Thứ Ba, 13/03/2012 09:50

Ngân hàng ngoại “săn” đối tác khỏe

Trong lúc nhiều ngân hàng trong nước muốn mua lại những ngân hàng yếu, thì ngược lại, các nhà đầu tư nước ngoài lại có xu hướng lựa chọn mua cổ phần của những ngân hàng khỏe.

Theo Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, những ngân hàng yếu kém sẽ buộc phải thực hiện mua bán và sáp nhập (M&A), nếu không tiến hành tự nguyện. Sự quyết liệt vào cuộc của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại đang khiến thị trường ngân hàng Việt Nam trở nên hấp dẫn với cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Ông Toshifumi Iwaguchi, Giám đốc điều hành RECOF, công ty chuyên tư vấn M&A của Nhật Bản khẳng định: “Các nhà đầu tư Nhật Bản rất quan tâm đến đầu tư vào Việt Nam thông qua hình thức M&A. Bên cạnh ngành hàng tiêu dùng, ngân hàng là lĩnh vực được các nhà đầu tư Nhật Bản đặc biệt quan tâm. Việc Ngân hàng Mizuho của Nhật Bản đã thành công trong việc mua lại 15% cổ phần của Vietcombank trong năm 2011 là một ví dụ điển hình, mở đường cho thương vụ M&A ngân hàng tiếp theo giữa Việt Nam và Nhật Bản. Tôi tin chắc rằng, trong năm 2012, sẽ có thêm một số thương vụ M&A giữa DN hai nước trong lĩnh vực ngân hàng”.

Tổng giám đốc Ngân hàng Sumitomo Chi nhánh Hà Nội (Sumitomo đã mua 15% cổ phần của Eximbank - EIB) cũng cho biết, theo quy định, Sumitomo không thể trở thành cổ đông chiến lược của một ngân hàng nào nữa tại Việt Nam, song trước làn sóng M&A sôi động, ngân hàng này cũng đang tính tới môi giới các thương vụ M&A.

Tuy nhiều ngân hàng trong nước không ít lần lên tiếng sẵn sàng thực hiện M&A với ngân hàng yếu, nếu được NHNN bật đèn xanh, nhưng thực ra, nguồn lực của các ngân hàng trong nước không thật mạnh. Chưa kể, bản thân các ngân hàng này cũng còn nhiều vấn đề nội tại phải xử lý. Hơn nữa, không phải ngân hàng nội nào cũng có thể bỏ ra một số tiền lớn và có đủ năng lực quản trị để gánh vác thêm một ngân hàng yếu. Trong khi đó, các ngân hàng nước ngoài có nguồn tài chính dồi dào, đặc biệt có lợi thế rất mạnh về công nghệ, năng lực quản trị.

Điều quan trọng không kém là nhiều đối tác nước ngoài đang “nhắm” tới thị trường Việt Nam như một mảnh đất hấp dẫn đầu tư.

Vì lẽ đó, nhiều chuyên gia ngân hàng dự báo, thời gian tới, sẽ có nhiều ngân hàng nước ngoài tham gia rót vốn vào các ngân hàng thương mại Việt Nam. Được biết, sau thương vụ đàm phán thất bại với Nova Scotia, Vietinbank (CTG) đang đàm phán với đối tác ngoại khác. BIDV cũng đang lựa chọn đối tác chiến lược nước ngoài trong số hơn 40 nhà đầu tư bày tỏ ý định mua cổ phần của Ngân hàng này. Được biết, một đối tác châu Âu cũng đang đàm phán với Oceanbank để mua 15-20% cổ phần và cử đại diện tham gia vào ban lãnh đạo của ngân hàng này.

Mặc dù vậy, các ngân hàng nước ngoài chủ yếu săn tìm cơ hội đầu tư tại các ngân hàng nội “khỏe”. Giám đốc một công ty tư vấn, môi giới các thương vụ M&A tại Việt Nam tiết lộ, hiện có 2 ngân hàng nước ngoài đang nhờ công ty này tìm hiểu để mua lại cổ phần của các ngân hàng này. Yêu cầu đặt ra là ngân hàng trong nước không nhất thiết phải lớn, nhưng tương đối khỏe mạnh, có sổ sách minh bạch, độ rủi ro thấp. “Với room cổ phần chỉ được 15%, không được đưa ra quyết định trong điều hành, nên các ngân hàng nước ngoài phải lựa chọn các ngân hàng tương đối khỏe mạnh, có tiềm năng phát triển, chứ không thể mạo hiểm mua cổ phần của các ngân hàng yếu”, vị giám đốc này nói.

Ông Albert Ng, Tổng giám đốc điều hành Ernst & Young Trung Quốc cho rằng: “Để các thương vụ M&A thành công, ngân hàng Việt Nam  cần coi đây là cơ hội để nâng cao năng lực quản trị, học tập công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô…, chứ không phải chỉ lo bị thâu tóm”.

Hà Tâm

đầu tư

Các tin tức khác

>   BIC có thể bán hơn 20% cp cho NĐT chiến lược (13/03/2012)

>   HBB bác bỏ thông tin bị SHB mua lại (13/03/2012)

>   SBS: Phát hành thành công 800 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi (12/03/2012)

>   SHB mua lại HBB? (12/03/2012)

>   Nên có cách nhìn rộng hơn về thâu tóm (12/03/2012)

>   HCM: Phát hành thành công 1 triệu cp thưởng ESOP (09/03/2012)

>   ELC phát hành 7.3 triệu cổ phiếu trả cổ tức (09/03/2012)

>   DongABank được phát hành 50 triệu cổ phiếu (08/03/2012)

>   Bi kịch của thâu tóm doanh nghiệp (08/03/2012)

>   BIC thúc đẩy tìm cổ đông chiến lược (07/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật