Mối đe dọa từ các nền kinh tế mới nổi
Đó là một mối lo ngại lớn giữa lúc cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu vẫn đang đè nặng lên khu vực này trong khi kinh tế Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục rõ ràng.
Brazil, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Nam Phi là 5 trong số các nền kinh tế được xem là động cơ tăng trưởng giúp kinh tế thế giới quay trở lại đường đua sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tuy nhiên, lần này, các nền kinh tế mới nổi sẽ khó có thể mang lại sự phục hồi như trước đây, do họ đang bận rộn giải quyết các vấn đề trong nước như đồng nội tệ mạnh, lạm phát cao, thâm hụt ngân sách và bong bóng bất động sản.
Những con số bất ngờ
Đầu tuần qua, Brazil cho biết nền kinh tế đã tăng trưởng chỉ khoảng 2,7% trong năm 2011, thấp hơn phân nửa so với con số mà Chính phủ dự đoán cách đây 1 năm. Đến thứ Tư, Brazil lại tiếp tục công bố sản lượng công nghiệp đã giảm 2,1% trong tháng 1, mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008. Tiếp đến, Ngân hàng Trung ương Brazil đã giảm lãi suất cơ bản tới 0,75 điểm phần trăm, nhằm kích thích tăng trưởng.
Không chỉ riêng Brazil, tăng trưởng kinh tế đều được điều chỉnh giảm tại các nền kinh tế mới nổi khác. Ở Trung Quốc, thứ Hai tuần qua, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã giảm chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế hằng năm của quốc gia này xuống còn 7,5% sau khi luôn giữ tốc độ trung bình 8% kể từ năm 2005. Trước đó 1 tuần, Ấn Độ cho biết kinh tế đã tăng chỉ 6,1% trong quý cuối cùng của năm 2011, chậm nhất trong 2 năm qua. Còn các chuyên gia kinh tế dự kiến tốc độ tăng trưởng của Nam Phi sẽ chậm, xuống còn 2,5% năm nay, một con số rất thấp so với chỉ tiêu 7% cách đây 1 năm.
Năm 2010, các chuyên gia kinh tế đã nói về một sự phục hồi 2 tốc độ, theo đó, các nền kinh tế mới nổi lao thẳng về phía trước trong khi các nền kinh tế phát triển tăng trưởng ì ạch. Nhưng bây giờ, cả 2 “cực” đều đang tăng trưởng chậm lại. Trong tháng 1.2012, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã giảm mức dự báo tăng trưởng năm 2012 của các thị trường mới nổi so với 3 tháng trước đó tới 0,7 điểm phần trăm chỉ còn 5,4%. Trong khi đó, nhóm này đã tăng trưởng 6,2% trong năm 2011.
Có nhiều yếu tố giải thích cho sự chậm lại này. Trong đó, Trung Quốc là yếu tố cực kỳ quan trọng. Nước này đã tăng trưởng với tốc độ trung bình 10% trong 30 năm qua. Thế nhưng, mô hình tăng trưởng lại phụ thuộc quá nhiều vào 3 trụ cột đang chịu nhiều áp lực: đó là xuất khẩu, đầu tư vào các ngành sử dụng nhiều vốn và sự tăng giá bất động sản.
Vì thế, khi các thị trường xuất khẩu như Mỹ, châu Âu bị tác động mạnh, Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng. Điều đáng lo ngại là sự hạ nhiệt tại Trung Quốc sẽ tác động lên khắp thế giới. Bởi lẽ Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil, Nam Phi và các nhà xuất khẩu hàng hóa lớn khác. Trong khi đó, Brazil không chỉ bị ảnh hưởng bởi nhu cầu giảm từ Trung Quốc mà còn từ chính các vấn đề nội tại chưa được giải quyết của đất nước mình như mức thuế suất quá cao, hạ tầng kém, nạn tham nhũng, hành chính rườm rà. Điều đó đã khiến cho Brazil trở thành một trong những nơi sản xuất hàng hóa đắt đỏ nhất thế giới.
Nam Phi cũng khó đạt được mức dự báo tăng trưởng 4% hằng năm mà Chính phủ đã đưa ra vào năm ngoái. Lý do là quốc gia này bị ảnh hưởng mạnh bởi phụ thuộc quá lớn vào nhu cầu hàng hóa từ Trung Quốc.
Nỗi ám ảnh của Đông Nam Á
Có thể thấy tăng trưởng của các quốc gia xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên như Indonesia và Philippines có liên quan mật thiết với những gì đang diễn ra tại Trung Quốc. Cả 2 nước này đều đã thoát khỏi bóng ma của cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008 phần lớn là nhờ kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng mạnh, đẩy cao nhu cầu về nguyên nhiên vật liệu. Tuy nhiên, giờ đây, cũng chính sự tăng trưởng của Trung Quốc đang đe dọa triển vọng tăng trưởng của không ít quốc gia Đông Nam Á. Và nếu Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn nữa thì nguy cơ sẽ cao hơn.
Ấn Độ cũng là mắt xích quan trọng trên con đường tăng trưởng của các quốc gia Đông Nam Á. Và quốc gia này cũng đã tăng trưởng chậm hơn so với dự kiến. Cách đây 1 năm, Ấn Độ đã dự đoán mức tăng trưởng 9% cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3.2012, nhưng gần đây, quốc gia này đã cắt mức dự báo xuống chỉ còn 7%.
“Tôi cho rằng những gì đang diễn ra tại các nước như Trung Quốc và Ấn Độ rất đáng báo động” Pahala Mansury, Giám đốc Điều hành kiêm Giám đốc Tài chính của PT Bank Mandiri, ngân hàng lớn nhất Indonesia xét về giá trị tài sản, nhận xét. Ông cho biết mặc dù ngân hàng của ông vẫn kỳ vọng Indonesia sẽ tăng trưởng hơn 6% trong năm nay, nhưng tình hình tại Ấn Độ và Trung Quốc vẫn là nhân tố khó tiên liệu và có thể sẽ đe dọa mức tăng trưởng này. “Lý do vì sao năm 2009, Indonesia vẫn tăng trưởng khoảng 4,5% là vì cả Trung Quốc và Ấn Độ đều tiếp tục tăng trưởng tốt”, ông nói.
Hiện tại, giới chuyên gia đang chờ đợi các đợt cắt giảm lãi suất khác tại các nền kinh tế Đông Nam Á nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Tháng vừa qua, Indonesia đã khiến cho các thị trường tài chính bất ngờ khi cắt giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất. Trong khi đó, gần đây, Ngân hàng Trung ương Philippines đã giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm.
“Tôi cho rằng vào tháng 4 tới, chúng ta sẽ chứng kiến các đợt hạ lãi suất khác tại Indonesia và Philippines nếu tăng trưởng vẫn cứ ì ạch và lạm phát tương đối hạ nhiệt”, ông Tim Condon, chuyên gia kinh tế khu vực của ING tại Singapore, nhận xét.
Đàm Hoa
nhịp cầu đầu tư
|