Thứ Năm, 29/03/2012 13:25

PVN rót vốn PVX: Hiệu quả đầu tư trái ngành?

Việc Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) bán thành công 137,5 triệu CP cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cùng một số tổ chức khác sau khi thất bại trong việc chào bán cho cổ đông hiện hữu, CBCNV và đối tác chiến lược khiến thị trường không khỏi bất ngờ. Nhưng đằng sau sự thành công này, có không ít vấn đề đáng bàn.

Mập mờ bơm vốn vào các công ty con

Theo như phương án phát hành CP ban đầu (tháng 4-2011) của PVX, mục đích tăng vốn để đầu tư góp vốn vào công ty con, công ty liên kết để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời duy trì tỷ lệ góp vốn của PVX tại các đơn vị theo kế hoạch phát triển đã được PVN, ĐHCĐ và HĐQT thông qua; đầu tư mua máy móc thiết bị thi công các công trình PVX làm tổng thầu; nâng cao năng lực kinh doanh; đầu tư tương lai, với điều kiện đảm bảo mang lại lợi ích cho PVX và cổ đông…

Đi vào chi tiết, PVX dự kiến thu được 2.700 tỷ đồng và phân bổ như sau: Góp vốn đầu tư vào các đơn vị thành viên 2.267 tỷ đồng và đầu tư mua máy móc thiết bị 433 tỷ đồng. Trong phần góp vốn, PVX chia làm 2 loại bao gồm góp vốn vào các công ty con thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính với số tiền 2.180 tỷ đồng, góp vốn vào các công ty liên kết số tiền 87 tỷ đồng.

Nhưng nhìn vào danh sách các công ty con thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính, nhiều người sẽ đặt câu hỏi với những cái tên sau: CTCP Bất động sản xử lý Dầu khí Việt Nam (PVC Land), CTCP Bất động sản Tài chính Dầu khí Việt Nam (PVFC Land), CTCP Đầu tư Hạ tầng Đô thị Dầu khí (Petroland), CTCP Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR)… PVX sẽ góp vốn vào những công ty này thông qua việc mua lại cổ phần, mua trên TTCK và tham gia các đợt phát hành.

Nói đến đây sẽ có người thắc mắc, mua trên TTCK thì góp vốn kiểu gì? Liệu đây là chiêu làm cho giá CP chạy và nhiều người nắm giữ bị “kẹp hàng” bán được CP thoát thân? Nếu muốn góp vốn thì có hàng loạt cách thức, chẳng hạn PVX đứng ra cho các công ty con của mình vay tiền.

Nhưng PVX cho biết sẽ mua trên TTCK để tăng sở hữu lên 51% thiết nghĩ cũng rất thừa thãi, bởi lẽ để duy trì tầm ảnh hưởng có nhiều cách khác nhau chứ không chỉ nâng lên 51%, chưa kể mua trên TTCK có thể đẩy giá CP lên cao và điều này sẽ làm gia tăng chi phí.

Thực tế, những công ty bất động sản đang trong giai đoạn khát vốn, chỉ cần PVX đứng ra cho vay thì tầm ảnh hưởng cũng đã cực lớn, chẳng cần phải góp vốn làm gì.

Nếu như PVX chọn lĩnh vực bất động sản là hoạt động chính của mình thì cũng cần đặt câu hỏi về chiến lược cụ thể là gì? Bởi lẽ việc mua lại hay tăng vốn góp chỉ mới là những biện pháp ban đầu, PVX sẽ định hướng cho các công ty con trong ngành bất động sản hoạt động thế nào? Hướng đi ra sao để giải quyết khó khăn? Chọn phân khúc nào để có đầu ra?

Đây là những câu hỏi đơn giản nhưng không thấy một định hướng rõ ràng nào từ PVX. Phần đầu tư mua máy móc thiết bị thi công các công trình PVX làm tổng thầu EPC như Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch với tổng số tiền 433 tỷ đồng nhưng lại được trình bày hết sức sơ sài trong phương án phát hành của PVX. Có thể những máy móc này phức tạp và phải là dân “có nghề” mới biết, nhưng như vậy không có nghĩa PVX có thể “vắn tắt” mà phải trình bày cụ thể hơn nữa.

Lắp đặt turbine điện tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Đối tác chiến lược, CBCNV, cổ đông quay lưng

Trở lại với những diễn biến của đợt phát hành: PVX bán ra 125 triệu CP mà chỉ có 9.609 CP đăng ký mua, tức lượng bán ra gấp hơn…13.000 lần lượng mua. PVX dành bán 12,5 triệu CP cho CBCNV nhưng cũng không ai đăng ký mua. Đây là một điểm rất đáng nói, 12,5 triệu CP của PVX bán với mệnh giá 1.0 thì tổng số tiền cần có để mua sẽ vào khoảng 125 tỷ đồng. Số tiền trên thực tế không phải là điều gì quá tầm đối với một đơn vị trực thuộc PVN và lớn như PVX.

Vậy tại sao hơn 11.000 CBCNV của PVX không bỏ ra 1 đồng nào để mua CP của công ty mình? Cho dù có vì bất kỳ lý do nào đi nữa, chẳng hạn phương án phát hành không hợp lý, hay CBCNV gặp vấn đề về tài chính… điều này rõ ràng đã ảnh hưởng đến hình ảnh của PVX. Sẽ không ngạc nhiên nếu có NĐT nào đó nói rằng “người nhà còn không mua CP thì người ngoài sao dám mua?”.

Một lý do được nhiều NĐT phán đoán là tại thời điểm PVX chốt quyền để phát hành CP thêm vào tháng 12 năm ngoái (ngày 12-12), thị giá của PVX trên sàn chỉ ở mức 0.8-0.9. Điều này cũng có nghĩa là mua phát hành 1.0 trong khi mua trên sàn còn rẻ hơn, tất nhiên không ai muốn mua. PVX chào bán được cho đối tác chiến lược 100 triệu CP với giá 1.2.

Nếu căn cứ theo phương án tăng vốn ban đầu, thì đối tác chiến lược sẽ bỏ ra khoảng 1.200 tỷ đồng, chưa đến 60 triệu USD để có thể nắm giữ 20% cổ phần của một doanh nghiệp hàng đầu như PVX không phải là đắt nhưng cuối cùng cũng không bán được 1 CP nào.

Cần lưu ý rằng, rất nhiều tổ chức sẵn sàng trả giá đắt, cao hơn hẳn giá trên sàn để mua CP nên chuyện dưới mệnh giá không phải là vấn đề. Phải chăng do định hướng kinh doanh, hợp tác của PVX có vấn đề nên các tổ chức tạm thời đứng im?

“Người nhà” chống lưng

Tuy nhiên, HĐQT của PVX đã có phương án xử lý gần 137,5 triệu CP (số CP mà cổ đông hiện hữu và CBCNV không mua) bằng cách bán cho 4 tổ chức bao gồm: PVN, Oceanbank, CTCP Đầu tư và Vật liệu PVV, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu xây dựng Đông Thành với giá 1.0.

Kết quả như PVX đã công bố là toàn bộ số CP trên đã được tiêu thụ rất nhanh chóng. Như vậy, đợt phát hành của PVX có thể tạm xem như thành công (chỉ có 100 triệu CP không chào bán được cho đối tác chiến lược).

Trong phương án “chữa cháy” của PVX, chỉ riêng PVN đã mua vào 110 triệu CP với giá 1.0. Trước khi mua vào PVN đã sở hữu hơn 103 triệu CP, tức PVN cũng là cổ đông hiện hữu của PVX. Vậy tại sao PVN lại không mua với tư cách cổ đông hiện hữu với số lượng khoảng 51,5 triệu CP mà lại đợi đến bây giờ để mua số lượng nhiều hơn là 110 triệu CP?

Như đã nói ở trên, thời điểm chốt quyền mua giá của PVX dưới 1.0, nhưng hiện nay giá đã trên 1.0. Liệu có phải vì lý do giá cả mà PVN hoãn rồi lại quyết định mua hay không? Nếu vậy cần phải xem lại ý định mua vào của PVN đối với PVX: Đầu tư lâu dài hay đảm bảo tỷ lệ thì việc “soi giá” quá kỹ sẽ không hợp lý.

Việc so kè giá chỉ phù hợp với kiểu mua đứt, bán đoạn, đầu tư ngắn hạn, như vậy NĐT nên cẩn trọng khi hàng triệu, thậm chí chục triệu CP PVX có thể xả ra bên ngoài bất cứ lúc nào.

Việc mua vào 110 triệu CP của PVX với giá 1.0 cũng có nghĩa là PVN bỏ ra số tiền tương đương 1.100 tỷ đồng. Cho dù quy mô, vị thế của PVN có lớn đi chăng nữa thì số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng cũng không phải là nhỏ, nhất là trong tình hình hiện nay.

Còn nhớ, PVN đã công bố với báo giới không dùng vốn dành cho các hoạt động dầu khí để đầu tư kinh doanh bất động sản. Trong khi đó, PVX lại là đơn vị thành viên duy nhất thực hiện chức năng này.

Việc PVN rót tiền cho PVX có thể xem như PVN lại tiếp tục đầu tư vào hoạt động bất động sản hay không? Nếu PVX sử dụng số tiền này để đầu tư chuyên sâu cho hoạt động xây lắp các công trình trong ngành dầu khí, sản xuất công nghiệp, tức là PVN không đầu tư thêm vào ngành bất động sản.

Ngược lại, nếu PVX tiếp tục theo đuổi các dự án bất động sản của mình bằng cách đầu tư trực tiếp, rót vốn cho các công ty con hay bằng hình thức nào khác cần phải đặt câu hỏi về hiệu quả đầu tư của PVN và PVX.

Minh Đăng - Thành Long

sài gòn đầu tư tài chính

Các tin tức khác

>   BSC đặt kế hoạch 5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (29/03/2012)

>   C21 đặt chỉ tiêu lợi nhuận hợp nhất 101 tỷ đồng (29/03/2012)

>   PIT dự kiến thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 100:4 (29/03/2012)

>   BMC: Ước doanh thu quý 1 đạt 105 tỷ đồng (28/03/2012)

>   CSG: HĐQT sẽ xin ý kiến giải thể công ty (28/03/2012)

>   SMT: Kế hoạch lợi nhuận 2012 tăng gần 6 lần năm 2011 (28/03/2012)

>   BMJ, NT2, C32 chốt quyền dự ĐHĐCĐ thường niên 2012 (29/03/2012)

>   PRUBF1: Chưa có ý định chuyển đổi sang quỹ mở (28/03/2012)

>   BMI: 2 tháng doanh thu phí bảo hiểm gốc vượt kế hoạch (28/03/2012)

>   VietCapitalBank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 53% (28/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật