Mùa ĐHCĐ: Ngành thủy sản chung nỗi lo
Doanh nghiệp thủy sản niêm yết đang có sự phân hóa khá rõ rệt giữa một bên là các doanh nghiệp chìm trong thua lỗ, phía còn lại là các doanh nghiệp ăn nên làm ra. Tuy hoàn cảnh khác nhau nhưng những khó khăn các doanh nghiệp đang đối mặt không mấy khác biệt.
Phân hóa mạnh
Hiện số lượng các doanh nghiệp trong ngành thủy sản niêm yết trên cả 3 sàn chiếm khá lớn với 26 công ty, trong đó phần lớn tập trung tại HOSE. Trong khi đó, sàn HNX có 4 công ty và UPCoM có 2 công ty. Nếu phân loại theo mặt hàng chủ lực, có 4 doanh nghiệp sản xuất tôm là CTCP Tập đoàn thủy sản Minh Phú (MPC), CTCP Sao Ta (FMC), CTCP Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cadovimex (CAD) và CTCP Chế biến thủy sản và Xuất nhập khẩu Cà Mau (CMX).
Ngoài doanh nghiệp sản xuất nhuyễn thể là CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (ABT) còn lại đều chế biến cá tra, basa.
Theo báo cáo tài chính năm 2011, hầu hết các công ty đều có doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ, trong đó nổi bật một số doanh nghiệp có mức tăng cao như CTCP Việt An (AVF), CTCP Chế biến thủy sản xuất khẩu Ngô Quyền (NGC) và CTCP Thủy sản Hùng Vương (HVG).
Tuy nhiên, do các chi phí đầu vào tăng mạnh so với năm 2010, đặc biệt là chi phí lãi vay đã tác động khá lớn tới lợi nhuận khiến hơn 50% số công ty có mức lợi nhuận sụt giảm rất mạnh. Điển hình là CMX hay CTCP Thủy sản Gentraco (GFC). Cá biệt, có CTCP Basa (BAS), CAD là 2 doanh nghiệp đã lỗ sau 2 năm liên tiếp nhưng vẫn chưa thoát lỗ trong năm vừa qua và nguy cơ bị hủy niêm yết trong năm 2012 là rất cao.
Khó khăn chung
Trong mùa ĐHCĐ năm 2012, các doanh nghiệp thua lỗ triền miên như CMX, GFC, BAS hay CAD phải đối mặt với sự chất vấn quyết liệt từ phía các cổ đông và NĐT là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp đang ăn nên làm ra mùa ĐHCĐ năm nay cũng không diễn ra trong êm ả bởi hàng loạt những tồn tại trong thời gian dài vẫn chưa có hướng giải quyết dứt điểm.
Có thể lấy HVG làm dẫn chứng. Trong những năm gần đây mặc dù doanh thu của HVG vẫn tăng nhưng lợi nhuận không ổn định. Năm 2009 nhờ hoàn nhập khoản dự phòng cho cổ phiếu AGF (CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang) và lãi do điều chỉnh tỷ giá, nên dù doanh thu chỉ tăng trên 3% nhưng lợi nhuận tăng gần 2 lần so với 2008.
Khó khăn của doanh nghiệp thủy sản hiện nay là thị trường xuất khẩu.
Năm 2010 nhờ tăng sở hữu tại AGF lên 51,08%, nên sau khi hợp nhất doanh thu của HVG tăng 44%. Tuy nhiên do chi phí bán hàng và chi phí lãi vay tăng mạnh, lần lượt 72% và 157%, nên lợi nhuận giảm 32%. Năm 2011, dù lợi nhuận tăng 4,7 lần so với năm 2010 nhưng chủ yếu từ việc thanh lý tài sản cố định.
Việc lợi nhuận của HVG tăng chậm hơn tốc độ tăng của doanh thu do nguồn thu từ hoạt động tài chính sụt giảm trong khi một số chi phí tăng mạnh. Xem xét kỹ hơn có thể thấy chi phí tài chính tăng tới 50%, trong đó chi phí tiền lãi vay chiếm hơn một nửa.
Ngoài ra HVG phải trích lập dự phòng gần 29 tỷ đồng cho các khoản đầu tư tài chính. Đáng lưu ý nhất là chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gấp 4 lần từ 32 tỷ đồng lên tới 132 tỷ đồng, chủ yếu do HVG trích lập dự phòng phải thu khó đòi của khách hàng nước ngoài và số dư các khoản dự phòng này đang tăng dần trong vài năm trở lại đây. Đây hiện được xem là thực trạng đáng lo ngại đối với HVG bởi nó không chỉ làm suy giảm lợi nhuận mà còn tác động xấu đến dòng tiền của doanh nghiệp.
Một trong những vấn đề đáng quan tâm đối với các doanh nghiệp thủy sản là thị trường xuất khẩu. Cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu được đánh giá sẽ có những diễn biến phức tạp khó lường hơn trong năm 2012 và tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là cá tra.
Trong khi đó, mặt hàng tôm, đặc biệt tôm thẻ chân trắng sẽ gặp nhiều cạnh tranh hơn khi ngành tôm Thái Lan hồi phục sau trận lũ lụt lịch sử và ngành tôm Brazil, Trung Quốc hồi phục sau dịch bệnh.
Việc nhiều diện tích nuôi tôm, nghêu bị thiệt hại nặng trong năm 2011 và giá cá tra đang trong xu hướng giảm là những yếu tố tác động tiêu cực đến hoạt động nuôi trồng, có thể khiến tình trạng thiếu nguyên liệu tiếp tục căng thẳng trong năm 2012.
Ngoài ra chất lượng vẫn sẽ tiếp tục là vấn đề gây lo ngại khi số lượng các lô hàng bị cảnh báo, đặc biệt tại thị trường Nhật Bản, có chiều hướng gia tăng khiến nhiều nước cho biết sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn. Bên cạnh khó khăn về đầu ra, thách thức lớn nhất đối với sự phát triển của ngành thủy sản là tình trạng thiếu hụt nguyên liệu.
Hiện năng lực cấp đông của toàn ngành khoảng 4,5-5 triệu tấn nhưng sản lượng khai thác nội địa chỉ khoảng 2,5 triệu tấn, từ đó dẫn đến việc có nhiều doanh nghiệp chỉ hoạt động khoảng 50% công suất trong những lúc cao điểm do không đủ nguyên liệu.
Hải Hồ
sài gòn đầu tư tài chính
|