Thứ Năm, 01/03/2012 15:48

Khi các nông sản đồng loạt bị rớt giá ở miền Tây

Nhiều loại nông sản đang liên tục giảm giá khiến nông dân ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bị rối bời trong tính toán sản xuất. Cùng lúc đó, những nhà quản lý, tổ chức sản xuất nông nghiệp tỏ ra lúng túng trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm của nông dân sao cho có lời trong sản xuất nông nghiệp.

Mía nguyên liệu ở Hậu Giang. Theo thông tin từ các doanh nghiệp ngành mía đường, giá mía ở các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng... đang và còn tiếp tục giảm xuống trong vòng hai tuần tới.

Nhà nông chịu thiệt

Ông Trương Văn Hạnh, phó chủ nhiệm hợp tác xã Mỹ Thành (xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) thở dài: “Giá lúa chất lượng cao các loại hiện chỉ ở mức 5.500 đồng/kg, lúa IR 50404 ở mức 4.000 – 4.200 đồng/kg, nhưng hiện cũng ít người mua”. Ông Hạnh cho biết, theo hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), lúa IR 50404 sản xuất trong vụ đông xuân có thể xuất khẩu được, nhưng hiện lâm vào cảnh ế ẩm. “Mới bước vào vụ thu hoạch mà giá cả như vậy, nên nông dân sẽ càng khó hơn khi đến lúc rộ mùa. Cứ sản xuất, kinh doanh trong tình trạng như vậy thì nông dân khó có thể cải thiện được cuộc sống”, ông Hạnh nói.

Ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, người chăn nuôi đang bó gối thở dài khi giá heo hơi chỉ ở mức từ 4 – 4,3 triệu đồng/tạ. Ông Lê Văn Bảy ở xã An Thạnh Thuỷ than phiền: từ khi có thông tin một số người đã nuôi heo bằng chất cấm khiến người chăn nuôi điêu đứng vì giá heo không thể khá hơn, người nuôi heo cầm chắc bị lỗ lã. Tại thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) hiện đang rộ mùa thu hoạch hành tím, nhưng giá hành bị “rớt”, chỉ còn từ 4.500 – 5.000 đồng/kg, bằng phân nửa mức giá hồi tết vừa qua, khiến người trồng hành thua lỗ, mọi vốn liếng và công sức của họ đã bỏ ra cho mùa hành năm nay đã biến thành… mây khói. Ông Triệu Minh Dũng, nông dân ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải than: “Hành tím là đặc sản của Vĩnh Châu, nhưng giá cả đầu ra hiện tại chỉ bằng 1/5 so với cùng kỳ năm ngoái, làm cho người trồng không thể dự đoán được bất cứ điều gì”.

Cùng lúc này, đời sống của người trồng mía ở tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng… cũng đang lao đao do giá mía đang và còn tiếp tục giảm xuống trong vòng hai tuần tới – theo thông báo của ngành mía đường mới đây. Ông Trương Văn Hiền, ở xã Hiệp Hưng (Phụng Hiệp – Hậu Giang) ngao ngán: “Nhiều năm nay, người neo mía (không bán sớm) để chờ chữ đường cao thường luôn có lợi, thì năm nay, những người bán mía sớm (từ tháng 8.2011) lại có lợi hơn khoảng 20% so với người bán mía hiện nay”. Ông Hiền cho rằng, đây là một nghịch lý, nhưng người trồng mía biết làm gì hơn khi khó khăn của các nhà máy đường đã buộc người trồng mía phải chia sẻ với họ.

Điệp khúc thị trường thiếu ổn định

Ông Lê Minh Đức, giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Long An nhìn nhận: “Đời sống của nông dân đang gặp khó khăn, nhưng họ muốn vượt qua cũng không dễ, bởi vì, chi phí sản xuất đầu vào luôn tăng, trong khi giá cả đầu ra không ổn định”. Theo ông Đức, lẽ ra, ngành thương mại cần tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại để hỗ trợ cho nông dân có đầu ra đạt hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Đồng, giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang bức xúc: “Khi sản xuất còn nhỏ lẻ, các doanh nghiệp kêu ca rằng, sản phẩm có số lượng nhỏ không thể đáp ứng đủ cho các đối tác mua hàng khi họ có yêu cầu, nhưng khi quy mô sản xuất lớn lên, hàng hoá lại ứ đọng, bị rớt giá… cuối cùng, người chịu thiệt lại là nông dân, thật là bất công!”

Theo ông Đồng, chuyện sản xuất muối sạch cũng là một thực tế nan giải. Đồng muối ở các tỉnh Bạc Liêu, Bến Tre… trong những năm qua luôn ở trong tình trạng bị ế ẩm. Nhiều năm nay, chất lượng muối được cải thiện bằng các dự án sản xuất muối sạch (muối trắng, sản xuất theo phương pháp trải bạt), thế nhưng, muối nội địa vẫn khó cạnh tranh được với muối nhập khẩu với nhiều lý do khác nhau.

Giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, ông Dương Nghĩa Quốc khẳng định: “Với tiến bộ của khoa học kỹ thuật, mô hình sản xuất hiện nay, ngành nông nghiệp có thể sản xuất theo đơn đặt hàng, sản phẩm đủ khả năng đảm bảo năng suất và chất lượng, tuy nhiên, khó khăn lớn nhất lại nằm ở đầu ra của sản phẩm. Để tháo gỡ vướng mắc này, ngành thương mại cần vào cuộc sâu và rộng hơn để cải thiện tình hình. Hạn chế lớn nhất hiện nay là sự gắn kết giữa ngành nông nghiệp và thương mại còn lỏng lẻo, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp còn thiếu tính ổn định”.

Ngọc Thủy

SÀI GÒN TIẾP THỊ

Các tin tức khác

>   Tồn kho lớn, giá điều giảm mạnh (01/03/2012)

>   Khi dừa giảm giá 75% (29/02/2012)

>   Tổng hợp dự báo thị trường cà phê ngày 28/2 (29/02/2012)

>   Giá cao su sẽ tăng (29/02/2012)

>   Đoàn doanh nhân Hong Kong đến VN mua gạo (29/02/2012)

>   Nga xuất khẩu tới 28 triệu tấn ngũ cốc năm 2011 (28/02/2012)

>   Doanh nghiệp gặp khó với điều kiện xuất khẩu cà phê (28/02/2012)

>   Thế giới sẽ dư thừa đường trong vụ 2011-2012 (28/02/2012)

>   Đề nghị hỗ trợ lãi suất thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo (28/02/2012)

>   Dừa khô rẻ nhất trong 10 năm (27/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật