Khuyến khích tư nhân chế biến xuất khẩu thủy sản
Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân chế biến xuất khẩu thủy sản là một nội dung được Bộ Công Thương đề cập đến trong Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Quyết định nêu rõ, tiếp tục sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực chế biến thủy sản theo hướng cổ phần hóa, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp tư nhân chế biến xuất khẩu. Vùng nguyên liệu sản xuất tập trung thuộc các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, đầu tư cơ sở sản xuất thực phẩm đóng hộp tại Cần Thơ.
Bên cạnh đó, việc xây dựng các nhà máy chế biến thực phẩm, thủy hải sản với công nghệ tiên tiến tại các vùng thuận lợi về nguyên liệu cũng sẽ được chú trọng.
Đối với vấn đề chế biến thức ăn nuôi trồng thủy sản, quy hoạch lần này cũng hướng tới việc khuyến khích các cơ sở chăn nuôi đầu tư dây chuyền chế biến có quy mô vừa và nhỏ (0,5-1 tấn/giờ). Một số xưởng chế biến bột cá có công nghệ và thiết bị tiên tiến sẽ được xây dựng nhằm giảm lượng nhập khẩu bột cá và hạ giá thành thức ăn. Song song với đó, các kho trữ đông có công suất 10.000 tấn/năm cũng sẽ được đầu tư.
Tại quyết định quy hoạch giai đoạn này, vấn đề giết mổ và chế biến thịt cũng được đề cập tới. Theo đó, hệ thống cơ sở giết mổ thủ công phân tán ở hộ gia đình được hạn chế, thay vào đó là các cơ sở giết mổ tập trung xa khu dân cư có trang bị hệ thống kiểm dịch và xử lý môi trường.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn cũng sẽ được tạo điều kiện trang bị các dây chuyền giết mổ với quy mô công suất vừa và nhỏ từ 10-20 tấn/ngày.
Cơ sở chế biến xuất khẩu và tiêu dùng tại chỗ sản phẩm heo sữa, xúc xích, thịt hôm, thịt xông khói cũng được đề cập tới tại quy hoạch./.
Vietnam +
|