Gas tăng giá vô lý
Doanh nghiệp viện đủ lý do để tăng giá trong khi các cơ quan chức năng không kiểm soát được hoạt động kinh doanh mặt hàng này
Gas là mặt hàng tăng giá kinh khủng nhất trong thời gian qua. Từ tháng 1-2012 đến nay, gas đã 3 lần tăng giá với tổng mức tăng là 126.000 đồng, đẩy giá bán lẻ hiện nay lên 477.000 - 490.000 đồng/bình 12 kg. Riêng gas của hãng Shell có giá đến 516.000 đồng/bình 12 kg và Elf gas 514.000 đồng/bình 12 kg.
Gas còn nhiều, nhập giá cũ nhưng vẫn tăng giá
Lý giải cho việc tăng giá gas vào ngày 1-3 với mức 52.000 đồng/bình 12 kg, các doanh nghiệp cho rằng do giá gas nhập khẩu tháng 3 - 2012 tăng mạnh. Giá nhập khẩu gas trong tháng 1-2012 khoảng 880 USD/tấn, tháng 2-2012 là 1.025 USD/tấn, còn trong tháng 3-2012 lên đến 1.205 USD/tấn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhập khẩu lớn thường ký hợp đồng chốt trước từ 1 - 3 tháng.
Mỗi tháng, cả nước tiêu thụ khoảng 100.000 tấn gas, trong đó nguồn gas từ kho lạnh chiếm 40% (lượng hàng này do Tổng Công ty Khí Việt Nam nhập khẩu và trữ trên tàu lạnh để bán cho các doanh nghiệp trong nước), nguồn gas từ Dinh Cố và Dung Quất chiếm 40%, số còn lại 20% được các doanh nghiệp nhập khẩu trực tiếp. Nguồn gas trong nước chỉ đáp ứng được 40% thị trường và cũng được đấu thầu theo giá thế giới.
Cách đây vài ngày, Tổng cục Thống kê công bố trong tháng 1 và 2-2012, các doanh nghiệp đã nhập khẩu 142.000 tấn gas. Trong khi những tháng bình thường chỉ nhập khoảng 30.000 - 35.000 tấn. Như vậy, lượng gas nhập về trong 2 tháng đầu năm đủ sức cung cấp cho thị trường cả 2 tháng tiếp theo. Vì vậy, việc cho rằng tăng giá gas bởi giá nhập khẩu tăng trong tháng 3 là vô lý.
Đề nghị giảm thuế
Bà Lê Thị Anh Mẫn, Phó Tổng Giám đốc Saigon Petro, cho biết khi ký hợp đồng mua gas trong nước hay nhập khẩu chỉ được chốt giá premium (gồm chi phí vận chuyển, bảo hiểm, lợi nhuận bên bán khoảng 100 USD/tấn), còn khi nhập hàng tháng nào thì tính giá theo tháng đó chứ không chốt giá trước. Do đó, không có chuyện các doanh nghiệp trữ hàng với số lượng lớn từ những tháng trước đây. Chỉ những đầu mối nhập khẩu lớn mới nhập nhiều gas trong 2 tháng đầu năm.
Ông Nguyễn Sĩ Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, cũng cho biết ông bất ngờ trước thông tin số lượng gas nhập khẩu lớn trong 2 tháng qua bởi các doanh nghiệp kinh doanh đều nhận định giá gas thế giới sẽ giảm vào đầu tháng 2 và đến tháng 3 sẽ giảm tiếp nên họ không dám nhập nhiều.
Tuy nhiên, trên thực tế, do châu Âu lạnh bất thường nên nhu cầu sử dụng gas tăng cao làm giá gas tăng theo. Cũng theo ông Thắng, hiệp hội cũng đã kiến nghị với Bộ Tài chính điều chỉnh mức thuế nhập khẩu mặt hàng gas từ 5% xuống còn 2% để góp phần bình ổn giá gas trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này vẫn chưa thấy bộ trả lời.
Để giải quyết vấn đề sốt giá gas, theo TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội, cần phải giải quyết khâu trung gian. Giá gas trong nước cao ngoài việc giá gas thế giới tăng còn do khâu trung gian đẩy giá lên. Ngoài ra, cần phải làm rõ lợi nhuận của doanh nghiệp, những chi phí bất hợp lý cần phải xem xét lại, bắt buộc bán đúng giá quy định, nếu vi phạm phải xử lý ngay.
Chuyển sang dùng chất đốt khác
Một số hãng gas cho biết các đại lý nắm được thông tin đầu tháng 3 này, giá gas tiếp tục tăng cao nên những ngày cuối tháng 2, họ tranh thủ lấy hàng vào nhiều hơn bình thường để kiếm lời. Bà Trương Thị Nghĩa, ở quận 1 - TPHCM, bức xúc: “Nửa triệu đồng một bình gas thì không thể nào chịu đựng nổi. Chúng tôi phải sử dụng bếp điện để tiết kiệm”.
Ông Hà Đình Sang, Phó Giám đốc DNTN Đại Quang Minh (nhà phân phối gas tại TPHCM), thừa nhận giá gas tăng quá cao như hiện nay làm cho người tiêu dùng ngán ngẩm. Còn ông Nguyễn Sĩ Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, khuyên người tiêu dùng nên chuyển sang sử dụng các loại chất đốt khác để tiết kiệm chi phí. |
Nguyễn Hải
NGƯỜI LAO ĐỘNG
|