Khi xăng dầu chảy theo “ngõ ngách”
“Năm 2012 là năm kiểm soát chất lượng xăng dầu” như tuyên bố của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa với các doanh nghiệp đầu mối, theo hướng siết chặt hệ thống đại lý. Các doanh nghiệp đầu mối tỏ rõ cũng muốn như vậy. Nhưng chỉ riêng đại lý, liệu có thao túng được thị trường?
Các doanh nghiệp đầu mối lớn lại tiếp tục quy trách nhiệm cho đại lý và cho rằng nguyên nhân khiến chất lượng xăng dầu kém, gây nhiều hoài nghi trong dư luận thời gian qua chính là do các đại lý cố tình làm bậy để tăng lợi nhuận. Nhưng nếu chiếu theo Nghị định 84 thì trách nhiệm về kinh doanh xăng dầu, thuộc về “đầu mối và tổng đại lý”, họ phải kiểm tra, giám sát đồng thời chịu trách nhiệm liên đới nếu đại lý trong hệ thống có hành vi vi phạm. Chính Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cũng nhắc lại: “Trách nhiệm từ khâu nhập khẩu đến tay người tiêu dùng thuộc về các đầu mối”.
Tìm hiểu cơ chế vận hành của thị trường xăng dầu nội địa, sẽ không khó để nhận ra tình trạng đại lý thiếu chấp hành các quy định chung xuất phát từ sự nhập nhèm của đầu mối. Trong đợt kiểm tra giá xăng dầu tại một số đầu mối hồi cuối năm 2011, Bộ Tài chính đã chỉ ra, chính các doanh nghiệp đầu mối đã bắt tay với các đại lý làm sai lệch, thiếu minh bạch hồ sơ sổ sách bán hàng. Để cạnh tranh, việc chi thù lao đại lý tại một số thời điểm đã vượt cao hơn định mức chi phí kinh doanh để tính giá cơ sở. Như ở Petrolimex, thù lao đại lý từ 1-1 đến 26-8-2011 là 583 tỉ đồng (số tròn) và khoản này được giảm trừ vào giá bán trên hóa đơn nên không được thể hiện trên hóa đơn, sổ sách kế toán, trong số đó có 516 tỉ là chênh lệch giữa chi phí bán hàng thực tế phát sinh với chi phí kinh doanh theo định mức.
Ở PV Oil, các khoản thù lao đại lý không được hạch toán vào chi phí bán hàng mà đơn vị tiến hành đối chiếu và bù trừ số tiền thù lao đại lý được hưởng trước khi viết hóa đơn.
Tất nhiên các đoàn kiểm tra đều kết luận rằng việc doanh nghiệp đầu mối với đại lý bắt tay nhau hợp thức hóa sổ sách giấy tờ đều không ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng nhưng ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách (thuế). Mặt khác, người ta có thể hiểu sự bắt tay giữa đôi bên trong trường hợp này là đất sống cho những nhập nhèm về kiểm soát chất lượng xăng dầu cũng như số lượng xăng dầu từ đầu mối đến đại lý như hiện nay.
Và không chỉ có các doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý phải chịu trách nhiệm trực tiếp về những bất cập trong phân phối xăng dầu. Bộ Công Thương - nơi quản hệ thống này - cũng gián tiếp gây ra những lộn xộn, như cách phân tích của đoàn kiểm tra Bộ Tài chính hồi cuối năm 2011. Theo đó, việc Bộ Công Thương bãi bỏ quy định về mức thù lao đại lý, giao cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thỏa thuận với đại lý (hoặc tổng đại lý) về mức thù lao bán hàng (Quyết định số 32/2008/QĐ-BCT) và ban hành Thông tư 36 (2009) về quy chế đại lý kinh doanh xăng dầu, đã tạo nên sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và đại lý trên cùng một địa bàn, đẩy mức thù lao đại lý lên cao, gây khó khăn cho chính bản thân các doanh nghiệp đầu mối, tạo ra sự phức tạp, lộn xộn của thị trường bán lẻ xăng dầu, đồng thời không có một thước đo chuẩn mực để các cơ quan nhà nước thực hiện quản lý giám sát.
Trong khi đó, Bộ Công Thương lại nhiều lần đổ lỗi cho Bộ Tài chính đã chậm sửa đổi các quy định về chi phí định mức dù không còn phù hợp với thị trường. Tuy nhiên, là cơ quan quản lý nhà nước, hơn ai hết, bộ quản lý hệ thống phân phối xăng dầu này phải hiểu rằng, đích cuối cùng vẫn là phải tuân theo các văn bản pháp quy. Lập lờ các quy định pháp luật hiện hành, dù có thể không còn phù hợp, để mở ra nhiều “ngõ ngách” cho hệ thống phân phối thì việc mất kiểm soát là điều tất yếu phải xảy ra.
Ngọc Lan
TBKTSG
|