Lộ diện ứng cử viên sáng giá cho chức tân Chủ tịch WB
Nhiều người cho rằng, nhà kinh tế Jeffrey Sachs khá phù hợp với tiêu chí lựa chọn người thay thế Chủ tịch Robert Zoelick bởi nhiệm vụ chính của WB là chống nghèo đói toàn cầu và ông là một chuyên gia giỏi trong lĩnh vực này.
Nhà kinh tế Jeffrey Sachs đang được đánh giá là ứng cử viên sáng giá cho chức tân Chủ tịch WB. |
Mặc dù 23/3 mới là thời hạn chót để Ngân hàng thế giới (WB) chốt danh sách 3 ứng cử viên thay thế Chủ tịch Robert Zoellick, người tuyên bố từ chức hôm 16/2 và sẽ chính thức rời nhiệm sở ngày 30/6, kết thúc nhiệm kỳ 5 năm (2007-2012), nhưng giới chuyên môn cho rằng, danh tính của tân Chủ tịch WB đã được xác định.
Việc này diễn ra sau khi giới truyền thông Mỹ đăng tải danh sách ứng cử viên rút gọn (3 người), trong đó không có tên của nhà kinh tế Jeffrey Sachs. Ngày 16/3, 27 nghị sĩ của đảng Dân chủ cầm quyền ở Mỹ đã gây sức ép với Tổng thống Barack Obama trong việc đề cử ông Jeffrey Sachs làm tân Chủ tịch WB, thay thế ông Robert Zoelick sắp mãn nhiệm.
Theo 27 nghị sĩ này, ông Jeffrey Sachs là người có khả năng lãnh đạo WB bởi có kinh nghiệm phát triển kinh tế trên toàn cầu, cũng như nhận được sự ủng hộ và tôn trọng của nhiều nước trên thế giới. Thượng tuần tháng 3, ông Jeffrey Sachs đã tuyên bố muốn kế vị ông Robert Zoelick và lập tức nhận được sự tiến cử của các quốc gia Bhutan, Timor Leste, Haiti, Jordan, Kenya, Malaysia và Namibia.
Ông Jeffrey Sachs sinh ngày 5/11/1954, hiện là Giám đốc Viện Trái đất thuộc Đại học Columbia và là cố vấn của Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon trong “Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ”. Giới truyền thông đưa tin, ông Jeffrey Sachs được biết đến như một chuyên gia tư vấn cho chính phủ các nước thuộc châu Á và Mỹ Latinh trong chiến lược cải cách kinh tế. Và ông Jeffrey Sachs được giới chuyên môn khâm phục như một nhà kinh tế có khả năng làm thay đổi toàn diện nền kinh tế đang khủng hoảng, được đánh giá là một trong những nhà kinh tế xuất sắc nhất thế giới hiện nay.
Cách đây 7 năm (2005-2012), ông Jeffrey Sachs cho xuất bản cuốnThe end of poverty (Chấm dứt nghèo đói), trong đó nhấn mạnh những chiến lược để xoá bỏ nghèo đói, nhưng thái độ lạc quan này đã khiến một số người hoài nghi. Khi viết cuốn The end of poverty, ông Jeffrey Sachs muốn xây dựng một cách nhìn mới về nỗi thống khổ của những người nghèo nhất thế giới, vốn chiếm hơn một tỉ người. Theo đó, những cái chết này (mỗi năm trên thế giới có hơn 8 triệu người chết do quá nghèo) có thể hoàn toàn tránh được nếu các nước phát triển trên thế giới cùng chung sức ngăn chặn.
Ông Jeffrey Sachs cũng kêu gọi các nước giàu phải giúp các nước nghèo vượt qua cơn nguy khốn để có thể tự xoay xở, đồng thời cáo buộc thái độ thờ ơ của các nước phát triển trước vấn đề này. Được biết, ông Jeffrey Sachs từng giúp đỡ các nước như Bolivia, Ba Lan vượt qua thời kỳ kinh tế tồi tệ, cố vấn cho Giáo hoàng Jean Paul II về vấn đề giảm nợ cho Thế giới thứ ba, cũng như giúp thành lập Quỹ toàn cầu chống HIV/AIDS, bệnh lao và sốt rét… Ngoài ra, ông Jeffrey Sachs còn cổ vũ ý tưởng: các nước đang phát triển có thể bảo vệ môi trường trong khi cải thiện cuộc sống của người dân.
Nhiều người cho rằng, nhà kinh tế Jeffrey Sachs khá phù hợp với tiêu chí lựa chọn người thay thế Chủ tịch Robert Zoelick bởi nhiệm vụ chính của WB là chống nghèo đói toàn cầu và ông là một chuyên gia giỏi trong lĩnh vực này.
Ông Hekinus Manao, quan chức cao cấp của WB cũng nhấn mạnh, nhiệm vụ của WB là xóa đói giảm nghèo và điều này có nghĩa là, các quốc gia thành viên nên cử những người có kinh nghiệm quốc tế và có quyết tâm phát triển.
Theo tiết lộ của giới truyền thông Mỹ, trong khi ông Jeffrey Sachs, người mới tuyên bố muốn thay thế Chủ tịch Robert Zoelick không có tên trong danh sách thì 3 ứng cử viên không thích ngồi vào chiếc ghế này lại được chấm định. Đó là Thượng nghị sĩ John Kerry, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, người không muốn đảm nhận nhiệm vụ này bởi đang nhắm tới ghế của Ngoại trưởng Hilary Clinton. Tiếp đến là Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Susan Rice, người cũng đang chạy đua để thay thế bà Hilary Clinton.
Sau cùng là cựu Bộ trưởng Tài chính, Giáo sư kinh tế tại Đại học Harvard, từng là kinh tế trưởng WB Larry Summers (Lawrence Summers). Nhưng ông Larry Summers lại không nhận được sử ủng hộ của nhóm G7 bởi những quan ngại liên quan tới bằng cấp cũng như cách làm việc được cho là tương đối bảo thủ và cứng nhắc. Ông Larry Summers là Giám đốc đầu tiên của Hội đồng Kinh tế quốc gia dưới thời Tổng thống Barack Obama.
Ngoài những nhân vật kể trên còn phải kể tới Ngoại trưởng Hillary Clinton cho dù bà nói không quan tâm đến chức vụ này. Người tiếp theo là nhà sáng lập Microsoft Bill Gates; Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner; Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành hãng nước giải khát Pepsi, bà Indra Nooyi; Nandan Nilekani, người sáng lập Infosys, một công ty lớn về công nghệ của Ấn Độ và cựu Chủ tịch Đại học Brown, ông Ruth Simmons.
Theo quy định, 187 thành viên WB sẽ bầu chọn người thay thế Chủ tịch Robert Zoelick, nhưng kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, người đứng đầu WB là người Mỹ. Tuy đây là luật bất thành văn, nhưng nó đang tồn tại và khó thay đổi cho dù nhiều nước đã phản đối vấn đề này. Các cường quốc mới nổi thuộc nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã yêu cầu WB cần cởi mở hơn để có thể tìm được các ứng cử viên chất lượng cao từ những quốc gia khác.
BRICS cho rằng, đã đến lúc cần để một người không phải công dân Mỹ đứng đầu WB. Bởi quyền bỏ phiếu của các nước đang trỗi dậy và đang phát triển trên thế giới đã từ 44,06% tăng lên 47,19% trong năm 2010 và riêng Trung Quốc đã tăng từ 2,77% lên 4,4% trong năm 2010, đứng sau Mỹ và Nhật Bản...
Quốc Tuấn - Khắc Dũng
công an nhân dân
|