Mùa ĐHCĐ: Cần những cú siết tay
Trong mùa ĐHCĐ năm nay, dù là cổ đông thiểu số nhưng nếu có những cú siết tay, quyền lợi của họ có thể khác.
Từ cuối tháng 3 đến hết tháng 4 là giai đoạn cao điểm tổ chức ĐHCĐ của các công ty đại chúng. Điểm qua những đại hội đã tổ chức để thấy chưa có nhiều cuộc đối chất nảy lửa giữa cổ đông và ban lãnh đạo doanh nghiệp, chưa có nhiều cuộc đại hội kéo dài từ sáng đến chiều, chưa có nhiều đại hội, ban điều hành và HĐQT phải để lại nhiều quyết sách để cân nhắc thêm.
Đó có thể là điều đáng mừng cho ban lãnh đạo các doanh nghiệp khi một sự kiện quan trọng trong năm diễn ra khá bình lặng. Nhưng phía sau sự bình lặng ấy, có thể lý giải phần nào ở sự khó khăn của doanh nghiệp khiến cổ đông không còn hứng thú tham gia và đóng góp ý kiến tại đại hội; có thể lý giải phần nào ở việc nhiều nhà đầu tư mua cổ phần với mục đích “lướt sóng” hơn là đồng hành cùng doanh nghiệp.
Trong mùa ĐHCĐ năm nay, dù là cổ đông thiểu số nhưng nếu có những cú siết tay, quyền lợi của họ có thể khác.
Ở thời điểm khó khăn này, hơn ai hết, chính các cổ đông phải là người tiên quyết bảo vệ quyền lợi của mình, trước khi đòi hỏi trách nhiệm và sự can thiệp từ người khác.
Còn nhớ các mùa đại hội cổ đông trước, cổ đông nhỏ lẻ của Ngân hàng Quốc tế VIB đã thành công khi yêu cầu Ngân hàng xem xét lại kế hoạch chia cổ tức quá thấp 5%. Sau đó ngân hàng này đã điều chỉnh tăng tỷ lệ cổ tức lên 10%.
Cổ đông Đạm Phú Mỹ phản đối việc mua cổ phần của đạm Cà Mau, vì phương án không hiệu quả. Cổ đông của Công ty tài chính Viettel - Vinaconex không thông qua phương án thưởng cho Ban điều hành, vì Công ty vượt kế hoạch lợi nhuận nhưng tỷ suất lợi nhuận trên vốn còn ở mức thấp.…
Hiện tại, giới đầu tư đang chú ý diễn tiến tại CTCP Cáp Sài Gòn (CSG). Năm 2012, Ban điều hành Công ty xây dựng kế hoạch doanh thu 400 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 30 tỷ đồng và chia cổ tức 12%. Tuy nhiên, HĐQT Công ty lại vừa đề nghị Ban điều hành xây dựng phương án giải thể, thanh lý tài sản trình ĐHCĐ năm 2012 thông qua.
Chưa phân tích sâu xa và tính khả thi của việc CSG giải thể, nhưng trước mắt, đó có thể là động thái chủ động bảo toàn quyền lợi của cổ đông trước khi tài sản của Công ty “bốc hơi” nếu kinh doanh thua lỗ. Hơn ai hết, chính cổ đông CSG sẽ quyết định số phận đồng vốn của mình.
Trước mùa ĐHCĐ, chưa có một thống kê nào được thực hiện để biết được có bao nhiêu doanh nghiệp niêm yết có khả năng phá sản, bao nhiêu doanh nghiệp đã âm vốn chủ sở hữu, bao nhiêu cổ phiếu mệnh giá thấp mà nếu ham rẻ mua vào là NĐT “đánh bạc với đồng vốn của mình”. Nhìn trên bảng điện tử, vẫn có những NĐT đặt cược theo phương châm “được ăn cả, ngã về không” với những cổ phiếu như SHN, VSP, MHC, thậm chí có những doanh nghiệp như SBS lỗ luỹ kế hơn 600 tỷ đồng, nhưng vẫn tăng trần gần 20 phiên.
Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giữa tuần này công bố, lũy kế từ đầu năm đến ngày 21/3/2012, cả nước đã có trên 2.200 doanh nghiệp làm thủ tục giải thể và khoảng 9.700 doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện các nghĩa vụ thuế. Khó khăn của doanh nghiệp là có thực, song nhà đầu tư khôn ngoan phải là người chủ động trong mọi ván cờ.
đầu tư chứng khoán
|