áp đảo so với bên bán.

Phiên buổi sáng: Sắc đỏ ngập tràn, thanh khoản tăng kỷ lục

Không thể lấy lại đà tăng, thị trường tiếp tục giảm sâu vào cuối phiên giao dịch buổi sáng. Tuy nhiên, đây được xem là cơ hội để nhà đầu tư cầm tiền có thể vào hàng một cách dễ dàng thể hiện qua lượng giao dịch tăng kỷ lục.

HOSE có 125.54 triệu đơn vị chuyển nhượng, tương đương 1,737 tỷ đồng. HNX cũng có đến 161 triệu đơn vị, trị giá 1,449 tỷ đồng, hầu hết đều thực hiện thông qua giao dịch khớp lệnh.

Việc cổ phiếu có lượng giao dịch hàng chục triệu đơn vị không còn là chuyện hiếm ở thời điểm hiện tại. Cụ thể như MBB có 14.52 triệu đơn vị khớp lệnh chỉ trong buổi sáng, EIBITA đều có hơn  5 triệu đơn vị giao dịch mỗi mã, cùng hàng loạt mã khác có giao dịch trên 1 triệu đơn vị.

Tại HNX, giao dịch còn mạnh mẽ hơn nhiều, HBB có 36.15 triệu đơn vị khớp lệnh, VND với 12.68 triệu đơn vị, KLSPVX đều có hơn 9 triệu đơn vị mỗi mã, hay SHB có trên 8.44 triệu đơn vị chuyển nhượng, nhưng vẫn dư mua giá trần 2 triệu đơn vị và bên bán trống trơn.

Nhìn chung, sắc đỏ và lực bán chốt lời chiếm ưu thế trong phiên giao dịch buổi sáng. Điều này làm cho VN-Index tạm mất 9.02 điểm, tức 1.97% lùi về 448.19 điểm. Và HNX-Index cũng mất 0.13 điểm, tức 0.17% tạm chốt tại 75.65 điểm.

Nhà đầu tư nước ngoài nhân cơ hội này đã mua vào gần 9 triệu cổ phiếu tại HOSE, tuy nhiên lại bán ra với giá trị gần 30 tỷ đồng tại HNX, nhưng chỉ mua vào xấp xỉ 19 tỷ đồng.

Trước 11h00: Dấu hiệu chốt lời đã chựng lại?

Sắc đỏ dần thay thế sắc xanh và các chỉ số đang giảm điểm mạnh mẽ trước áp lực chốt lời quá mạnh, đặc biệt nhắm vào các mã chủ chốt ở cả hai sàn.

Lúc 10h50, VN-Index mất gần 12 điểm rớt về 445 điểm và HNX-Index cũng giảm hơn 1 điểm, tức trên 1.3% lùi về dưới 75 điểm.

Tại HOSE, cả MSN và EIB đồng loạt giảm kịch sàn, BVH cũng mất gần 4%, CTGSTB cũng giảm với biên độ tương tự.

MBB thoi thóp ở mức giá tham chiếu. Tổng cộng toàn sàn có hơn 160 mã giảm, chỉ còn khoảng 70 mã tăng.

Giao dịch đạt trên 106 triệu đơn vị, trị giá 1,484 tỷ đồng, trong đó MBB đã chiếm hơn 13.35 triệu đơn vị.

Tại sàn HNX, lượng dư mua giá trần hơn 29 triệu đơn vị của HBB đều khớp sạch, tương tự, lượng dư mua hơn 10 triệu đơn vị của SHB cũng có hơn 8 triệu đơn vị khớp lệnh, phần còn lại bên mua nhanh chóng hủy hàng để tránh cú xả.

Giao dịch tăng vọt lên 130 triệu đơn vị, trị giá 1,193 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thị trường đang có dấu hiệu tích cực hơn vào ít phút trước 11h00, khi đà giàm được chặng đứng và có xu hướng thu hẹp trở lại.

10h30: Chốt lời cực mạnh

Áp lực chốt lời quá mạnh đã khiến VN-Index không thể ngẩng đầu từ sau 10h00 mà còn bị nhấn chìm bởi số lượng cổ phiếu giảm giá ngày càng lớn, đặc biệt là áp lực từ việc MSN giảm kịch sàn.

Sau 10h30, MSN bất ngờ rơi xuống mức giá sàn, cùng với việc giảm giá của hàng loạt bluechips khác nên VN-Index từ việc lình đã giảm mạnh gần 5.5 điểm tính đến 10h35, tương ứng mức giảm 1.2% lùi về 451.72 điểm.

Hàng loạt các mã trong VN30 giảm giá, khiến chỉ số này giảm 8.55 điểm, tương đương 1.63% lùi về 516.39 điểm.

Các mã cổ phiếu ngân hàng hầu hết đều giảm, ngoại trừ MBB duy trì mức tăng nhẹ 3.07 điểm, nhưng lượng bán ra cũng còn khá mạnh.

Khoảng 2 phút sau đó, VN-Index tiếp tục giảm 7 điểm chạm mốc 450 điểm. Giao dịch lúc này đã vọt lên 91.5 triệu đơn vị, trị giá 1,305 tỷ đồng. Thị trường còn 100 mã tăng, 129 mã giảm và 57 mã đứng yên.

Sàn HNX cũng chứng kiến một số mã bluechips giảm giá như PVX, ACB, PVS, PVC, DCS, ngay cả BVH, IDJ… cũng chịu áp lực bán mạnh. Điều này khiến HNX-Index đứng trước  nguy cở giảm điểm mặc dù một số mã của sàn này vẫn tăng như VND, KLS, HBB, SHB…

Giao dịch lúc 10h40 đã vượt lên 96 triệu đơn vị, tương đương 941 tỷ đồng.

9h55: Lực cầu áp đảo, hai sàn tiếp tục khởi sắc

Sau ít phút kiểm tra lực cầu, lượng cung nhanh chóng được tiêu thụ hết, lệnh mua giá trần tiếp tục đổ vào thị trường giúp VN-Index đảo chiều tăng điểm, HNX-Index cũng dần lấy lại phong độ.

VN-Index đảo chiều tăng điểm lúc 9h54 đến 9h57 đạt mức tăng 1.12 điểm, tức 0.24% nhờ 62 mã tăng kịch trần và khoảng 90 mã khác tăng giá. Tuy nhiên, việc MSN, VNM, BVH tiếp tục duy trì sắc đỏ khiến thị trường khó tăng mạnh.

MBB dù bán ra lớn nhưng đều được hấp thụ, đưa thanh khoản mã này lên 10 triệu đơn vị, và lực mua giá trần tiếp tục thắng thế.

Giao dịch toàn sàn vọt lên 63 triệu đơn vị, trị giá 917 tỷ đồng.

Ở HNX, lượng chốt lời còn mạnh mẽ hơn, nhưng đều được dọn sạch với gần 72 triệu đơn vị, trị giá 683 tỷ đồng.

Các chỉ số đảo có xu hướng giằng co do bên bán chốt lời mạnh

9h30: Áp lực điều chỉnh đang đến

Một sự đảo chiều khá nhanh và bất ngờ trên cả hai sàn, đặc biệt tại HOSE khi nhóm bluechips đồng loạt chuyển sang sắc đỏ. Cùng với đó là lượng giao dịch tăng mạnh.

VN-Index từ mức tăng gần 9 điểm đã chuyển sang sắc đỏ lúc 9h36 khi giảm 0.76 điểm, tức rớt 0.17% so với tham chiếu.

Chỉ số VN30 còn giảm  mạnh hơn, với 3.64 điểm, tương đương 0.69% xuống 521.31 điểm.

Sự điều chỉnh của BVH (-2.38%), MSN (-2.42%), VNM (-1.05%), STB (-2.58%) hay EIB (-1.47) và rất nhiều mã khác thu hẹp biên độ tăng điểm.

Chỉ trong vài phút, toàn sàn chỉ còn khoảng 50 mã tăng kịch trần, giảm hơn ½ so với trước đó.

Giao dịch tăng vọt lên 40 triệu đơn vị, trị giá 582 tỷ đồng. MBB là mã bị bán mạnh với hơn 6.55 triệu đơn vị, các mã khác như EIB, VNE, SSI, LCG… đều có từ 1 – 2 triệu đơn vị chuyển nhượng mỗi mã.

HNX-Index mặc dù vẫn còn giữ sắc xanh nhưng đã thu hẹp đáng kể biên độ tăng điểm, toàn sàn cũng chỉ còn 100 mã tăng kịch trần. Giao dịch lại tăng vọt lên 41.5 triệu đơn vị, trị giá 421.32 tỷ đồng.

Việc hầu hết các mã vốn hóa lớn đều mất giá trần làm cho HNX-Index chỉ còn tăng 1.56%, tức 1.18 điểm đạt 76.96 điểm.

VND, KLS, PVX, VCG, SCR… tiếp tục là những mã được bán mạnh, với dư bán cả triệu đơn vị.

Mở cửa: Lực bán chốt lời đã xuất hiện

Lực cầu tiếp tục gia tăng mạnh mẽ trong những phút mở cửa. Lượng hàng bán ra vẫn không đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư giúp các chỉ số tăng điểm và cổ phiếu tăng trần hàng loạt.

Sau 15 phút mở cửa, toàn sàn có hơn 420 mã tăng giá, trong đó 270 mã tăng kịch trần. Lượng tiết cung đã có phần hạn chế so với phiên trước, thể hiện qua thanh khoản hai sàn đã cải thiện đáng kể. HOSE có gần 9 triệu đơn vị chuyển nhượng, trị giá 125 tỷ đồng. Vài phút sau đó, lượng giao dịch đã vượt qua mốc 20 triệu đơn vị. Trong đó, riêng MBB đã có hơn 5 triệu cổ phiếu chuyển nhượng ở mức giá trần.

Tại sàn HNX, giao dịch vượt 20 triệu đơn vị, trị giá hơn 216 tỷ đồng, trong đó, VND có hơn 5 triệu cổ phiếu, KLS chiếm 2.5 triệu đơn vị và PVX gần 1.7 triệu đơn vị. Hầu hết đều tăng kịch trần, ngoại trừ PVX mới tăng 5.61% do lực bán vẫn còn khá mạnh.

Các chỉ số ở hai sàn tăng mạnh mẽ, VN-Index khởi đầu với mức tăng 8.42 điểm, tương ứng 1.84% đạt 465.63 điểm. Chỉ số này bị kiềm hãm bởi việc MSN đảo chiều giảm 0.81% và một số bluechips khác chỉ tăng nhẹ như BVH (+1.59%), VNM (+0.52%), hay EIB (+3.43%).

Các mã cổ phiếu ngân hàng khác tiếp tục tăng kịch trần với lực cầu mạnh. Tuy nhiên, với MBB lượng chốt lời có dấu hiệu gia tăng.

Ở sàn HNX, chỉ số tăng đến 4.26% chỉ sau 15 phút mở cửa, tương ứng 3.23 điểm lên 79.01 điểm.

Lượng dư mua của HBB tiếp tục đạt mức khủng với hơn 20 triệu đơn vị, ở mức giá trần, trong khi bên bán trống rỗng. Tương tự, SHB cũng có dư mua giá trần với khoảng 10 triệu đơn vị.

Viết Vinh (Vietstock)

FINFONET

Các tin tức khác

>   Vietstock Daily: Nhận định thị trường chứng khoán ngày 06/03 (05/03/2012)

>   Nhịp đập Thị trường 05/03: Tiền từ các ngả cùng đổ vào chứng khoán (05/03/2012)

>   Thêm 71 doanh nghiệp chốt quyền dự đại hội 2012 (04/03/2012)

>   Thêm 71 doanh nghiệp chốt quyền dự đại hội 2012 (04/03/2012)

>   Thêm 71 doanh nghiệp chốt quyền dự đại hội 2012 (04/03/2012)

>   Vietstock Weekly 05 - 09/03: Động lực tăng trưởng rất mạnh mẽ (04/03/2012)

>   Chứng khoán Tuần 27/02 – 02/03: Dòng tiền đã thực sự trở lại! (02/03/2012)

>   Nhịp đập Thị trường 02/03: Lòng tham lấn át nỗi sợ (02/03/2012)

>   Vietstock Daily 02/03: Dòng tiền ở lại? (01/03/2012)

>   Nhịp đập Thị trường 01/03: Sóng ngân hàng, tâm điểm thị trường đầu tháng 3 (01/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật