Myanmar thức giấc (kỳ 2): Con hổ mới của châu Á
Với những thành tựu đạt được một thời gian ngắn sau những chính sách cải tổ, nhiều người tin rằng khi Myanmar hoàn toàn mở cửa và thoát khỏi các biện pháp cấm vận của nước ngoài, đất nước này một lần nữa sẽ vươn mình, trở thành một con hổ kinh tế mới của khu vực.
* Myanmar thức giấc (kỳ 1): Ngôi sao mới tỏa sáng
Tiềm năng
Theo tạp chí Business Monitor International (BMI), nếu Hoa Kỳ dỡ bỏ cấm vận đối với Myanmar, nước này có thể chỉ mất 10 năm để đạt được nền kinh tế “thị trường sơ khai” (frontier market) như Việt Nam hiện nay. Trong thực tế, từ tháng 11-2007 BMI đã nhận định Myanmar có tiềm năng trở thành một “Thái Lan thứ 2”. Myanmar có dân số đông (60 triệu người, gần 34 triệu người trong độ tuổi lao động) trong khi trữ lượng mỏ dầu và khí đốt khá lớn, tiềm năng về nông nghiệp, du lịch cao, giá thành sản xuất thấp.
Còn Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ nhận định gia tăng xuất khẩu có thể đưa Myanmar trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ 6 thế giới trong năm nay. Ngoài ra, Myanmar còn có tiềm năng lớn về khai thác gỗ, đá quý (90% ngọc ruby trên thế giới đến từ Myanmar), kim loại, trong khi tỷ lệ biết chữ cao (85%).
Từng là thuộc địa của Anh nên người Myanmar thừa hưởng ý thức chấp hành luật pháp rất nghiêm chỉnh, khả năng giao tiếp tiếng Anh tốt. Bên cạnh đó, gần 90% dân số theo đạo Phật nên tính tình hiền lành, trung thực, có ý thức bảo vệ môi trường thiên nhiên.
Cách nay 3 năm, Myanmar được đưa vào danh sách các nước BLANKs (gồm Myanmar, Lào, Afghanistan và Triều Tiên). Tất cả những nước này đều là các nền kinh tế bị cô lập nhưng có tiềm năng phát triển cao. Từ đó đến nay, Lào đã phát triển khá tốt, nhưng nhiều người tin rằng Myanmar còn có tiềm năng lớn hơn do dân số đông và tài nguyên thiên nhiên cũng đa dạng hơn.
Myanmar ước tính tăng trưởng kinh tế sẽ khoảng 6% trong năm 2012. Trên báo cáo đầu tiên trong hơn một thập kỷ qua về tình hình kinh tế Myanmar công bố ngày 25-1, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hoan nghênh tiến trình cải cách của Myanmar và cho rằng chính quyền mới Naypyidaw đang “đứng trước một cơ hội lịch sử để thúc đẩy phát triển kinh tế, qua đó nâng cao đời sống người dân”.
Thách thức
Một vấn đề mấu chốt cho phát triển kinh tế Myanmar là liệu nước này có hoàn toàn thoát khỏi thế cô lập do các áp đặt cấm vận của nước ngoài trong thời gian tới hay không. Hiện 2 thế lực lớn nhất đe dọa đến tự do kinh tế - thương mại ở Myanmar là Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU).
Cho đến nay, cả 2 thế lực này đều đang dỡ bỏ dần cấm vận đối với Myanmar, trong đó EU có khả năng sẽ dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận trong tháng 4 tới. Hoa Kỳ thận trọng hơn nhưng cũng lên tiếng sẽ hoàn toàn dỡ bỏ cấm vận nếu chính quyền Naypyidaw mở cửa hơn nữa và dân chủ hóa tốt hơn. Một khi các cấm vận được dỡ bỏ, đầu tư từ các nước phương Tây sẽ tràn vào Myanmar để khai thác thị trường được cho là đầy tiềm năng trong tương lai này.
Một tồn tại lớn nữa của nền kinh tế Myanmar hiện nay là hệ thống tỷ giá hối đoái bất cập, trong đó đồng nội tệ kyat (MMK) được quy định tỷ giá chính thức 6,4MMK/1USD. IMF đang hỗ trợ chính quyền Naypyidaw cân đối lại hệ thống này, nhưng vẫn cần thời gian.
Ngoài ra, thủ tục xin phép đầu tư tại Myanmar hiện nay khá rườm rà và mất nhiều thời gian. Trước hết nhà đầu tư phải nghiên cứu dự án, ký hợp đồng thuê đất với cơ quan của chính phủ. Trước đây, theo quy định, nhà đầu tư chỉ được phép thuê đất của chính phủ, nhưng gần đây chính phủ đã cho phép thuê đất của tư nhân. Nếu có liên doanh với đối tác Myanmar phải ký hợp đồng liên doanh, lấy ý kiến của bộ, ngành liên quan đến dự án đó.
Nhà đầu tư phải chuẩn bị rất nhiều giấy tờ đi kèm (35 loại) để trình lên Ủy ban Đầu tư Myanmar. Theo Luật Đầu tư nước ngoài đang được chỉnh sửa, số lượng giấy tờ xin phép sẽ được giảm bớt và quy trình cũng được rút ngắn.
Đối sách
Để vượt qua trở ngại và tận dụng được “cơ hội lịch sử”, IMF cho rằng Myanmar phải tận dụng được những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên giàu có, lực lượng lao động trẻ và vị trí kinh tế chiến lược.
Bước đầu tiên trong quá trình này là triển khai một chương trình cải tổ kinh tế nhắm đến mục tiêu thiết lập được sự ổn định vĩ mô.
|
Myanmar được thừa hưởng một hạ tầng giao thông đồng bộ từ thời thuộc địa Anh. (Ảnh: đường phố ở Yangon). |
Nếu thành công, quá trình này sẽ tạo được một nền tảng kinh tế cho phép đầu tư và phát triển nhanh mà không tạo ra những hệ quả bất ổn. Ngoài việc điều chỉnh những bất cập trong hệ thống tỷ giá hối đoái, IMF khuyên Myanmar nên hiện đại hóa toàn bộ hệ thống tài chính.
Điều này bao gồm việc gia tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn cho các doanh nghiệp tư nhân, thông qua những biện pháp như tự do hóa các quy định cho vay, mở rộng mạng lưới ngân hàng ra các vùng nông thôn, khuyến khích cạnh tranh giữa các ngân hàng thương mại và hình thành được các khu vực giữa ngân hàng thương mại và ngân hàng quốc doanh.
Thêm vào đó, nên cho phép liên doanh với các ngân hàng nước ngoài để học hỏi được công nghệ và quản trị. IMF cho rằng tín dụng đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp của Myanmar và cải cách ruộng đất cần bảo đảm rằng nông dân có thể dùng đất để thế chấp vay vốn, các ngân hàng tư nhân nên được khuyến khích cho vay vào lĩnh vực này. Đầu tư vào hạ tầng nông thôn, tăng ngân sách đối với y tế và giáo dục cũng là những vấn đề cơ bản.
Dân chủ hóa và cải cách không nghi ngờ gì là con đường đúng đắn giúp Myanmar hóa hổ. Mới đây nhất (ngày 20-2), Myanmar đã dỡ bỏ hạn chế tranh cử đối với các đảng đối lập. Chính phủ Thein Sein còn rất khôn ngoan khi nhờ Singapore giúp đỡ cải cách các lĩnh vực pháp lý, ngân hàng và tài chính.
Bước đi này giúp Myanmar vừa có thể học hỏi được ở chỗ đáng học hỏi vừa không phải “ngã” quá mạnh theo phương Tây hay Trung Quốc.
Văn Cường
SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH
|